Ngày 21.8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có thông báo về việc bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội). Ông Kiên là đại gia có tầm cỡ trong giới kinh doanh và thể thao.
|
Bầu Kiên - Nguyễn Đức Kiên.
|
Cơ quan điều tra cho biết ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự. Liên quan đến ông Kiên, cơ quan điều tra còn yêu cầu làm việc với ông Lý Xuân Hải (tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) để làm rõ mối quan hệ cá nhân giữa ông Hải và ông Kiên.
Điều tra 3 công ty của bầu Kiên
Ngày 20.8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi “kinh doanh trái phép” xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Cả ba công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên lập ra và giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT). Các quyết định khởi tố và lệnh tạm giam ông Kiên đều được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an nhận được một số đơn thư khiếu nại, tố cáo về các vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT. Cụ thể, ông Kiên sử dụng tư cách pháp nhân của các công ty để thực hiện một số hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật.
Từ chiều đến tối 20.8, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Đức Kiên. Bà Yến, tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Kiên sinh sống, cho biết tại căn biệt thự của ông Kiên ở ngõ 27 phố Xuân Diệu (Hà Nội), cơ quan công an đã thu được một số tài liệu. Việc khám xét kéo dài hơn một giờ. Bà Yến nhận xét hai vợ chồng ông Kiên ít quan hệ với hàng xóm, sống khá kín đáo và cũng không có vấn đề gì tại địa phương. Ông Kiên được đưa về trại tạm giam T16 Bộ Công an để phục vụ hoạt động điều tra.
Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đây là tổ chức do ACB tự đặt ra, không có trong quy định của pháp luật). Tuy nhiên, hiện ông Kiên không tham gia quản lý, điều hành ACB nên hoạt động của cơ quan điều tra chỉ liên quan đến vi phạm của ba công ty trên do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT.
Không liên quan đến Ngân hàng ACB
Liên quan đến thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ, ông Nguyễn Thanh Toại - phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cũng là người phụ trách phát ngôn của ngân hàng - cho biết đây là việc của cá nhân ông Kiên. Từ lâu ông Kiên không còn là cổ đông lớn, cũng không phải thành viên HĐQT của Ngân hàng ACB. Việc tạm giam ông Kiên là quyết định của cơ quan chức năng, không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Ông Toại còn nói ông Kiên và các thành viên liên quan trong gia đình không có ai giữ các chức vụ trong HĐQT. Vì không còn là cổ đông lớn, nên ông Kiên không có nghĩa vụ phải công bố thông tin về số cổ phần của ông và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ trong Ngân hàng ACB.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng Eximbank cho biết ông Kiên không giữ chức vụ cũng như chi phối gì tại Eximbank. Ông Trương Hoàng Lương (tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long) và đại diện Ngân hàng Đại Á đều khẳng định ông Kiên và gia đình không sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long cũng như Ngân hàng Đại Á, đồng thời không nắm chức vụ gì tại hai ngân hàng này.
Đại diện Vietbank cũng nói ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là một cổ đông bình thường tại Vietbank, số cổ phần mà ông Kiên nắm giữ chưa đến mức là cổ đông lớn. Ông Kiên không tham gia bất kỳ chức vụ gì ở Vietbank.
|
Bầu Kiên
|
Ngân hàng ACB đảm bảo khả năng thanh khoản
Chiều 21.8, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin chính thức về vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.
Tại phiên chất vấn về nợ xấu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21.8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương có biện pháp sẵn sàng hỗ trợ về thanh khoản của ACB cũng như tổ chức tín dụng khác.
Đại diện lãnh đạo ACB, ông Huỳnh Quang Tuấn - thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB - khẳng định ngân hàng này sẽ đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng trong mọi tình huống. Theo ông Tuấn, bản thân ACB đã có các phương án đối phó trong trường hợp dư luận có những diễn biến, ảnh hưởng xấu.
Về việc Ngân hàng ACB ngưng giải ngân, ông Nguyễn Thanh Toại cho biết từ trưa 21.8, Ngân hàng ACB đã có chỉ đạo các chi nhánh giải ngân cho vay bình thường với các khoản vay từ mức 2 tỉ đồng trở xuống. Đến chiều qua, ngân hàng có thông báo thứ ba yêu cầu các chi nhánh tiếp tục giải ngân các khoản cho vay từ mức 500 triệu đồng trở xuống. Những khoản giải ngân trên mức này ngân hàng yêu cầu các chi nhánh đăng ký với hội sở.
Hôm qua, với tư cách là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, ông Lê Vũ Kỳ đã có thư khẩn tới từng thành viên của ACB. Theo đó, HĐQT ACB đã cử ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc thường trực, thay thế điều hành ngân hàng trong thời gian ông Lý Xuân Hải vắng mặt.
Chứng khoán sụt giảm
Trong phiên giao dịch ngày 21.8, chứng khoán VN đã giảm mạnh. Ngay khi thị trường mở cửa, lực bán đã áp đảo ở cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội với những lệnh bán khối lượng lớn ở hầu hết các mã chứng khoán. Áp lực bán tiếp tục duy trì cả phiên sáng và chiều, giao dịch hầu như hút về bên bán với hầu hết các mã đều được tranh bán ở mức giá sàn.
Kết thúc phiên giao dịch, với 257 mã giảm giá và 24 mã đứng giá, chỉ có 15 mã tăng giá, VN-Index lùi xuống mức 426,84 điểm, mất 20,44 điểm (tương đương 4,67%), mức giảm mạnh nhất kể từ phiên giao dịch ngày 26.11.2009. Với sự sụt giảm này, theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, giá trị vốn hóa thị trường tại sàn TP.HCM bị “bốc hơi” hơn 14.000 tỉ đồng.
Tại Hà Nội, sàn chứng khoán cũng bị “bốc hơi” hơn 5.000 tỉ đồng khi có đến 250 mã giảm giá, chỉ có 25 mã tăng giá và 33 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index kết thúc phiên chỉ còn 66,95 điểm, mất 5,24% số điểm so với phiên trước đó.
Điều 159 Bộ luật hình sự
Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 3 tháng đến 2 năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn |
Bầu Kiên là ai?
Được xem là một trong những đại gia trong giới tài chính VN nhưng ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964 tại Hà Nội) cũng có khởi đầu khá bình thường. Theo thông tin từ báo cáo thường niên năm 2011 và bản cáo bạch năm 2007 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được công bố trên trang web của ngân hàng này, năm 1980 ông Kiên thi đậu vào Trường đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự), rồi được chọn đi học tại Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê (Hungary). Sau năm năm theo học ngành thông tin, ông Kiên trở về nước và công tác tại Tổng công ty Dệt may đến năm 1994.
Nhiều người chỉ biết ông Kiên từ năm 1994 khi ông bắt đầu tham gia và giữ chức phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB đến năm 2008. Trong thời gian từ năm 1994-2006, ông Kiên còn giữ vai trò quan trọng trong hàng loạt công ty khác như chủ tịch HĐQT Công ty may thời trang MTT, chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh nhựa đường Caltex, chủ tịch HĐQT Công ty CP thể thao ACB, phó chủ tịch và sau đó là chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh KFC Việt Nam.
Sau khi ông Kiên bị bắt, một số ngân hàng đều khẳng định cổ phần của ông Kiên trong các ngân hàng này là không đáng kể. Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank, khẳng định hiện ông Kiên chỉ nắm giữ khoảng 0,25% vốn cổ phần Eximbank và là một cổ đông bình thường như những cổ đông khác. |
. Theo TTO |