Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Nguồn tuyển rất dồi dào
8:53', 9/8/ 2012 (GMT+7)

* Nhiều trường công bố điểm chuẩn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga.

Ngày 8.8, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ĐH-CĐ 2012. Điểm sàn khối A, A1 13 điểm; khối B 14 điểm, khối C 14,5 điểm, khối D 13,5 điểm. Điểm sàn cao đẳng thấp hơn 3 điểm các khối tương ứng của điểm sàn đại học. Như vậy, so với năm 2011, điểm sàn khối A, B được giữ nguyên; khối C, D tăng nhẹ 0,5 điểm. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời phỏng vấn báo chí làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh năm nay.

- Phóng viên: Cơ sở nào để Bộ GD-ĐT quyết định mức điểm sàn trên?

Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Mức điểm sàn năm nay chỉ khác năm ngoái là khối C và D mỗi khối tăng 0,5 điểm, do chất lượng thí sinh (TS) năm nay tốt hơn năm ngoái. Với mức điểm sàn này, hệ số dư, hệ số dịch chuyển của TS cao hơn năm ngoái. Cụ thể khối A, tỷ lệ giữa số TS dư là 1,8 lần, khối B trên 10 lần, còn khối C và D là trên 2,5 lần. Như vậy, với hệ số dịch chuyển lớn này, các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào. Để có mức điểm sàn này, bộ đã tính đến khả năng TS ảo, tính tới khả năng TS dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác.

- Quan điểm của bộ là càng ngày càng nâng cao điểm sàn?

Mọi nỗ lực của bộ đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Tất nhiên, mục tiêu đó phải là cả quá trình, nhất là nâng chất lượng giáo dục phổ thông. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện đáng kể. Chúng ta không hy vọng chất lượng giáo dục chuyển biến đột biến được, phải làm từng bước.

Cụ thể như năm nay, các môn thi khối C đã có kết quả tốt hơn. Điểm cực đại ở khoảng 15 điểm đối với 3 môn. Đó là nhờ trong những năm gần đây, bộ đã cố gắng cải thiện cách dạy những môn xã hội sau khi có cảnh báo chất lượng các ngành xã hội nhân văn yếu đi. Bộ đã cải tiến cách dạy phổ thông, cách ra đề thi đại học làm thí sinh hứng thú hơn khi học môn này, TS không cần phải nhớ kỹ ngày tháng, những số chi tiết, không phải học thuộc lòng nhiều, thay vào đó để các em bình luận, thể hiện những chính kiến cá nhân… Chúng ta đã đi đúng hướng làm cho thí sinh hứng thú hơn khi học các môn xã hội nhân văn, dẫn đến kết quả khối C năm nay đẹp hơn. Tương tự, môn ngoại ngữ cũng có tiến bộ rõ rệt vì hiện nay, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân… Điểm sàn sẽ được nâng dần lên.

- Năm nay, TS nên đặc biệt lưu ý điều gì trong việc nộp hồ sơ xét tuyển?

Đó là hầu hết các vùng miền đều có hệ số TS dư, các trường có thể tự cân đối với nhau, kể cả vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, miền Trung. Ở những vùng đó, các TS không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 vẫn còn cơ hội lấp đầy chỉ tiêu còn lại ở các trường trong khu vực, thậm chí còn dư ra nhiều cho các vùng khác. Vùng ĐBSCL như những năm trước không cân đối được, năm nay cũng vươn lên đạt sự cân đối về nguồn tuyển này.

Với mức điểm sàn trên, khối A có 110.000 TS trúng tuyển NV1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các NV tiếp theo. Trong khi đó, số TS có mức điểm đủ điều kiện xét tuyển (gọi là số dư) là 66.500. Với khối A1, có 15.000 TS trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 10.000, số dư là 11.500. Do hầu hết những trường tổ chức thi khối A1 đều tuyển khối A, nên nếu thiếu chỉ tiêu, các trường có thể lấy TS dự thi khối A. Khối B có 29.500 TS trúng tuyển NV1; số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Khối C ngoài số trúng tuyển NV1, số dư là 13.700, gấp 2,7 lần số chỉ tiêu còn thiếu. Khối D1, số TS trúng tuyển NV1 là 45.000. Số còn thiếu là 15.000, số TS còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu.

Hiện nay, các vùng miền núi phía Bắc tuyển sinh khó khăn hơn. Để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vùng này vẫn cần sự dịch chuyển của TS ở các vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Như vậy với cơ cấu tuyển như năm nay, sau khi xét tuyển NV1, TS dựa vào khả năng dịch chuyển đó, khả năng còn dư chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực của mình. Ban đầu, TS có thể nộp ở một trường yêu cầu cao, nếu không trúng tuyển, TS có thể rút hồ sơ về. Nếu TS nào quyết tâm học sẽ tìm được một trường phù hợp, không nhất thiết phải là các trường ở các thành phố lớn, mà có thể là các trường ĐH vùng, các trường địa phương, trường ngoài công lập.

- Bộ có quy định thời gian từng đợt xét tuyển?

Thời gian xét tuyển từng đợt do các trường quy định, tùy theo chiến lược của từng trường. Việc này bộ đã giao cho các trường tự chủ, TS tự chủ trong việc phán đoán nộp trường nào, rút trường nào. Bắt buộc TS phải có sự phán đoán và lựa chọn trường phù hợp. 70% TS trúng tuyển NV1, còn lại 30% TS dịch chuyển từ trường này sang trường kia để xét tuyển NV bổ sung, vì vậy tôi cho là công tác xét tuyển sẽ không lộn xộn như các trường lo ngại.

