Có ý kiến cho rằng một số quy định trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP có thể khiến "khai tử rượu thủ công", "cấm cửa rượu cuốc lủi", có thể khiến người nấu rượu thủ công khó sản xuất kinh doanh,...
|
Rượu lưu hành phải dán tem, nhãn - Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Hà Quang Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện khai tử rượu quê.
Việc "mở" và "quản" chất lượng
"Tinh thần của Nghị định 94/2012/NĐ-CP là không cấm người dân sản xuất rượu thủ công. Tuy vậy, rượu thủ công muốn lưu thông hợp pháp trên thị trường thì phải bảo đảm các điều kiện về chất lượng sản phẩm, cũng như phải được dán tem, nhãn mác để quản lý. Đây không phải là vấn đề mới mà việc quy định về ghi nhãn hàng hóa và đảm bảo về chất lượng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 40/2008/NĐ-CP ngày 7.4.2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu", ông Hòa khẳng định.
Chưa kể, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công chưa đủ điều kiện theo quy định để bán ra thị trường có thể bán sản phẩm của mình sản xuất ra, Nghị định 94/2012/NĐ-CP cũng đã có quy định "mở" theo hướng cho phép người sản xuất rượu thủ công được bán sản phẩm cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu.
Về mặt thủ tục, các cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương là được sản xuất. Đồng thời cá nhân này không bị bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn hàng hóa và không phải dán tem.
Trong quá trình vận chuyển đến nơi tiêu thụ, tổ chức, cá nhân chỉ cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra...
"Đây là quy định mở đối với hộ gia đình sản xuất rượu, tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển kinh tế gia đình", ông Hòa nói.
Dán tem, nhãn cho sản phẩm rượu, vì sao?
Khảo sát của phóng viên, số lượng rượu sản xuất thủ công để kinh doanh hiện rất lớn, chất lượng rượu của một số cơ sở sản xuất không đảm bảo và hầu hết rượu thủ công không có nhãn mác theo quy định. Các vụ ngộ độc rượu do sử dụng các loại rượu trên vẫn xảy ra, thậm chí có xu hướng tăng lên.
Để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm rượu, trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP đã quy định từ ngày 1.1.2014 sản phẩm rượu sản xuất trong nước phải dán tem, nhãn mới được lưu hành trên thị trường.
Ông Hòa cho rằng, việc dán tem, nhãn là giải pháp quan trọng, không chỉ giúp kiểm soát chất lượng rượu trên thị trường được tốt hơn, mà đây cũng là giải pháp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Giải pháp này còn góp phần chống thất thu thuế cho nhà nước.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, thì rượu là sản phẩm bắt buộc phải dán nhãn khi lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, nên việc sản xuất, lưu thông cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế đối đa những hệ lụy do việc lạm dụng rượu gây ra (việc quy định về nhãn hàng hóa đối với sản phẩm rượu cũng đã được quy định tại Nghị định 40/2008/NĐ-CP ).
Ông Hòa cho biết thêm, hiện nay cả nước có khoảng 127 cơ sở sản xuất rượu được cấp giấy phép. Trong đó, Bộ Công Thương cấp 13 giấy phép, các tỉnh cấp 114 giấy phép. Đồng thời, cũng có khoảng 400 Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh đã được cấp cho các hộ gia đình,...
.Theo Chinhphu.vn |