Trong hội thảo về giáo dục kinh doanh trong trường phổ thông tổ chức tại Hà Nội hôm qua, 8.1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, chương trình phổ thông sau năm 2015 sẽ có môn Kinh doanh với tư cách là môn học tự chọn.
Thí điểm
Theo PGS-TS Lê Vân Anh, Viện Khoa học Việt Nam, năm học 2006 - 2007, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã phối hợp với viện này đưa chương trình giáo dục về kinh doanh vào trong các cơ sở giáo dục trung học.
Tại chương trình này, giáo dục kinh doanh được giảng dạy như một môn học tự chọn đối với học sinh THPT nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh doanh và doanh nghiệp.
“Với những kiến thức và kỹ năng này, chương trình mong muốn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp và tự lập nghiệp.
“Đồng thời, chúng tôi hy vọng thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức nhà trường với kiến thức thực tế tại các doanh nghiệp đối với học sinh”, bà Vân Anh cho biết.
Việc thí điểm dạy học môn Kinh doanh được triển khai 11 cơ sở giáo dục, trong đó có 7 trường THPT thuộc bốn tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Phước, Trà Vinh với sự tham gia của 2.164 học sinh.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia tổ chức thí điểm, khi được học môn Kinh doanh học sinh tỏ ra rất thích thú. Sau khoá học gần nửa số em được học cho biết các em mong muốn khởi nghiệp kinh doanh và gần 2/3 số em khẳng định hoàn toàn có đủ kiến thức và kỹ năng để khởi nghiệp kinh doanh.
Nhóm chuyên gia phỏng vấn sâu 5 cựu học sinh đã từng học thí điểm môn Kinh doanh thì các em cho biết mức độ hữu ích của khóa học đối với con đường lập nghiệp của các em khác nhau nhưng cái thiết thực nhất là có thể vận dụng vào chính cuộc sống sinh hoạt trong gia đình.
“Các kiến thức mà chương trình cung cấp còn giúp em lập kế hoạch trong học tập cho mình và giúp mẹ quản lý chi tiêu trong gia đình”, em Duyên, cựu học sinh trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước trả lời.
Kết quả nghiên cứu điển hình những cựu học sinh từng được học thí điểm môn Kinh doanh cho thấy chương trình không chỉ cung cấp cho các em những kiến thức về kinh doanh mà còn trang bị cho họ kỹ năng cần thiết của một doanh nhân như: giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, trình bày ý tưởng…
Bạn Trung, cựu học sinh Trung tâm GD Thường xuyên Bỉm Sơn, Thanh Hoá kể: “Sau khi tham dự khoá học, tôi cùng với một người bạn xây dựng ý tưởng kinh doanh biển quảng cáo.
Được các thầy cô trong trường giúp đỡ, chúng tôi hoàn thiện ý tưởng để đưa đi dự cuộc thi Ý tưởng kinh doanh của tỉnh và đã đạt giải 3. Sau đó chúng tôi triển khai ý tưởng trong thực tế. Đến nay từ 2 người làm chúng tôi có 7 người, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng/nhóm, riêng những tháng gần tết thu nhập cao hơn”.
Sẽ mở rộng thí điểm
Theo Bộ GD&ĐT, việc triển khai dạy học môn Kinh doanh trong trường phổ thông là điều rất cần thiết. Hiện nay, hàng năm có khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp THCS không vào trường THPT mà tham gia lao động sản xuất; khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THPT không vào học tiếp tại các trường ĐH, CĐ mà đi vào cuộc sống lao động. Nhiều thanh niên/học sinh trong độ tuổi lao động có nhu cầu tự tạo việc làm và lập nghiệp, trong đó có nghề kinh doanh.
“Kết quả thí điểm năm học 2006-2007 cho thấy giáo dục kinh doanh cho học sinh phổ thông có thể nhân rộng. Vấn đề là làm thế nào để bây giờ có thể đưa kiến thức giáo dục kinh doanh vào dạy trong tất cả các trường THPT”, ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT nói.
Vụ GD Trung học đề xuất, nội dung giáo dục kinh doanh ở phổ thông sẽ được cập nhật, đổi mới, tích hợp trong một số môn học. Đặc biệt, riêng chương trình hoạt động giáo dục nghề phổ thông của lớp 11 hiện hành sẽ được xây dựng thêm nội dung tự chọn “Nghề kinh doanh” trên cơ sở tham khảo chương trình môn Kinh doanh đã thí điểm năm học 2005-2007 với thời lượng 105 tiết (3 tiết/ tuần).
“Do sự đa dạng của các nghề, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 11 chương trình nghề đại diện cho các lĩnh vực. Từng địa phương sẽ lựa chọn nghề phù hợp với địa bàn mình để đưa vào giảng dạy”, ông Ninh cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, nội dung giáo dục kinh doanh trong trường THPT không phải là kiến thức, kỹ năng chuyên sâu mà chỉ là có tính chất định hướng, giới thiệu những kiến thức sơ đẳng của các hoạt động kinh doanh.
Nó hướng tới sự hữu ích cho không chỉ những học sinh có ý định làm nghề kinh doanh mà cho cả những em vốn chỉ thích tìm hiểu lĩnh vực kinh doanh nhằm trang bị cho mình hành trang bước vào cuộc sống của những người trưởng thành.
Ông Hiển xác định: “Bộ khẳng định đây sẽ là một trong những môn học tự chọn của chương trình THPT sau năm 2015. Tuy nhiên, việc thí điểm và nhân rộng thí điểm môn học này có thể triển khai ngay từ năm học tới, trên cơ sở kết quả thí điểm của năm học 2006-2007”.
Về tài liệu, nội dung dạy học, ông Hiển cho rằng có hai cách tiếp cận. Hoặc ngồi nghĩ ra chuẩn kiến thức, kỹ năng rồi từ đó xây dựng chương trình SGK. Hoặc sử dụng tài liệu có sẵn mà các nước trên thế giới đang sử dụng để dạy môn này trong trường phổ thông.
“Cái gì mình tự làm được thì làm, nếu không làm được mà thế giới có sẵn rồi, họ làm tốt rồi thì đi mua. Như chương trình nội dung môn Kinh doanh này chẳng hạn, hai mươi mấy nước đã sử dụng rồi, hồi làm thí điểm mình cũng dùng của họ, bây giờ cái nào tốt rồi thì dùng. Cái nào chưa tốt thì điều chỉnh cho tốt”, ông Hiển nói.
. Theo TPO |