Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang tiếp tục tăng vốn. Theo các chuyên gia, đợt tăng vốn này không ngoài mục tiêu đón đầu một đợt tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Xu hướng tăng vốn đầu tư
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7, cả nước có tới 231 lượt dự án FDI đăng ký tăng vốn đầu tư với 2,83 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Tại Hà Nội, vốn FDI tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp Hà Nội cũng tăng mạnh với 17 dự án đăng ký tăng vốn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp thay đổi thiết bị với vốn đăng ký đạt trên 153,4 triệu USD.
Nếu so với tổng vốn đầu tư mới đạt 112,4 triệu USD của 9 dự án FDI, có thể nói, vốn tăng thêm lớn đã khiến các khu công nghiệp Hà Nội về đích sớm trong chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2012.
Cuối tháng 6/2012, Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) đầu tư thêm 40 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh để thành lập Công ty Nidec Seimitsu (NSTJ), nâng tổng vốn đầu tư của Tập đoàn này tại đây lên 246,5 triệu USD. Ông Kazuo Aoki - Tổng giám đốc NSTJ - nhấn mạnh Tập đoàn đang sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam…
Cùng thời điểm này tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt công ty FDI khác cũng đồng loạt tăng vốn như: Công ty CP đầu tư Quảng Trường Thời Đại Việt Nam đã đăng ký tăng vốn thêm 375,3 triệu USD, Công ty E.B Phú Thạnh (100% vốn Hong Kong) tăng 13 triệu USD, Công ty TNHH Pizza Việt Nam vốn từ 6 triệu USD lên 15 triệu USD...
Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn TP có 50 dự án FDI đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 495 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao gấp đôi so với vốn đăng ký của những dự án FDI mới được cấp giấy phép.
Trong số này các dự án tăng thêm vốn nhiều gồm Nhà máy Bia Việt Nam (Singapore) tăng thêm 68,1 triệu USD, Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) tăng thêm 25 triệu USD, BMS Việt Nam (Singapore) tăng 11,8 triệu USD, Sankyu Việt Nam (Nhật Bản) tăng thêm 9,5 triệu USD….
Không chỉ tăng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên bố tăng vốn điều lệ. Điển hình như Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam, sau khi thành lập doanh nghiệp sữa 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam năm 2008, để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, hãng sữa hàng đầu của Mỹ này không chỉ tăng vốn điều lệ mà còn tăng vốn đầu tư từ 200.000 USD lên 12 triệu USD. Công ty TNHH PepsiCo Việt Nam cũng đã nâng vốn điều lệ thêm 80 triệu USD (hiện đạt mức 131,1 triệu USD).
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối cũng tham gia động thái này.
Nếu năm trước, Giant South Asia (Singapore) nổi bật với việc đầu tư thêm 15 triệu USD vào thị trường Việt Nam để mở thêm điểm phân phối và kho hàng, thì tháng 4 vừa rồi, Công ty TNHH Metro Cash &Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) cũng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên trên 59,7 triệu USD (tăng thêm 18 triệu USD).
Ông Randy Guttery, Tổng giám đốc Metro Việt Nam cho biết, sức mua của thị trường Việt Nam đang phát triển tốt, dung lượng thị trường còn lớn hơn cả Thái Lan và trong 10 năm tới, thị trường sẽ phát triển nhanh hơn. Đặc biệt, ngành công nghiệp nhà hàng và khách sạn (khách hàng chính của hệ thống Metro) đang “nổi lên” là lý do để Metro Việt Nam tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng. Hiện nay, chỉ riêng TP.HCM, Metro có 3 trung tâm phân phối sỉ đang hoạt động (trong tổng số 13 trung tâm trên phạm vi cả nước, dự kiến xây dựng thêm 3 trung tâm mới trong năm nay) và chủ trương của Metro là sẽ mở thêm 2 - 3 trung tâm nữa.
Ở tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Wintek Việt Nam thuộc Tập đoàn phát triển công nghệ cao Wintek (Đài Loan) - sản xuất màn hình cảm ứng (touch screen) cho điện thoại iPad và iPhone - đã tăng thêm 870 triệu USD cho dự án nhà máy sản xuất màn hình cảm ứng, nâng vốn đăng ký lên thành 1,12 tỉ USD. Nhà đầu tư này sẽ nhập thêm thiết bị và dây chuyền sản xuất cũng như mở rộng diện tích nhà xưởng để gia tăng sản xuất cung ứng cho nhà sản xuất điện thoại.
Công ty cổ phần Sun Steel (Sunsco) ở Bình Dương cũng tăng thêm 120 triệu USD vốn đầu tư, nâng tổng vốn đăng ký của công ty lên 420 triệu USD. Theo ông Wada Yuji, Tổng giám đốc Sunsco, số vốn tăng thêm này công ty sẽ đầu tư dây chuyền tôn mạ kẽm số 2 với công suất 282.000 tấn/năm và dây chuyền tôn phủ màu số 2 có công suất 96.000 tấn/năm.
Nâng chất lượng dự án đầu tư
Các chuyên gia cho rằng đây là điểm sáng trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện nay, bởi lẽ chủ trương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không chú trọng nhiều về số lượng vốn đăng ký mới mà là chất lượng của dự án cũng như tiến độ giải ngân để thực hiện các dự án đầu tư. Mặt khác, theo các địa phương, những dự án được mở rộng đầu tư thường triển khai nhanh hơn những dự án đầu tư mới.
Cũng phải nói thêm, lâu nay, vốn đăng ký tăng thêm thường chiếm khá nhỏ nếu so với số vốn đăng ký mới cùng thời kỳ. Năm 2011, vốn đăng ký tăng thêm chỉ khoảng 3,13 tỷ USD, so với 11,56 tỷ USD vốn đăng ký mới. Tình hình tương tự vào năm 2010, chỉ có 1,7 tỷ USD vốn tăng thêm so với 17,2 tỷ USD vốn đăng ký mới.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký tăng thêm thường giải ngân nhanh hơn, thuận lợi hơn khá nhiều so với với nguồn vốn đăng ký mới.
Những tín hiệu này củng cố thêm những dự báo về khả năng đạt được mức giải ngân vốn khoảng 11 tỷ USD trong năm 2012 cho dù trong 7 tháng, vốn FDI giải ngân mới đạt 6,2 tỷ USD.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, đợt tăng vốn này của các doanh nghiệp FDI không ngoài mục tiêu đón đầu một đợt tăng trưởng mới của nền kinh tế vào hai ba năm tới. “Đây là một tín hiệu rất tốt, dự án tăng vốn càng nhiều thì càng chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư trong thời gian sắp tới”, ông nói.
. Theo Chinhphu.vn |