|
Bão số 4 còn diễn biến phức tạp. (Ảnh: NCHMF) |
Do tác động của rãnh áp thấp nối có trục nối với bão số 4, các địa phương miền Bắc diễn ra mưa, giông khiến nắng nóng giảm dần. Trong khi đó, các địa phương miền Trung còn nắng nóng khá gay gắt. Trên biển, bão mạnh thêm còn diễn biến phức tạp.
Trong hai ngày vừa qua các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã diễn ra nắng nóng gay gắt do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp phía tây gây hiệu ứng phơn mạnh. Cụ thể, ngày hôm qua các tỉnh phía đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ trưa phổ biến 36 - 37 độ, một số nơi trên 38 độ như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 38, 7 độ, , Tây Hiếu (Nghệ An) 38.2 độ, Vinh 38.0 độ,Tuyên Hóa (Quảng Bình) 38,6 độ, Hòa Bình 38,0 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 37,8 độ, Bái Thượng (Thanh Hóa) 37,9 độ.
Theo cơ quan khí tượng, từ hôm nay (23.7), ở phía Đông Bắc Bộ nắng nóng sẽ giảm dần do tác động của rãnh áp thấp nối có trục nối với bão số 4. Tuy nhiên, các tỉnh bắc và trung Trung Bộ còn tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ phổ biến từ 34 - 37 độ.
Chi tiết thời tiết các địa phương trên cả nước ngày và đêm 23.7 như sau:
Phía tây Bắc bộ, có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ thấp nhất 23 - 26 độ, cao nhất 30 - 33 độ.
Phía đông Bắc bộ, có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ thấp nhất 25 - 28 độ, cao nhất 31- 34 độ.
Khu vực Hà Nội, có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ thấp nhất 26 - 29 độ, cao nhất 31 - 34 độ.
Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng; nhiệt độ thấp nhất 26 - 29 độ, cao nhất 34 - 37 độ.
Đà Nẵng đến Bình Thuận, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng; phía bắc có nơi có nắng nóng; nhiệt độ thấp nhất 25 - 28 độ, cao nhất 33 - 36 độ.
Tây Nguyên, có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ thấp nhất 21 - 24 độ, cao nhất 28 - 31 độ.
Nam Bộ, có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ thấp nhất 23 - 26 độ, cao nhất 30 - 33 độ.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 16 giờ chiều nay (23.7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Đến 16 giờ ngày 24.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Trước đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đối phó với áp thấp nhiệt đới và bão.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đã chỉ đạo Biên phòng tuyến biển các tỉnh triển khai công tác phòng chống bão số 4 (có tên quốc tế là Vicente).
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng cũng báo có đã có công điện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai công tác đối phó với bão số 4.
. Theo Dân trí |