- Có thể TS sẽ không có lợi như mong muốn, ví dụ như các trường vì quyền lợi của mình yêu cầu TS nộp giấy kết quả thi có dấu đỏ, từ chối bản photo?

 
Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa học.

Bộ đã giao tự chủ cho các trường. Chắc chắn, những trường tốp trên sẽ chỉ tuyển những TS có điểm cao, vì vậy họ sẽ yêu cầu thu bản gốc để kết thúc nhanh việc xét tuyển. Còn những trường xét tuyển bằng sàn phải dùng đến bản điểm photo.

- Năm nay, liệu các trường ngoài công lập có tiếp tục khó tuyển sinh?

Với hệ số TS dịch chuyển như hiện nay (số TS dư trên sàn nhiều), các trường không khó khăn gì trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề là các trường có thu hút được TS vào học bằng uy tín và chất lượng của mình hay không? Các trường vẫn phải tạo chất lượng, nâng cao sức hút với TS. Năm nay, với cơ chế tuyển sinh mềm dẻo (các trường cũng có nhiều đợt tuyển, để làm sao tuyển đủ chỉ tiêu thì thôi, xét tuyển đến tận ngày 30.11). Tôi nghĩ là sẽ khắc phục được sự thiếu hụt chỉ tiêu vào các trường như mọi năm.

. Theo SGGPO

Nhiều trường công bố điểm chuẩn

Ngày 8.8, Bộ GD-ĐT yêu cầu căn cứ điểm sàn xét tuyển ĐH-CĐ, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định điểm trúng tuyển và xét tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn, không nhân hệ số các môn thi để xác định điểm sàn. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn vào trường năm 2012.

Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm chuẩn năm 2012 như sau: Khối A: 18; khối C: 21,5; Khối D: 20. Trường ĐH Xây dựng điểm chuẩn Khối A: 18, khối V: 24,5 (nhân hệ số); ngành Quy hoạch: 16,5 điểm; khối A1: 17 điểm. ĐH Kinh tế Quốc dân công bố điểm sàn trúng tuyển vào trường cho khối A là 20, khối D1: 20 (tiếng Anh hệ số 1) hoặc 27 (tiếng Anh hệ số 2). Trường xác định điểm trúng tuyển cho từng ngành (đã tính điểm ưu tiên đối tượng và khu vực), trong đó cao nhất là ngành Kế toán 24,5 điểm (khối A, khối D1). Với điểm chuẩn này, trường có 3.580 em đủ điểm vào ngành đăng ký, 871 em đủ điểm sàn vào trường và đăng ký lại ngành học. ĐH Bách khoa Hà Nội xác định điểm chuẩn cho từng ngành, trong đó các ngành Điện, Tự động hóa, Điện tử, CNTT, Toán tin có điểm chuẩn cao nhất với 21,5 điểm; thấp nhất là các ngành Vật liệu, Dệt may, Sư phạm kỹ thuật với 18 điểm…

Chiều 8.8, Trường Đại học Đà Lạt đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh đại học năm 2012. Theo đó, điểm chuẩn khối A là 13 điểm, khối B 14 điểm, khối C 14,5 điểm, khối D1 13,5 điểm. Riêng các ngành Sư phạm, Luật học và Kỹ thuật hạt nhân có điểm chuẩn cao hơn. Ngành Sư phạm Ngữ văn điểm chuẩn cao nhất: 18 điểm, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm tiếng Anh: 17 điểm, ngành Kỹ thuật hạt nhân: 16,5 điểm, Luật học: 15,5 điểm. Những thí sinh đăng ký thi ngành Kỹ thuật hạt nhân có điểm từ 13 đến 16, được trường tuyển vào ngành Vật lý học; dự thi ngành Luật học đạt 15 điểm, được tuyển vào ngành Lịch sử và đạt 14,5 điểm được tuyển vào ngành Việt Nam học.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 17 năm ngày Việt Nam tham gia ASEAN  (09/08/2012)
Vietsovpetro đạt mốc khai thác 200 triệu tấn dầu  (08/08/2012)
Sáp nhập Habubank với SHB  (08/08/2012)
Dừng vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất từ chiều nay  (08/08/2012)
Thêm đối tượng được miễn thủy lợi phí  (08/08/2012)
Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ĐH, CĐ 2012  (08/08/2012)
Thống nhất trong đa dạng – yếu tố hàng đầu tạo nên hình ảnh và vị thế ASEAN  (08/08/2012)
Thực hiện tái cơ cấu giúp DNNN đủ mạnh để cạnh tranh  (08/08/2012)
Việt Nam giành 2 huy chương bạc Olympic Toán sinh viên quốc tế  (08/08/2012)
Sẽ kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức cấp xã, phường  (07/08/2012)
Không để Trung Quốc lấn tới  (07/08/2012)
Gần 47.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng qua  (07/08/2012)
Thời điểm nào nên đầu tư vào chứng khoán Việt Nam?  (07/08/2012)
Tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam-Triều Tiên  (07/08/2012)
“Không lấy tiền thuế của dân giải cứu doanh nghiệp”  (06/08/2012)