|
Tuần qua khối ngoại đã đổ nhiều tiền vào chứng khoán. |
“Mở hàng” cho năm 2013 là đợt tăng điểm ấn tượng của thị trường chứng khoán đã khiến kênh này vô cùng hấp dẫn do khoản lợi nhuận mang lại. Vấn đề được đặt ra là lực tăng điểm này sẽ kéo dài bao lâu và chứng khoán có thực sự trở thành kênh hấp dẫn nhất hiện nay?
Khối ngoại dẫn dắt
Thị trường chứng khoán đã có 13 phiên tăng điểm liên tiếp với dấu ấn từ các cổ phiếu lớn. Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này trở thành lực kéo chính giúp VN-Index tăng mạnh trong thời gian qua.
Với đợt sóng tăng mạnh vừa qua, VN-Index đạt mức cao nhất từ ngày 14.5.2012 đến nay; thanh khoản trên toàn thị trường tăng mạnh và luôn duy trì ở mức khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi phiên là động lực hỗ trợ tích cực cho tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Dòng tiền của khối ngoại cũng ồ ạt đổ vào nhóm cổ phiếu lớn như MSN, DPM, CTG, VCB, HAG, MBB, GAS, BVH... trở thành động lực dẫn dắt thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay với 8 phiên giao dịch, khối ngoại đã mua ròng tới 1.130 tỷ đồng, bằng 1/3 của cả năm 2012. Động thái gom hàng của họ đã giúp nhà đầu tư trong nước lấy lại hưng phấn, đồng thời xuất hiện nhiều giao dịch “ăn theo” khối ngoại.
Dấu ấn của khối ngoại thể hiện khá rõ nét, ông Fiachra Mac Cana - Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu của CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) bình luận, “Làn sóng mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài là khá đặc biệt mặc dù các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn cho thấy thị trường đã bước khá sâu vào vùng mua quá mức”.
Theo ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank KimEng, nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận triển vọng của chứng khoán Việt Nam từ trước đó chứ không riêng gì trong đợt sóng tăng điểm vừa qua. Điều này thể hiện rõ hơn trong một năm qua thị trường đã chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận và những đợt đổ vốn vào Việt Nam của các quỹ đầu tư nước ngoài với quy mô lớn.
Trong 8 giải pháp tháo gỡ thị trường chứng khoán trong báo cáo của UBCK đã đề cập đến việc tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, việc nâng room cho khối ngoại sẽ được xem xét để tạo điều kiện cho khối này tham gia sâu hơn vào một số loại hình doanh nghiệp.
Điều này đang được kỳ vọng thanh khoản trên thị trường sẽ tăng lên khi có dòng vốn mạnh yểm trợ và những khoản đầu tư dài hạn sẽ xuất hiện nhiều hơn giúp thị trường phát triển.
Tiền “chảy” vào chứng khoán?
Theo ông Phan Dũng Khánh, chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất trên toàn cầu từ đầu năm, nếu so sánh với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản… thì đầu tư chứng khoán mang lại nhiều tiền nhất.
Xét sự tương quan với các kênh đầu tư hiện nay, ông Khánh cho rằng về trung và dài hạn thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đáng để bỏ tiền vào. Ông Khánh phân tích, dòng tiền chảy vào chỗ nào thì kênh đó sẽ tăng giá.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm đang hạ, bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên, giá vàng từ đầu năm trước đến năm nay vẫn chưa bao giờ lên được 1.800 USD/oz như dự báo thì khi đó dòng tiền sẽ chảy chỗ “trũng” nhất là thị trường chứng khoán và trong một năm tới chứng khoán vẫn là kênh tốt nhất cho đầu tư dài hạn.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng nhận định thị trường chứng khoán trong vài tuần qua đã tăng mạnh là kết quả của nhiều nguyên nhân.
Theo Tiến sĩ, tâm lý nhà đầu tư được hưng phấn, khối ngoại hỗ trợ đắc lực và một số cổ phiếu đã ở vùng giá thấp được kích thích mua vào trong đợt sóng vừa qua.
Bên cạnh đó, các chính sách cải thiện tích cực từ phía UBCK và thông điệp của Chính phủ về việc giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho doanh nghiệp trong năm 2013 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, với một đợt tăng điểm vừa rồi thì chưa thể kết luận chứng khoán là kênh hấp dẫn nhất. Chứng khoán thường phản ảnh rõ nét bức tranh nền kinh tế, trong khi đó kinh tế 2013 thì không thể “nhảy vù” là thoát khỏi khó khăn ngay.
Do đó dòng tiền có chảy vào chứng khoán hay không thì phải xem xét ở nhiều khía cạnh và chứng khoán chỉ hấp dẫn nhất trong một điều kiện nền kinh tế bền vững.
. Theo TPO