54.261 doanh nghiệp giải thể trong năm 2012
17:18', 5/1/ 2013 (GMT+7)

Tính đến 31.12.2012 có 475.700 doanh nghiệp đang hoạt động; riêng năm 2012 có 69.874 doanh nghiệp thành lập mới.

Thông tin này do ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KHĐT công bố tại cuộc họp báo chiều 4.1 của Bộ KHĐT.

54.261 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động năm 2012

Theo ông Mạnh, mặc dù trong kết quả điều tra về các doanh nghiệp cho thấy, đến 1.1.2012 có 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tế con số này có thể sẽ khác. Đơn cử, cuối năm 2011 có 22.500 doanh nghiệp đang chuẩn bị đi vào hoạt động.

 

69.874 doanh nghiệp thành lập mới năm 2012 (Ảnh minh họa/VnExpress)

Hơn nữa, theo ông Mạnh, công tác điều tra gặp khó khăn vì phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhưng có đến 50.000 doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan đến điều tra về doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp này không có phiếu điều tra, vì vậy họ cũng không nằm trong số liệu về doanh nghiệp được công bố sau điều tra.

Bên cạnh số doanh nghiệp đang hoạt động, tính đến 31.12.2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 54.261 doanh nghiệp (con số này cao hơn so với năm 2011 là 53.922 doanh nghiệp). Cùng thời điểm này, có 69.874 thành lập mới năm 2012.

Doanh nghiệp dẫn đầu về mức tăng số lượng

Kết quả sơ bộ tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 do Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) thực hiện cho thấy, tính đến 1.7.2012, cả nước có gần 5,2 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 27,7% so với năm 2007- tương đương 1,12 triệu đơn vị, tăng bình quân hằng năm khoảng 5%.

Số lượng lao động trong các đơn vị là 22,5 triệu người, tăng 38,6% tương đương 6,2 triệu người so với năm 2007, tốc độ tăng bình quân hằng năm 6,7%, cao hơn tốc độ tăng của lượng cơ sở. Về điểm này, bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê nhận xét: “điều này thể hiện quy mô của cơ sở được mở rộng hơn, tuy nhiên tốc độ này vẫn thấp hơn thời kỳ 2002-2007”.

Đáng chú ý, theo bà Hằng, doanh nghiệp là loại hình dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút số lượng lao động khá lớn. Tính đến 1.1.2012 nước ta có gần 342.000 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216.500 doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007, trong đó có 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khối doanh nghiệp đã thu hút 10,9 triệu lao động, trong đó có 10,77 triệu lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 65% (tương đương 4,3 triệu người) so với năm 2007.

Có 13.600 hợp tác xã đang tồn tại

Cũng theo kết quả điều tra, tuy còn những khó khăn, hạn chế về quy mô và ngành nghề hoạt động nhưng với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế tập thể nên số lượng và lao động của các hợp tác xã hiện có 13.600, tăng đáng kể với mức 118,3% về số lượng và 62,8% về lao động. Trong đó, số lượng các HTX thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 52%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 24%.

Tính đến thời điểm 1.7.2012, cả nước có 4,6 triệu cơ sở SXKD cá thể với 7,8 triệu lao động, tăng 23,5% về số lượng cơ sở và tăng 18,2% về số lao động. Mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở là 4,3% và 3,4% về lao động.

Bà Hằng cho rằng, mặc dù khối cơ sở SXKD cá thể chiếm tỷ trọng lớn tới 89,5% về số lượng cơ sở nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 35% về số lượng lao động trong tổng số đơn vị, cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp, thể hiện quy mô nhỏ của các cơ sở này với lao động bình quân 1,7 người/cơ sở.

Đặc biệt, theo bà Hằng: Khu vực này tuy đóng góp khiêm tốn trong GDP nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn trong việc tạo doanh thu trong bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và thu hút số lượng lớn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012.

Khu vực đơn vị hành chính sự nghiệp có mức tăng không cao nhưng các đơn vị kinh tế, bình quân hàng năm tăng 1,2%. Tuy nhiên, riêng các đơn vị sự nghiệp tăng khá về số lượng đơn vị với 10,2% và 22,9% về lao động. Số lượng các cơ sở thuộc tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội, các tổ chức xã hội có mắc tăng cao nhất trong khu vực hành chính sự nghiệp với 10,8% về số lượng và 13,4% về lao động.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra này còn cho thấy, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực dịch vụ tăng lên; mật độ các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tăng lên nhanh chóng nhưng không đồng đều giữa các vùng; hoạt động sự nghiệp tiếp tục được phát triển và theo xu hướng xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực giao dục, y tế.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông báo, hướng dẫn gần 59.000 tàu thuyền tránh bão số 1  (05/01/2013)
Những vùng trắng vàng miếng  (04/01/2013)
Bất ngờ "khai tử" đào tạo liên thông  (04/01/2013)
Doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá  (04/01/2013)
Cước vận tải nhấp nhổm tăng  (04/01/2013)
Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới vừa xuất hiện  (04/01/2013)
Sẽ tạo ra những chuyển biến mới  (04/01/2013)
Chăm lo cho người nghèo để ai cũng được đón Tết  (04/01/2013)
Tàu cá thứ ba ở Quảng Bình mất liên lạc  (03/01/2013)
Kỷ luật Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam  (03/01/2013)
200 tấn hàng Tết tặng quân, dân Trường Sa  (03/01/2013)
Hỗ trợ 500.000 đồng/ha phát triển đất trồng lúa  (03/01/2013)
Thành lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương  (03/01/2013)
Giá xăng tăng dưới 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp tự quyết?  (03/01/2013)
Phát triển nhà ở xã hội “phá băng” thị trường BĐS  (03/01/2013)