Quy định trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài được Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn về Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, từ Nghị định 06 đã quy định trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài chỉ dành cho học sinh người nước ngoài vì học sinh chưa biết tiếng Việt.
Đối với Nghị định 73 này, cũng đã quy định rõ về loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập là cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài. Học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Bà Huyền cho rằng, trẻ dưới 5 tuổi thì chưa thể “sõi” được tiếng Việt nên cũng không thể học được bằng chương trình tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, trẻ tròn 5 tuổi vẫn được tham gia chương trình nước ngoài. Với quy định các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, được phép tiếp nhận số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường THPT không quá 20% tổng số học sinh trong trường. Vị đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, đây là các trường mở ra cho học sinh nước ngoài nên học sinh Việt Nam muốn có nhu cầu học cũng chỉ có tỷ lệ nhất định. Đây không phải là người nước ngoài mở trường cho học sinh Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm xung quanh quy định này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng vấn đề này cũng đã được ông chia sẻ từ trước đó rất lâu. Ông cũng không muốn xảy ra hiện tượng : “trẻ ta thành con Tây”.
GS Phạm Minh Hạc cũng chia sẻ: “Nếu trẻ em Việt Nam đang sinh sống ngay tại đất nước mình mà hoàn toàn không được học về tiếng Việt, về văn hóa truyền thống dân tộc thì không ổn”.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng ở lứa tuổi mầm non, tiểu học phải thuần Việt. Lứa tuổi mầm non và tiểu học là lứa tuổi tiếp nối quá trình giáo dục của gia đình. Vì vậy, giáo dục ở lứa tuổi này cũng là cơ hội cuối cùng để giữ gìn bản sắc Việt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Trường - Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: “Ở Hà Nội hiện nay chỉ có một số rất ít trường quốc tế (có 100% vốn đầu tư nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng chương trình của nước ngoài) do đại sứ quán một số nước thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập của con em họ. Những trường “quốc tế” còn lại thực chất là trường có yếu tố nước ngoài”.
Theo quy định, những trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam vẫn phải đảm bảo dạy cho học sinh Việt theo chương trình giáo dục Việt Nam ban hành tối thiểu là 50% thời lượng giảng dạy.
. Theo VTC |