|
Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tư lớn tại Lào. Trong ảnh: Rừng cao su của HAGL tại Lào. |
Các dự án đầu tư sang Lào không ngừng tăng chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận.
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác Việt Nam - Lào, hội thảo “Xúc tiến đầu tư vào thủ đô Vientiane và tỉnh Champasack” diễn ra tại TPHCM ngày 16.7 thu hút sự quan tâm của hơn 150 doanh nghiệp (DN). Đây là dịp để các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Lào.
Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết kim ngạch thương mại 2 nước Việt Nam - Lào không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Năm 2011, kim ngạch 2 chiều đạt 734 triệu USD, tăng 49,8% so với năm 2010. Riêng quý I/2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 135,8 triệu USD, tăng 66,6% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến tăng lên 1 tỉ USD trong năm nay. Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư vào Lào với 424 dự án, trị giá 3,57 tỉ USD.
Đến nay, nhiều DN lớn trong nước đang đầu tư hiệu quả tại Lào như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Cao su Đắk Lắk… Theo bà Nguyễn Thị Hồng, với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, TPHCM không ngừng đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, dịch vụ với các địa phương Lào. Hiện có 35 DN TP được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng số vốn 306 triệu USD trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản, khai khoáng và xây dựng.
Hãy nghĩ tương lai trong 5-10 năm tới
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoongloun Sisulit cho biết khoảng năm 2002, khi ông đến Việt Nam trao đổi hợp tác kinh tế, kêu gọi DN Việt sang Lào đầu tư, nhiều DN không ngại đặt vấn đề: Lào không có cảng biển, đường sá khó khăn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao… đầu tư liệu có hiệu quả? “Tôi đáp rằng tương lai sẽ có lời giải khi DN nhìn dài hạn. Nếu Lào cần cảng biển để thông thương hàng hóa, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ và đầu tư xây cảng” - Phó Thủ tướng Thoongloun Sisulit kể. Giờ, các dự án đầu tư sang Lào không ngừng tăng chứng tỏ DN Việt đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận. Theo phó thủ tướng, các DN đầu tư sang Lào “đừng nghĩ lợi trước mắt mà hãy nghĩ tương lai trong 5-10 năm tới”.
Nhìn thấy tiềm năng thị trường Lào, nhiều DN đang có ý định đầu tư. Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc kinh doanh nội địa Công ty Cổ phần Saigon Food - chuyên sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến, thủy sản đông lạnh, cho biết đang quan tâm đến thị trường Lào nhưng băn khoăn về khâu vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, nguồn điện ổn định cho việc xây nhà máy đông lạnh.
Một số DN khác quan tâm đến các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư của Lào… Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Champasack Sonxay Siphandon cho biết sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho việc đầu tư của DN theo quy định.
Chỉ riêng tại tỉnh Champasack, Việt Nam đang có 37 dự án đầu tư trị giá 217 triệu USD trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Còn lãnh đạo thủ đô Vientiane mong muốn các DN đầu tư vào nhiều dự án lớn như: dự án đường xe lửa, đường cao tốc, phát triển sân bay, đường dây tải điện 500 KW, công trình thủy lợi, công nghiệp chế biến và du lịch.
Ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư sang Lào
Cùng với các chính sách thu hút đầu tư của Lào, các DN trong nước đầu tư sang thị trường này còn được hỗ trợ từ phía TPHCM. Ông Diệp Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết theo Quyết định 33 của UBND TP về thực hiện các dự án thuộc chương trình kích cầu, DN khi được phê duyệt dự án đầu tư tại Lào, Campuchia và các ngân hàng thương mại chấp thuận cho vay vốn sẽ được hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, DN có thể được hỗ trợ 50% lãi suất với dự án xây dựng kho ngoại quan, chợ đầu mối, khu kinh tế cửa khẩu tại khu vực biên giới với Lào… |
. Theo NLĐ |