-Năm nay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như điều chỉnh lương, điều chỉnh phí y tế, giáo dục, giá điện…
Sáng 30.1, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo khoa học: “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013”.
Khó khăn chồng chất, lạm phát cao có thể trở lại
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013, TS Nguyễn Đức Thành thay mặt nhóm nghiên cứu của VEPR, cho biết: Năm nay sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2012. Có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa cuối của năm, giúp tăng trưởng cả năm 2013 cao hơn 2012, nhưng không đáng kể, chỉ trong khoảng 5,2-5,3%.
|
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp phù hợp để tăng tổng cầu cho nền kinh tế (Ảnh: Phụ nữ online) |
Đặc biệt, lạm phát năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực, thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2012.
“Lạm phát cao có thể trở lại vào năm 2013, khiến mức lạm phát dưới 6% của Chính phủ đặt ra trở nên mong manh. Hơn nữa, tăng giá điện cuối năm 2012 và điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013” – TS Thành nhấn mạnh.
Vì thế, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát 6% như Chính phủ đặt ra, TS Nguyễn Đức Thành đưa ra gợi ý rằng, ngoài việc tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc trong năm 2013.
Vì thế, TS Thành cho biết: các biện pháp hành chính vẫn sẽ chiếm ưu thế so với các biện pháp mang tính thị trường.
Tuy nhiên, “nhiều khả năng Chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%. Dự báo ban đầu của chúng tôi cho rằng, lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%”. Vì năm 2012 lạm phát thấp nhờ được hỗ trợ bởi giá lương thực thấp, giảm mạnh, năm nay có thể vẫn giảm, nhưng không mạnh như năm 2012. Năm nay lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như điều chỉnh lương, điều chỉnh phí y tế, giáo dục, giá điện…
Hơn nữa, năm nay, TS Thành lưu ý có ngành ngân hàng tiếp tục khó khăn và phải thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có nhiều khó khăn có thể sáp nhập hoặc tái cấu trúc rất mạnh. Còn BĐS tiếp tục khó khăn, thị trường vẫn đóng băng, hoặc đi xuống, giá tiếp tục giảm.
Đã thế, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khu vực xuất khẩu và khu vực có vốn FDI, còn khu vực doanh nghiệp trong nước năm nay vẫn chưa có điều kiện khởi sắc trở lại.
Chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt Nam?
Nhóm nghiên cứu của VEPR nhấn mạnh rằng, năm 2013 là năm rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đặc biệt là giới điều hành chính sách tạo điều kiện tốt hơn nữa cho khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.
Trong số nhiều giải pháp mà VEPR đề xuất để gỡ khó cho nền kinh tế trong năm 2013, TS Nguyễn Đức Thành lưu ý rằng, với kỳ vọng lạm phát 6%, cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ trần lãi suất huy động trong năm 2013. Cần nỗ lực giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung dài hạn) sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn.
Cạnh đó, cần thực hiện phương án chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt Nam khoảng 3-4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.
Thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hợp đồng tiêu thụ hoặc đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp doanh nghiệp nhận vốn nếu ngân hàng yêu cầu có bảo lãnh.
Riêng đối với chính sách tiền tệ, TS Thành cho biết, sự mở rộng từ năm trước nhưng tác động đến tăng trưởng và tổng cầu trong nền kinh tế không nhiều. Năm nay, nếu tiếp tục mở rộng tiền tệ nữa thì chủ yếu sẽ tăng vào lạm phát.
Do đó, các chính sách cần thực sự đi vào nền kinh tế là: giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, thu hẹp doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực đó được sang khu vực doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù đã có quyết định cho giãn, giảm thuế đến giữa năm 2014 nhưng rất cần có chính sách hạ thuế thu nhập doanh nghiệp lâu dài để cải thiện môi trường kinh doanh.
TS Thành đặc biệt lưu ý: “Không gian chính sách cho vấn đề tiền tệ, tài khóa năm 2013 không nhiều, nhưng không gian cho cải cách chính sách mạnh mẽ và dài hạn thì còn rất nhiều và chúng ta chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong các cải cách này. Cho nên, năm 2013 cần phải làm điều đó, nếu không, các khó khăn không chỉ kéo sang năm 2013 mà còn kéo dài lâu hơn nữa”.
. Theo VOV |