Bầu Kiên bị bắt, chứng khoán ngân hàng rớt thảm
14:23', 21/8/ 2012 (GMT+7)

Chứng khoán nhiều ngân hàng Việt Nam sáng nay (21.8) giảm điểm mạnh sau khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 21.8, VN-Index giảm 20,73 điểm, tương đương 4,74%, mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua, xuống 416,53 điểm. Khối lượng giao dịch vọt lên 63 triệu cổ phiếu với hơn 1.000 tỷ đồng được trao tay.
 
VN30 giảm mạnh không kém với 4,86%, tương đương 25,32 điểm, xuống 495,96 điểm, rơi khỏi mốc 500 điểm mà các nhà đầu tư đã mất nhiều tiền của gây dựng.
 
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index còn giảm sâu hơn với 5,32%, hay 3,76 điểm xuống 66,89 điểm. HNX30 giảm 6,24%, hay 8,43 điểm xuống 126.74 điểm.

Bên cạnh cổ phiếu ACB, hàng trăm mã cổ phiếu khác trên cả hai sàn Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng loạt giảm sàn. Những chỉ số này khiến nhiều chuyên gia đánh giá rằng, tình cảnh chứng khoán đang giống như thời khủng hoảng năm 2009.

Trên thị trường, các nhà đầu tư đều nhận thấy mức giảm rõ rệt nhất ở khối cổ phiếu ngân hàng. Đây được coi là phản ứng của thị trường ngay sau khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, là cổ đông sáng lập của nhiều ngân hàng và là người có thế lực của ngành ngân hàng bị bắt, được nhiều báo đồng loạt đưa tin.

Có thể kể đến các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE đã giảm mạnh như EIB, STB, MBB, VCB, CTG, kéo theo các mã bluechip khác cũng giảm mạnh.

Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, chỉ số VN-Index giảm 6,49 điểm. Tổng giá trị giao dịch 116,2 tỷ đồng. Nhưng sang đợt khớp lệnh liên tục, đà lao dốc bắt đầu diễn ra với hàng loạt mã giảm sàn. Lệnh bán tháo các mã ngân hàng có hơi hướng ảnh hưởng của ông Kiên như EIB, STB diễn ra đồng loạt.

Các cổ phiếu sáng nay đều bị bán mạnh, hấp thụ hết gần như toàn bộ lượng cầu, trong đó ITA có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 3,6 triệu cổ phiếu, tiếp đến là MBB với 3,1 triệu cổ phiếu.  Cổ phiếu EIB còn dư bán sàn gần 3,3 triệu cổ phiếu, trong khi STB là hơn 1,4 triệu cổ phiếu. Các mã ngân hàng khác cũng chịu vạ lây như CTG còn dư bán sàn 77.460 cổ phiếu, MBB 764.810 cổ phiếu, VCB 83.880 cổ phiếu.

Bắt bầu Kiên không ảnh hưởng đến hoạt động ACB

Thời điểm hiện tại, ông Kiên không tham gia với bất kỳ vai trò gì trong cơ chế quản trị của ACB.

Ông Huỳnh Quang Tuấn – Thành viên Hội đồng Quản trị - Phó Tổng Giám đốc ACB khẳng định sáng 21.8, ông Nguyễn Đức Kiên hiện nay không phải là thành viên Hội đồng quản trị cũng như Ban điều hành của ACB.

“Ông Kiên là cổ đông lớn nhưng theo số liệu chúng tôi nắm được thì mức sở hữu của ông Kiên ở Ngân hàng cổ phần Á châu chỉ dưới 5%. Theo qui định của Luật Doanh nghiệp, đây không phải là cổ đông lớn để phải báo cáo” – ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Tuấn, ông Kiên là một trong những người tham gia sáng lập ngân hàng ACB. Trong dư luận, tên tuổi của ông Kiên có gắn bó với Á Châu. Tuy nhiên, với vai trò là cổ đông thì trong thời điểm hiện nay, việc ông Kiên bị bắt tạm giam không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động quản trị của Á Châu. Vì ông Kiên không tham gia với bất kỳ vai trò gì trong cơ chế quản trị của ACB.

Ông Tuấn cho hay, sau khi có lệnh tống đạt lệnh tạm giam ông Kiên, ACB đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bản thân ACB cũng đã có các phương án trong trường hợp dư luận có những diễn biến, ảnh hưởng xấu, có thể có những xáo động tạm thời thì đối phó với tình hình ấy.

“Từ sáng tới giờ, chúng tôi theo dõi chưa thấy có gì thật là bất thường lắm. Tất nhiên là người gọi điện thoại hỏi thăm thông tin thì có nhiều. Nhưng chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu khách hàng e ngại” – ông Tuấn nói.

Về cơ chế hoạt động hiện nay của ACB, ông Tuấn cho biết: Ngân hàng có thời gian dài hoạt động với cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý rủi ro khá tốt, đảm bảo khả năng thanh khoản. “Chính vì vậy, chúng tôi đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng trong các tình huống” – ông Tuấn nói.

Ở ACB hoạt động quản trị điều hành do Ban quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Hội đồng quản trị họp mỗi tháng một lần, thậm chí có tháng họp 2 lần và quyết định các hoạt động kinh doanh, quản trị ngân hàng. Ban điều hành cũng làm việc với nguyên tắc hội đồng điều hành tập thể, có phân công mảng phụ trách cho từng cá nhân. Trong trường hợp này, hoạt động điều hành hàng ngày của ACB không bị ảnh hưởng.

Trong trao đổi, ông Tuấn khẳng định, ông Nguyễn Đức Kiên đã có lệnh tống đạt tạm giam chiều 20.8 của cơ quan cảnh sát điều tra. Nội dung được cơ quan cảnh sát điều tra thông báo về việc bắt giữ là các hoạt động liên quan đến các công ty của ông Kiên. Trong lệnh tạm giam không có gì liên quan đến ACB.

Bầu Kiên bị bắt giữ vì kinh doanh trái phép

Chiều 20.8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên.

Căn cứ đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật của ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, chiều 20.8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 – Bộ Luật hình sự và theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20.8.2012.

Ông Nguyễn Đức Kiên, sinh ngày 13.4.1964 tại Hà Nội, đăng ký hộ khẩu thường trú tại V2 – P18 tập thể giáo dục Vĩnh Phúc, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội, hiện trú tại biệt thự khu 1,3 ha, ngõ 27 Xuân Diệu, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Kiên nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB).

Hiện nay ông Kiên không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng ACB. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là bình thường, chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty trên do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy định số lượng sách tối thiểu với học sinh tiểu học   (21/08/2012)
2 cơn bão đang vào biển Đông  (21/08/2012)
Hơn 24.000 lao động nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam  (21/08/2012)
150 triệu USD cho dự án quản lý thiên tai  (21/08/2012)
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng   (21/08/2012)
Cần có luật kiểm soát thương nhân nước ngoài  (20/08/2012)
Chỉ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi đã có mã số thuế  (20/08/2012)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh  (20/08/2012)
Nếu tiền dồn dập ra thị trường  (20/08/2012)
Tự phê bình và phê bình phải thật sự thẳng thắn, cầu thị  (20/08/2012)
Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè  (19/08/2012)
2,5 điểm mỗi môn cũng vào... đại học  (19/08/2012)
Giá trị của độc lập, tự do  (19/08/2012)
Tránh hình thức phô trương trong lễ khai giảng  (19/08/2012)
Thiếu nhân lực công nghệ  (18/08/2012)