Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký, chấp thuận ban hành Nghị định 04/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
Theo Nghị định trên, khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng, chỉ thành lập phòng công chứng trong trường hợp không phát triển được văn phòng công chứng. Ngoài việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn khó khăn. Việc xét duyệt hồ sơ phải đảm bảo sự công khai, minh bạch, phù hợp với quy hoạch, khuyến khích phát triển các Văn phòng công chứng có nhiều công chứng viên, có cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động và đội ngũ công chứng viên, nhân viên lành nghề.
Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với phòng công chứng và văn phòng công chứng trong phạm vi toàn quốc.
Đối với chế độ hành nghề của công chứng viên, Nghị định cũng quy định công chứng viên phải hành nghề chuyên trách; không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác. Công chứng viên đang hành nghề phải có giấy chứng nhận lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, nếu không tùy theo mức độ vi phạm để xử lý.
Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động văn phòng công chứng thì phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc đã rút tên trong danh sách thành viên của Đoàn luật sư.
Công chứng viên đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng chưa quá 1 năm thì vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có thể thành lập Văn phòng công chứng. Nếu nghỉ hưu hoặc thôi việc quá 1 năm thì phải làm thủ tục bổ nhiệm lại công chứng viên.
. Theo SGGP |