Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 14.8. Dự án Luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chuẩn bị; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, mặc dù ban đầu được đặt tên là Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, song qua cân nhắc, Chính phủ đề nghị đổi tên là “Luật Phòng chống thiên tai”. Thẩm tra dự luật, có tới 5 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này, trong đó có ý kiến giữ nguyên tên dự luật như ban đầu.
“Với phạm vi điều chỉnh như được xác định trong dự luật thì Luật Phòng chống thiên tai là hợp lý hơn cả”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ủng hộ quan điểm của Chính phủ.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về phòng chống thiên tai với trách nhiệm của Cơ quan chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai ở địa phương để kịp thời chỉ đạo, chỉ huy công tác phòng chống thiên tai. Cần quy định rõ thẩm quyền của UBND các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn nơi trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong việc huy động nguồn lực phòng chống thiên tai và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai; quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục cưỡng chế, di dời, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện trong tình trạng khẩn cấp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thẳng: Tôi chưa hài lòng lắm với bản dự thảo này. Đây là một kiểu “luật kể việc”. Liệt kê ra rồi, nhưng không thể hiện phải xử lý vấn đề đó như thế nào, không xử lý thì ai chịu trách nhiệm? Thảm họa lớn thì ứng phó thế nào…
Ông Phùng Quốc Hiển cũng không đồng tình với việc luật này lại “đẻ” thêm ra một loại quỹ nữa, làm cho nguồn lực quốc gia bị phân tán, trong khi nhân dân vẫn phải đóng góp nhiều.
Ông Phùng Quốc Hiển gợi ý, Hiến pháp đã có quy định về lao động công ích, đó là một nguồn lực đáng kể, Ban soạn thảo có thể tính toán đưa vào dự thảo luật.
Lưu ý đến tên gọi của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa lại cho rằng, việc thay đổi tên gọi như Tờ trình của Chính phủ cần được cân nhắc. Chúng ta không thể loại trừ được thiên tai. Trong khi đó, tên gọi của Luật sẽ thể hiện nhận thức, dẫn đến cách thức ứng phó với thiên tai. Theo ông Nguyễn Kim Khoa, vai trò chủ đạo của Nhà nước cũng như vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong ứng phó với thiên tai cần được thể hiện rõ hơn trong dự luật.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân (từ khâu dự báo, thông tin, áp dụng các biện pháp ứng phó…) phải là những nội dung quan trọng không thể thiếu trong Luật.
Cho rằng Quỹ phòng chống thiên tai là cần thiết, song ông Kim Khoa Khoa đặt câu hỏi: Nếu coi đây là một khoản đóng góp bắt buộc giống như một loại thuế thì có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành quy định áp dụng bảo hiểm phòng, chống thiên tai, nhưng cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm. Bà Trương Thị Mai đồng tình cao với ý kiến của ông Nguyễn Kim Khoa về xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chức năng trong phòng tránh thiên tai. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương trong công tác này, cần có một ủy ban quốc gia về phòng tránh thiên tai, vì chỉ riêng một bộ ngành chắc chắn không lo nổi...
. Theo SGGP |