|
GS Bành Tiến Long |
Trước việc nhiều người nhìn nhận hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử như một tồn tại rõ ràng, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với GS Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ÐT.
GS Bành Tiến Long nói:
- Nhận xét về kỳ thi mà chỉ nhìn vào tỉ lệ đỗ của học sinh để đánh giá thì không chính xác, không thỏa đáng và không toàn diện. Và cũng không ai có thể khẳng định tỉ lệ đỗ phải là bao nhiêu thì hợp lý.
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng hay giảm, có hợp lý hay không cần được soi lại từ chuyển biến của hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương và sự duy trì kỷ cương trong thi cử. Dĩ nhiên, tính thực chất của tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng được xem xét từ chính thực tế tổ chức kỳ thi như thế nào. Qua những phản ảnh về tiêu cực trong kỳ thi vừa qua, nổi bật là "vụ Ðồi Ngô", rõ ràng chúng ta chưa thể yên tâm với việc tổ chức thi ở các địa phương. Do đó sự gia tăng của tỉ lệ tốt nghiệp đã làm dư luận không hài lòng.
* Trong bối cảnh còn nhiều tiêu cực xảy ra trong thi cử, việc phân cấp mạnh hơn trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia, theo ông, có phải là giải pháp hợp lý và hiệu quả không?
- Tôi cho rằng phân cấp thi tốt nghiệp THPT cho địa phương là một bước đổi mới quan trọng trong quản lý giáo dục, nằm trong lộ trình đổi mới thi cử, đó là xu hướng đúng. Nhưng tôi không cho rằng việc "phân cấp mạnh" là do tiêu cực đã được đẩy lùi hoàn toàn. Vì vậy cùng với việc "phân cấp", vẫn rất cần duy trì những giải pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ của cấp bộ, thậm chí cần làm mạnh mẽ hơn.
Cùng với việc thanh tra, giám sát là quy định rõ ràng, nghiêm khắc về việc chế tài đối với người vi phạm. Ðây là những biện pháp rất cần thiết giúp các địa phương yên tâm nhận nhiệm vụ "phân cấp".
* Với cách thức thi cử hiện nay, căng thẳng, áp lực vẫn đè nặng lên thí sinh, lên ngành GD-ÐT các địa phương và những tiêu cực khó có thể đẩy lùi. Theo ông, với mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, việc đánh giá học sinh, công nhận hoàn thành chương trình của học sinh THPT nên thay đổi theo hướng nào?
- Ðây là vấn đề lớn, phụ thuộc vào công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Sẽ khập khiễng nếu chỉ đổi mới đánh giá thi cử mà không đổi mới chương trình - sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, điều kiện và phương tiện dạy học, đội ngũ nhà giáo...
Hội tụ đủ các yếu tố đổi mới mới có thể thực hiện đánh giá hoàn thiện chương trình THPT theo hướng hội nhập quốc tế. Khi đó mới có thể thực hiện việc đánh giá khách quan chất lượng học sinh trong suốt quá trình dạy học kết hợp với các đánh giá cuối kỳ, cuối năm. Thầy cô giáo phải đánh giá được học sinh trên lớp học trong quá trình dạy các môn học; cũng có thể giao cho học sinh THPT vào các công ty, xí nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức xã hội và nghề nghiệp để học sinh tự nghiên cứu các dự án rồi tự đánh giá, đề xuất mới, trên cơ sở đó đánh giá năng lực của các em... Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiêu chí này được đánh giá rất cao.
* Trong khi việc đánh giá học sinh trong cả quá trình học chưa áp dụng được thì ông có ủng hộ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thay thế bằng kỳ thi do các địa phương tự tổ chức hay tự xét tốt nghiệp?
- Ðó là một đề xuất mới cần được quan tâm, xem xét. Nhưng theo tôi, điều đó chưa thích hợp trong tình hình giáo dục, tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Tôi e khi đó áp lực còn nặng nề hơn, con số đưa ra còn tranh cãi nhiều hơn và động lực dạy học có thể đi xuống, việc kiểm soát chất lượng sẽ vô cùng khó khăn. Giáo dục là việc đại sự quốc gia nên mọi quyết sách phải cẩn trọng.
* Vậy trước mắt, theo ông, cần có cải tiến thế nào để kỳ thi năm sau giảm được áp lực căng thẳng dẫn đến giảm tiêu cực?
- Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng giải pháp trước mắt là không bắt buộc học sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những học sinh thi đỗ tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp để dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Số không đỗ tốt nghiệp, hoặc số không dự thi nhưng đã học đầy đủ chương trình theo quy định có thể được cấp một chứng chỉ "đã học xong chương trình THPT".
Những học sinh này có thể sử dụng chứng chỉ để đi học nghề ngắn hạn, dài hạn, trung cấp chuyên nghiệp... Như thế sẽ có phân loại năng lực học sinh, đỡ áp lực cho các gia đình, học sinh trong việc bắt buộc phải thi và phải đỗ. Việc thi không đỗ, việc tỉ lệ tốt nghiệp thấp cũng không tác động nhiều đến tâm lý của người dân nói chung và học sinh nói riêng, không trở thành áp lực của mỗi địa phương. Sau này khi học nghề và hành nghề, nếu các em muốn vẫn có nhiều cơ hội học bổ túc để nhận bằng tốt nghiệp THPT.
"Đánh giá học sinh trong cả quá trình học và với nhiều hình thức, phương diện là việc nên hướng đến. Nếu làm được điều này thì không cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nặng nề như hiện nay, thay vào đó là kỳ kiểm tra cuối cấp nhẹ nhàng” - GS Bành Tiến Long |
. Theo TTO |