Từ nay tới 2015, giá điện chỉ tăng mà không giảm. Do EVN phải bù dần khoản lỗ khoảng 37.000 tỷ đồng đang được treo vào giá điện. Ông Đinh Quang Tri (ảnh), Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết như vậy, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 20.7.
Tăng giá để bù lỗ
Báo Người lao động: Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, nếu EVN hạch toán một số khoản thu (như tiền cho thuê cột điện...) thì có thể giảm giá điện tới 34 đồng/kwh. Vì sao lại như vậy?
Trưa nay (20.7) tôi đã điện cho anh Lê Minh Khái, Phó Tổng kiểm toán nhà nước (KTNN), để hỏi thì anh Khái nói một số báo đưa tin, diễn giải chưa đúng.
Thực tế, doanh thu EVN lỗ thì làm sao giảm giá điện được. Giảm giá thành thì có thể giảm, nếu hạch toán để giảm trừ một số chi phí. Kết luận của KTNN là EVN hoàn toàn tuân thủ chế độ kế toán của Việt Nam.
Tuy nhiên, KTNN có một số phân tích, kiến nghị các bộ ngành, nên có điều chỉnh, đưa những khoản thu kiểu như tiền cho thuê cột điện vào khoản kinh doanh điện, để giảm bớt chi phí, giúp giảm giá điện.
Vì KTNN cho rằng, cột điện sinh ra để treo dây điện, nay cho viễn thông thuê treo, thì đáng ra phải hạch toán vào kinh doanh điện để giảm giá thành.
Còn hiện nay, theo quy định thì EVN hoạch toán khoản 400 tỷ đồng cho thuê cột điện vào doanh thu và sản xuất kinh doanh khác. Các công ty thuê cột có hợp đồng và chúng tôi phải xuất hóa đơn hẳn hoi. Nếu không thành trốn thuế thì chết ngay, làm sao mà EVN dám bỏ ngoài sổ sách doanh thu hàng trăm tỷ đồng như thế được.
Tiền Phong: Theo quyết định 24 của Thủ tướng, chỉ được tăng giá điện khi giá nhiên liệu đầu vào, tỷ giá tăng và nguồn nước hạn chế. Nhưng thực tế chỉ có giá than tăng từ 1.7, nhưng EVN vẫn tăng giá 5%. Như vậy có trái quyết định Thủ tướng?
Đợt tăng giá từ 1.7, đúng là nhìn bề ngoài rất thuận lợi, vì nước về nhiều, phụ tại tăng chậm do trời mát, tỷ giá ổn định… có ý kiến nói cần phải giảm giá mới đúng. Nếu chỉ nhìn bức tranh đơn giản đó thì EVN không thể xử lý được tình hình tài chính, vì khoản lỗ do điều chỉnh tỷ giá còn treo 26.000 tỷ đồng 2010 phải xử lý, nếu không nó sẽ thành một gánh nặng, nên Chính phủ yêu cầu đưa khoản này vào giá điện. Chưa kể khoản lỗ 11.000 tỷ đồng do mua giá điện cao, bán giá thấp của năm 2010, và phải chạy phát dầu nhiều.
Đợt tăng giá điện vừa rồi tính đến hết năm thu được 3.700 tỷ đồng, thì phải trả cho việc tăng giá than 10-11%, khoảng 400 tỷ đồng, còn lại 3.300 tỷ, chúng tôi trừ vào khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
|
Minh bạch cơ cấu giá điện đang là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. |
Nhà nước quyết giá thì phải bù lỗ
Tiền Phong: Theo quyết định mới đây của Thủ tướng thì EVN được bù lỗ 26.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá và trên 11.000 tỷ do mua điện giá cao bán thấp, vào giá điện đến năm 2015. Vì sao chỉ EVN được bù lỗ chênh lệch tỷ giá, trong khi nhiều tập đoàn nhà nước khác cũng bị lỗ do tỷ giá lại không được bù?
Đúng là các tập đoàn khác không được bù phần chênh lệch tỷ giá, nhưng EVN lại được, điều này nghe có vẻ không công bằng. Ví dụ, như PVN, Lilama, Vinaconex… có được bù đâu, sao EVN được bù? Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh, biện luận này đúng. Nhưng gốc của nó là vấn đề là giá điện.
Tất cả giá khác đều phụ thuộc vào giá thị trường, nên rủi ro ông phải chịu. Nhưng EVN thì không làm thế được, mà giá do Chính phủ quyết.
Chính phủ bảo, lúc này đang khó khăn, không được tăng giá điện, chênh lệch tỷ giá các ông không được hoạch toán vào giá điện… tất cả Chính phủ chỉ đạo. Nên lỗ của EVN là do chính sách, vì thế Chính phủ phải xử lý.
Hiện tất cả các khoản vay của EVN (7,4 tỷ USD) do Chính phủ bảo lãnh. Nên khi điều chỉnh tỷ giá, nếu không có khoản bù từ giá điện, thì Chính phủ phải bỏ tiền ra trả, Chính phủ lấy đâu ra tiền.
Tài sản đầu tư cho ngành điện để phục vụ người tiêu dùng điện, thì người tiêu dùng phải chịu, và các DN điện trên thế giới đều thực hiện cơ chế này.
Tiền Phong: Hiện EVN có tính minh bạch được giá thành sản xuất điện, trong đó chi phí cho tiền lương chiếm bao nhiêu phần trăm?
Minh bạch giá là nhu cầu đòi hỏi chính đáng. Hiện giá thành sản xuất điện mỗi nhà máy, mỗi nơi một khác. Hàng năm, theo quy định, EVN phải thuê kiểm toán giá điện. Hiện đã có báo cáo kiểm toán về giá điện, tới đây chúng tôi sẽ mời các nhà báo đến công bố.
Vietnamnet: Từ nay tới cuối năm, kế hoạch giá điện của EVN thế nào?
Theo quy định, 3 tháng EVN có nhiệm vụ rà soát lại các yếu tố chi phí đầu vào, các khoản lỗ còn treo mà Chính phủ cho phép phân bỏ dần, từ đó cân nhắc, trình Bộ Công Thương, Tài Chính xem xét. Nếu chỉ tăng đến 5% thì chỉ cần hai bộ đồng ý là tăng.
Chúng tôi đang dự kiến, khoản chênh lệch tỷ giá trước năm 2011 khoảng 26.000 tỷ đồng, phân bổ từ 2012 dần đến năm 2015, bình quân khoảng 6.600 tỷ đồng/năm.
Chưa kể khoản lỗ do mua điện giá cao bán giá thấp và mua dầu để chạy điện (khoảng 11.000 tỷ đồng).
Chênh lệch tỷ giá sẽ phân bổ dần vào giá điện từng năm. Nên từ năm 2013 đến 2015, sẽ phải tính dần vào giá điện. Bởi thế, trong thời gian này giá điện, chỉ tăng chứ không có giảm. Còn lộ trình tăng giá điện, bình quân mỗi năm phân bổ các khoản ra sao thì phải tính từng thời điểm.
Giải quyết tài chính cho EVN không chỉ mỗi giá điện, mà phải đồng bộ, trong đó cả sắp xếp vốn.
Hiện tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN là hơn 3 lần, nên EVN rất khó vay vốn ngân hàng, dù chỉ vay vốn đối ứng.
Vì thế, nhiều dự án Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng phải cho EVN vay 15% vốn đối ứng trong nước (85% còn lại vay nước ngoài) để triển khai các dự án. Nên hiện 100 % vốn dự án điện là vốn vay.
. Theo TPO
|