Một số cơ quan, ban ngành ở Nghệ An đang tồn tại thực tế này.
Riêng phòng công chức - viên chức của Sở Nội vụ Nghệ An có bốn biên chế nhưng ngoài một trưởng phòng và hai phó phòng, chỉ có một nhân viên. Giải thích về thực tế bất cập này, giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Cao Thị Hiền nói: “Trước đây phòng công chức - viên chức của Sở Nội vụ có bảy nhân viên nhưng chúng tôi vừa thuyên chuyển sang bộ phận khác nên chỉ còn một nhân viên. Nhưng một phòng có hai phó phòng là đúng quy định 13 và 14 của Chính phủ cho phép. Hiện Sở Nội vụ có ít phó phòng nhất so với một số sở lớn như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - đầu tư”.
Đề cập tới phòng tài chính kế toán của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An với 15 biên chế, trong đó ngoài một trưởng phòng có tới sáu phó phòng, bà Hiền nói: “Sáu phó phòng trong một phòng như vậy là trái quy định. Sở dĩ có tồn tại bất cập này là do bốn sở Thủy sản, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhập lại thành một sở nên chưa thể giảm ngay những phó phòng này”.
Khi hỏi về trách nhiệm của Sở Nội vụ về thực tế những phòng đang tồn tại nhiều phó phòng, bà Hiền cho biết: “Qua kiểm tra định kỳ, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu sắp xếp lại đúng tỉ lệ, đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là không quá hai phó phòng trong một phòng bởi nhiều phó phòng là rất cồng kềnh. Và hàm phó phòng sẽ hưởng hệ số 0,3 phụ cấp trách nhiệm, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước”.
Ngoài ra, hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An có tới sáu phó giám đốc. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc giải thích: “Nếu không có việc nhập nhiều sở thành một sở thì không có nhiều phó giám đốc như vậy. Vấn đề là biết dư dôi phó giám đốc nhưng rất khó sắp xếp, thuyên chuyển họ sang vị trí khác khi các sở, ban ngành cũng đã đủ biên chế. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nghệ An do ba sở Thể thao, Du lịch và Văn hóa - thông tin gộp lại nên có tới sáu phó giám đốc. Sở này chỉ có “giải pháp” chính là chờ các phó giám đốc đến tuổi nghỉ hưu mới sắp xếp hợp lý. Riêng trường hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn do năm sở nhập một nên cũng bị dôi dư phó giám đốc. Đây là sở đặc thù bởi có nhiều lĩnh vực nhưng sáu phó giám đốc là quá nhiều”.
Về biện pháp không để dôi dư các phó phòng trong một phòng và phó giám đốc trong một sở, ông Phớc cho biết: “Giải pháp duy nhất là phải thuyên chuyển vị trí công tác. Vấn đề là thuyên chuyển cho phù hợp sở trường của từng người để họ tiếp tục cống hiến, nếu có thiệt một chút thì cũng phải chấp nhận. Vì đây là quyền lợi chung của cả tỉnh chứ không riêng gì một cá nhân nào”.
. Theo TTO |