|
Từ 18 tháng chạp âm lịch, nhiều đơn vị đã cho người lao động nghỉ Tết. Ảnh minh họa |
Từ 18 âm lịch, một số đơn vị đã cho nhân viên nghỉ Tết Quý Tỵ với lý do hết việc để làm và mở cửa thêm ngày nào chỉ tốn thêm chi phí ngày đó.
Một trung tâm Anh ngữ ở quận Bình Thạnh thông báo nghỉ Tết kể từ 29.1 (18 tháng chạp) đến hết 17.2. Mọi năm, đơn vị này hoạt động 24-25 âm lịch, nhưng tình hình năm nay khác hẳn khi nhiều lớp học không đủ sĩ số học viên, chưa kể số lớp học giảm hẳn so với năm ngoái.
Nga, nhân viên phòng ghi danh của trung tâm cho hay, doanh thu hàng tháng giảm, tiền thuê mặt bằng tăng nên thời quan qua trung tâm đã hạ 10% lương nhân viên. Thưởng Tết cũng ít hơn năm ngoái 20%. Hiện tại trung tâm không còn việc để làm, nhân viên ngồi chơi suốt ngày nên lãnh đạo cho nghỉ Tết sớm hơn mọi năm tới cả tuần. "Như vậy, cho nghỉ Tết sớm là vì lý do khách quan, nhưng lãnh đạo lại cấn trừ luôn phép năm vào đó nên chúng tôi chẳng được thêm một khoản tiền phép năm như trước đây", Nga than.
Năm nay cũng là cái Tết buồn của Trọng, quê ở Đăk Lăk dù vài ngày nữa đã được về quê sum họp bên gia đình. Anh kể, chưa khi nào công ty cho nghỉ Tết sớm như năm nay - từ 20 tháng chạp, nhưng không nhân viên nào hồ hởi cả. Mấy tháng nay, công ty chỉ tìm được vài công trình nên thời gian thi công hệ thống điện lạnh cho các công trình này kết thúc rất nhanh. Hiện tại, công trình cuối cùng trong giai đoạn hoàn tất và lãnh đạo cho hay chưa có thêm hợp đồng nào cho sau Tết.
Tuần trước, Ban Giám đốc đã họp với toàn thể người lao động, nói rõ tình hình khó khăn của công ty và cần loại thêm nhân lực để giảm bớt sức ép chi phí hàng tháng. "Tôi cũng nằm trong nhóm 20 người bị sa thải ngay trong tháng 1. Tết cận kề nên không thể xin việc được. Chi tiêu sắp tới không biết xoay xở ra sao khi năm nay công ty cũng không thưởng thêm tháng 13", Trọng ngán ngẩm.
Phương, đang làm việc tại một cơ sở may gia công hàng chợ ở quận Tân Phú chuẩn bị mua ít quà bánh về quê cho gia đình khi nơi cô làm việc sẽ nghỉ từ 22 tháng chạp âm lịch. Theo Phương, cơ sở này còn tồn rất nhiều hàng nên cả tháng nay, mọi người chia nhau đi chào hàng để thanh lý toàn bộ chứ không may thêm nữa. Thế nhưng, vẫn còn nhiều kiện hàng còn nằm trong kho chưa giải phóng hết. Mọi năm, cơ sở này hoạt động tới tận 28, 29 âm lịch, thường xuyên tăng ca đến đêm nhưng năm nay chẳng mấy ai đặt hàng dịp cận Tết.
"Tôi muốn được làm tới 28 Tết để có thêm chút thu nhập chứ chẳng ham nghỉ sớm", Phương nói.
Là chủ cơ sở in ở Gò Vấp, chị Sáng cũng định cho mọi người nghỉ Tết vào đúng ngày đưa ông Táo về trời, thay vì 28 âm lịch như mọi năm. Hiện lượng đặt hàng in ấn gần như giải quyết xong và sắp tới chẳng còn việc gì để làm. Cơ sở này thưởng cho mỗi người một tháng lương, kèm một ít quà bánh như một khoản lì xì thêm.
Tuy nhiên, thay vì khai trương vào mùng 9 Tết như nhiều đơn vị khác, chị Sáng dự kiến phải sau 15 tháng Giêng vì còn phải tìm đơn hàng mới. "Có anh em ý kiến nên làm lại từ mùng 6 vì nghỉ lâu quá chẳng có tiền tiêu nhưng tôi không dám hứa chắc mà còn tùy thuộc vào nhu cầu đơn hàng", chị cho hay.
Chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp cho toàn thể nhân viên nghỉ Tết trước 23 tháng chạp âm lịch, song không khí làm việc những ngày gần Tết tại các khu chế xuất, khu công nghiệp không còn rôm rả như mọi năm.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM cho biết, những năm trước có nhiều doanh nghiệp cần nhân viên ở lại làm đến hết 28 Tết mới về quê. Đôi khi, gặp một số trường hợp đơn hàng làm không kịp, các doanh nghiệp còn khuyến khích nhân viên ở lại tăng ca cho đến qua Tết, với mức lương gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Tuy nhiên, năm nay, có một số doanh nghiệp đã hoàn tất các đơn hàng sớm trước thời hạn hoặc có đơn đặt hàng không nhiều nên một số công ty "thả lỏng" giờ giấc làm việc hơn. Theo đó, ai có nhu cầu về quê sớm hơn vài ngày vẫn được chấp nhận, chứ không khắt khe như trước, ông nói.
. Theo VnExpress |