Chợ Tết ông Táo: Rau xanh giảm giá, thực phẩm đắt thêm
19:11', 2/2/ 2013 (GMT+7)

Thịt bò tăng 20.000 -30.000 đồng mỗi kg.

Một ngày trước lễ cũng ông Táo 23 tháng Chạp, sức mua tại Hà Nội và TP HCM vẫn chưa yếu, nhưng giá các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng. Riêng rau xanh chững giá, thậm chí giảm.

Tại Hà Nội, các chợ như Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Vĩnh Tuy (Hoàng Mai), Khương Đình (Thanh Xuân), giá thịt gà lông dao động từ 140.000 đến 160.000 đồng một kg. Gà công nghiệp rẻ hơn khoảng 70.000 kg. Cá chép to khoảng 60.000 một kg. Tại các chợ lớn hơn như Thái Hà, Châu Long - nơi chuyên bán gà làm sẵn - giá khoảng 200.000 đồng một kg.

So với ngày thường, giá thịt lợn tăng khoảng 10.000-20.000 đồng một kg tùy khu vực, thịt thăn tại các chợ nhỏ như Khương Đình, Khương Trung, khoảng 100.000- 110.000 đồng mỗi kg nhưng ở một số chợ lớn như chợ Mơ, chợ Hôm Đức Viên hay chợ Châu Long, giá nhỉnh hơn khoảng 10%.

Thịt bò tại nhiều chợ sáng nay tăng mạnh, có nơi tăng thêm 20.000 – 30.0000 đồng mỗi kg lên 240.000 – 260.000 đồng. Riêng thịt bò thăn có cửa hàng “hét” giá tới 280.000 đồng.

Một số mặt hàng hoa quả cũng tăng giá nhẹ như cam canh hôm qua 40.000 đồng mỗi kg hôm nay lên 50.000 đồng. Xoài xanh Thái từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng mỗi kg.

Bà Bảy (90 Võ Thị Sáu, Hà Nội) cho hay giá các loại thịt lợn, thịt bò bắt đầu tăng từ trước đó một ngày. Bà nội trợ này cho biết dù giá đắt hơn nhưng vì cuối tuần nhiều gia đình cúng lễ sớm nên vẫn phải đi chợ thật sớm mới còn thực phẩm ngon.

Ngoài ra, một số thực phẩm khô đã bắt đầu tăng giá. Nấm hương giá khoảng 350.000 đồng một kg (tăng khoảng 20.000 đồng), mộc nhĩ cũng được bán với giá đắt hơn ngày thường, khoảng 200.000 đồng mỗi kg. Theo các tiểu thương, giá thực phẩm khô sẽ tăng mạnh từ nay đến ngày 25 Tết.

Giá các mặt hàng tươi sống tại TP HCM cũng tăng nhẹ. Tôm bạc tăng giá từ 180.000 lên 190.000 đồng một kg. Cá thu tuần trước 160.000, nay lên 180.000 đồng một kg. Cá chép lớn 70.000 đồng lên 85.000 đồng một kg. Cá chép nhỏ để phục vụ cúng ông Công ông Táo dao động từ 15.000-25.000 đồng một con, tăng 5.000 đồng so với năm ngoái.

Giá thịt gà tại các khu chợ truyền thống tiếp tục nhích lên 2.000 đồng một kg đối với gà công nghiệp và 10.000 đồng đối với gà ta đặc biệt là gà cúng. Gà công nghiệp đang ở mức 50.000 đồng một kg, gà ta giá 130.000 đồng một kg.

Trong khi đó, giá rau xanh giữ nguyên so với ngày thường. Tại chợ Khương Đình, các mặt hàng rau xanh như su hào, su su, rau cần vẫn giữ giá. Đơn cử, su hào củ to 4.000 đồng - 5000 đồng mỗi củ, hoa lơ xanh từ 8.000 đến 10.000 một cây.

Chị Nhung, tiểu thương bán rau trên phố Trung Liệt cho biết thời gian này thời tiết nồm nên rau xanh giữ giá. “Giá thậm chí còn rẻ hơn cả thời điểm trời rét đậm vừa qua”, chị Nhung so sánh.

Theo phản ánh của các tiểu thương, những ngày cận Tết năm nay giá thực phẩm vẫn tăng nhưng sức bán không mạnh như năm ngoái. Chị Vân, một tiểu thương kinh doanh gà tại chợ Vĩnh Tuy cho biết, năm nay kinh doanh không “sướng” bằng năm ngoái. “Mọi năm tầm gần ngày ông Công, ông Táo, có ngày tôi bán được hơn 100 con gà thì năm nay chỉ tiêu thụ được khoảng 60-70 con”, chị chia sẻ.

Một ngày trước 23 tháng Chạp, cảnh mua bán tại các cửa hàng cá chép vàng khá trầm lắng. Tại các chợ nhỏ, cá chép khoảng 30.000 đồng một bộ 3 con, trong khi đó, chợ lớn, giá khoảng 40.000 đồng. Chị Dung (chợ Thái Hà, Hà Nội) cho biết, đầu giờ sáng còn nói thách 50.000 đồng một bộ nhưng thấy tình hình ế ẩm nên tôi nói luôn giá 30.000 đồng mà vẫn chưa hết hàng.

