Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh
14:25', 20/8/ 2012 (GMT+7)

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Sáng nay, 20.8, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình bày tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh, gồm 6 chương, 42 điều; nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, qua lấy ý kiến các chuyên gia và cơ quan chức năng, hiện có hai vấn đề lớn trong dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau.

Liên quan đến việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Chính phủ cho rằng, việc quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người quản lý, người đại diện theo uỷ quyền tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là phù hợp.

Để đảm bảo tính khả thi và tập trung về đối tượng, dự thảo Luật đã xác định một số điều kiện của đối tượng này như: Có tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đa số người quản lý, người đại diện theo uỷ quyền doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập còn lại sẽ được thụ hưởng phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh.

“Đề nghị giao Chính phủ quy định về đối tượng, thẩm quyền triệu tập, cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày.

Về vấn đề bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, Chính phủ nhận định: chức sắc, nhà tu hành có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của các tín đồ tôn giáo. Qua bồi dưỡng, chức sắc, nhà tu hành đã nắm được kiến thức quốc phòng - an ninh và tạo sự đồng thuận đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng này trong thời gian qua đã được triển khai thí điểm và nhân rộng trên 56 tỉnh, thành phố đều cho thấy kết quả tích cực và ổn định.

Từ những cơ sở đó, dự thảo Luật quy định theo hướng chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể (số lượng chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ, nghi lễ tôn giáo, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương...) được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, để khẳng định quyền bình đẳng của công dân được thụ hưởng bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh, trường hợp chưa được “bồi dưỡng” thì sẽ được “phổ biến” kiến thức quốc phòng - an ninh.

Thẩm tra dự luật, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật, như: quy định về yêu cầu bố trí giáo viên chuyên trách môn giáo dục quốc phòng, an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng, an ninh cho các trường cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học; yêu cầu tiêu chuẩn của giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng - an ninh... Dự thảo cũng cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn đối với chủ thể và nơi thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng.

Đề cập đến hai vấn đề còn ý kiến khác nhau mà Chính phủ đã nêu, Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định có tính nguyên tắc theo hướng phân loại tiêu chí doanh nghiệp căn cứ vào quy mô, tính chất, số lượng lao động và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội để xác định những người quản lý, người đại diện theo uỷ quyền tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là đối tượng thuộc diện bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh.

Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị dự thảo Luật nên quy định theo hướng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối với những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, còn cụ thể sẽ do văn bản dưới luật quy định tùy theo tình hình thực tế.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp đều tán hành sự cần thiết ban hành Luật cũng như những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi ủng hộ việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho các đối tượng chức sắc tôn giáo, nhưng yêu cầu phải có chương trình riêng, phương pháp riêng. Các mức độ “bồi dưỡng”, “phổ biến, “giáo dục” phải làm rõ để áp dụng cho các đối tượng khác nhau, trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cụ thể: “Luật nên tập trung vào đối tượng dưới 50 tuổi. Việc giáo dục về quốc phòng và an ninh cho học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở phải theo hướng vừa học vừa chơi, không nên nặng nề, “quân sự hóa” tâm hồn ngây thơ của các cháu”.

Ông Ksor Phước cũng lưu ý Ban soạn thảo Luật về tính đồng bộ, thống nhất của Luật này với các văn bản pháp luật khác có liên quan, như Luật Tổ chức cán bộ, Luật tổ chức Quốc hội, Hội đồng nhân dân... cũng như lượng định kinh phí cho công tác này.

Phát biểu sau đó, Trung tướng Hoàng Châu Sơn, đại diện Ban soạn thảo khẳng định, Luật hoàn toàn phù hợp với các luật hiện hành về tổ chức cán bộ. “Về kinh phí, chúng tôi cũng kế thừa các quy định hiện hành, việc thực hiện Luật này không làm phát sinh các khoản chi mới. Nội dung giáo dục kiến thức về quốc phòng – an ninh hiện đã được lồng ghép vào các bộ môn như văn, sử, giáo dục công dân... giảng dạy tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở; nay được luật hóa để định hướng xây dựng chương trình và thực hiện nhuần nhuyễn hơn, không làm tăng thời lượng, cũng không làm tăng số giáo viên trong các trường”, Trung tướng Hoàng Châu Sơn cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Nội vụ thành những điều khoản riêng trong Luật này để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc, trên toàn quốc hiện nay có 12 tôn giáo và khoảng 30 tổ chức tôn giáo được chính quyền công nhận với hơn 22 triệu tín đồ, trong đó có trên 8 vạn chức sắc, nhà tu hành. Các tôn giáo đều nằm trong cộng đồng dân tộc nhất định và chịu sự quản lý của nhà nước. Do đó, những người hoạt động tôn giáo, bên cạnh việc hành đạo, phải tôn trọng luật pháp quốc gia.

Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định: chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo vừa là người có đạo, đồng thời cũng là công dân, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác.

(Trích Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng An ninh)

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nếu tiền dồn dập ra thị trường  (20/08/2012)
Tự phê bình và phê bình phải thật sự thẳng thắn, cầu thị  (20/08/2012)
Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè  (19/08/2012)
2,5 điểm mỗi môn cũng vào... đại học  (19/08/2012)
Giá trị của độc lập, tự do  (19/08/2012)
Tránh hình thức phô trương trong lễ khai giảng  (19/08/2012)
Thiếu nhân lực công nghệ  (18/08/2012)
Người dân TPHCM chấm điểm lãnh đạo qua máy  (18/08/2012)
3 người chết, 6 người mất tích do bão số 5  (18/08/2012)
5 nhóm KKT ven biển được tập trung đầu tư từ 2013-2015  (18/08/2012)
Huy động máy bay, tàu, xe sẵn sàng chống bão số 5  (17/08/2012)
Doanh nghiệp Việt Nam nợ tới 120% vốn sở hữu  (17/08/2012)
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Căng thẳng xét tuyển nguyện vọng bổ sung  (17/08/2012)
Quá nhiều lỗ hổng trong quản lý bán hàng đa cấp  (17/08/2012)
Cà phê Việt Nam duy trì vị trí xuất khẩu số 1 thế giới  (17/08/2012)