|
Ảnh minh họa |
Trước nhiều ý kiến lo ngại lượng vốn 30.000 tỷ đồng ứng trước vốn ngân sách Trung ương kế hoạch 2013 và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013 – 2015 cho một số công trình cấp bách, sẽ tác động đến lạm phát, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định lượng vốn này sẽ góp phần kích cầu nền kinh tế.
Cụ thể, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng trước vốn cho các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng chưa có vốn để thanh toán; thứ hai là các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2012 và thứ ba là các dự án có thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013.
Trong đó, 15.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, tập trung cho các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và vốn đối ứng cho các dự án ODA (khoảng 5.000 tỷ đồng). Khoản ứng trước này chỉ dành cho các bộ, ngành trung ương, không dành cho địa phương. Ngoài ra, khoản vốn ứng trước từ Trái phiếu Chính phủ khoảng 15.000 tỷ đồng dành cho các dự án thuộc Danh mục đầu tư nguồn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015. Việc ứng trước phải được thực hiện trong quý III.2012 để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2012 thì trong 6 tháng cuối năm, mỗi tháng ngân sách Nhà nước sẽ bơm ra nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tính của TS. Lê Xuân Nghĩa tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam qua 6 tháng đầu năm, nhận định về những tháng còn lại trong năm 2012”, tổ chức tại Cần Thơ, ngày 24.7, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,3-5,5% thì trong 6 tháng còn lại của năm 2012 nền kinh tế Việt Nam cần có 80.000 tỷ đồng/tháng vốn đầu tư vào các lĩnh vực. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 20.000 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước là 20.000 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng. So sánh nhu cầu trên cho thấy nguồn vốn 30.000 tỷ đồng ứng trước là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng trong bối cảnh dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế còn tăng yếu, thì việc linh hoạt trong tăng ứng vốn đầu tư cho các công trình sẽ góp phần tạo thêm cầu cho nền kinh tế, mà trước hết là cầu cho sản xuất, đặc biệt với các ngành đang bị tồn kho lớn. Chỉ 30.000 tỷ đồng, nhưng sẽ giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, có thêm việc làm, từ đó có thể tác động tốt đến khu vực bất động sản và các ngành sản xuất khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Khi kinh tế vĩ mô đã bắt đầu ổn định hơn, các chính sách tiền tệ, tài khóa cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.
Ông Bùi Hà cũng cho biết thêm trong khoản vốn 30.000 tỷ đồng, có một phần vốn đã được tạm ứng trước để đưa vào thi công công trình, tạo cầu cho thị trường nhưng chưa được thanh toán, tức là chưa được giải ngân. Do vậy, sẽ không có chuyện tiền đổ ra dồn dập.
“Một trong những nguyên tắc hàng đầu trong tái cơ cấu đầu tư công là bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, thất thoát, lãng phí. Và trong chừng mực nào đó, việc ứng vốn giúp cho tiến độ dự án đầu tư trọng điểm được đẩy nhanh hơn nữa”, ông Hà nói.
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2012, vốn đầu tư sẽ tăng cao hơn, cộng thêm 30.000 tỷ đồng ứng trước, sẽ có tác động nhất định đến tổng cầu. Nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp rất lớn, lại đang ở trong tình trạng không tiêu thụ được, tồn kho lớn nên khi cầu tăng, sẽ đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa, giúp phục hồi sản xuất.
. Theo Chinhphu.vn
|