Tại TP HCM, đồ vàng mã năm nay có thêm sản phẩm cá chép vàng, giá 3.000 đồng một con. Bộ 3 mũ và 2 cá chép vàng lớn giá 70.000 đồng một bịch. Ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), giá vàng mã tăng 5%. Bộ 3 mũ dành cho ông Công ông Táo có giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng. Thèo lèo thường đứng giá ở mức 5.000 đồng một bịch, thèo lèo cao cấp 30.000 đồng một bịch. Bộ giấy tiền vàng có giá 10.000 đồng một bịch, tăng 2.000 đồng.

Theo các tiểu thương ở TP HCM, năm nay sức mua yếu hơn so với mọi năm, người tiêu dùng mua với số lượng ít nên hàng hóa chỉ tăng nhẹ. Chị Linh, tiểu thương chợ Bà Chiều chia sẻ: “Năm nay, nhân viên ở các công ty than vãn lương thưởng ít, có nơi tháng thứ 13 còn chẳng có có chứ lấy đâu ra tiền mua mua sắm nên sức mua chán lắm”.

Theo ban quản lý chợ Bà Chiểu, sức mua năm nay quá kém, thực phẩm tươi sống cũng như thực phẩm khô vẫn ế ẩm. Dự báo giá sẽ không tăng trong tuần tới.

Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM cho hay đến thời điểm này sức mua vẫn ì ạch, chỉ tăng 30% so với ngày bình thường. Dự đoán sức mua sẽ tập trung vào những ngày cận Tết, do vậy nhiều cửa hàng sẽ đóng cửa trễ hơn so với năm trước.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự định 12h trưa ngày 29 tháng chạp đóng cửa nhưng giờ đã chuyển sang 17h chiều.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chia sẻ, bắt đầu từ 23 tháng chạp trở đi hàng về liên tục, nếu sức mua yếu tiểu thương sẽ ngưng nhập hàng. Bà Hà dự báo một số mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục giảm giá vì ít người mua. Tuy nhiên, theo chuỗi cung cầu, trường hợp nếu cầu nhiều hơn cung, khi ấy cung cầu mất cân đối, giá sẽ tăng mạnh trở lại, còn nếu cung nhiều hơn cầu thì toàn bộ các mặt hàng sẽ tiếp tục giảm.

“Do diễn biến sức mua của người dân rập rình nên tiểu thương khó dự đoán được lượng hàng cung ứng cho thị trường. Năm ngoái, tiều thương dự trữ hàng hóa rất nhiều nhưng sức mua quá yếu nên hàng tồn lớn. Năm nay, họ rút kinh nghiệm nên lưu lượng hàng hóa có tập trung nhưng không cao bằng năm ngoái. Những ngày cận Tết nếu sức mua tăng lên thì giá hàng hóa có thể sẽ tăng mạnh để phản ứng lại với sức mua” bà Hà lo lắng.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, sức mua có tăng hơn nhưng lượng hàng vẫn ổn định, một số mặt hàng khô có tăng giá nhưng nếu so với cung kỳ thì thấp hơn do sức mua giảm. Dự báo trong tuần tới sức mua và nguồn hàng tăng lên. Lượng trái cây và rau sẽ tăng 100%, thịt cá tăng 50-70%.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. Các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ tăng 20-25% so với Tết 2012 nên giá cả sẽ bình ổn. Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác hàng hóa từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào một số mặt hàng có biến động mạnh trong dịp Tết như: thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, trứng gia cầm.

Trước đó, Thành phố cũng có công điện khẩn yêu cầu sở ngành phải theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, rau quả tránh hành vi đầu cơ gây mất cân đối cung cầu.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thêm 11.000 căn nhà ở xã hội  (02/02/2013)
Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum  (02/02/2013)
Hội An được bầu chọn là điểm đến ưa thích nhất  (01/02/2013)
Trẻ em phải “sõi” tiếng Việt thì mới được học trường nước ngoài  (01/02/2013)
Mở kênh truyền hình quốc phòng trong tình hình mới  (01/02/2013)
Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm: “Bắt là dính”  (01/02/2013)
67 doanh nghiệp được tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2012  (01/02/2013)
Phải bơm đủ tiền cho ATM  (01/02/2013)
Cán bộ nhiều hơn nhân viên  (31/01/2013)
Ban Nội chính Trung ương hoạt động từ ngày 1.2  (31/01/2013)
Cơ bản khống chế được gia cầm không rõ nguồn gốc  (31/01/2013)
300 tỷ một tháng thu phí bảo trì đường bộ  (31/01/2013)
Lạm phát năm 2013 có thể ở mức 10%  (31/01/2013)
Gốm, sứ Việt đang thắng thế trên “sân nhà” so với hàng Trung Quốc  (30/01/2013)
Cung cấp 1,6 triệu tấn rau đặc sản Đà Lạt dịp Tết  (30/01/2013)