Khi kim đồng hồ sắp đến 0 giờ đêm giao thừa, ngư dân nổ máy, quay mũi tàu về đất liền, mở đài nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Nhiều tàu hẹn nhau neo cùng chỗ. Giờ khắc ấy thật thiêng liêng
Tại cảng cá Sa Kỳ (huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết Tết này, chồng con chị đón Xuân trên biển. Chồng chị Hạnh là ngư dân Võ Thanh Nam, lao động trên tàu câu mực mới xuất cảng ra Hoàng Sa đánh bắt cách đây mấy hôm. “Vì mới đi, tổn phí lớn mà về liền sao được? Phải chấp nhận ở lại đón Tết trên biển thôi” - chị Hạnh giải thích.
|
Chuẩn bị nhổ neo đưa tàu ra khơi đánh bắt dịp Tết. |
Cũng là cái nghiệp
Ngư dân Trần Văn Cước tâm sự rằng cả năm chỉ có 3 ngày Tết, chẳng ai muốn xa gia đình nhưng những người làm nghề biển phải chấp nhận. “Mình đi biển, gắn bó với biển, có lẽ đón Tết cùng biển cũng là cái nghiệp”- anh Cước cười xòa. Năm nào cũng có khoảng 5-10 tàu của Sa Kỳ đón giao thừa trên biển. Có người đón Tết trên biển đã khoảng 10 lần. Tàu của anh Cước cũng đang chuẩn bị khẩn trương để xuất bến.
Theo nhiều ngư dân Quảng Ngãi, sở dĩ phải làm xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Đặc biệt, thời điểm giáp Tết, cá chuồn bay dày đặc ở biển Hoàng Sa. Bình thường, một mẻ lưới ngư dân bắt được 2-3 tạ cá nhưng dịp này có thể được cả tấn. Hơn nữa, những tháng trước Tết, biển miền Trung thường có bão nên tàu thuyền phải nằm bờ. “Có nhiều chàng trai chưa vợ lần đầu tiên ăn Tết trên biển cứ ngơ ngác như con tàu lạc hướng. Những lúc như vậy, nhờ sự động viên của anh em nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai”- ngư dân Nguyễn Văn Hải tâm sự.
Sở NN-PTNT Phú Yên cho hay dịp Tết Quý Tỵ sẽ có hơn 300 tàu với gần 3.000 ngư dân của tỉnh này đón Tết trên biển. Riêng TP Tuy Hòa có 193 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa với hơn 1.800 ngư dân.
Gặp nhau giao thừa nhé!
Trách nhiệm với biển đảo quê hương
Thuyền trưởng Hồ Tấn Phương trên tàu PY-92115-TS (Phú Yên) đang đánh bắt cá ngừ đại dương cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa, hơn 55 hải lý về hướng Đông - Đông Bắc cho biết dẫu không ai nói với ai nhưng trong lòng mỗi ngư dân ra khơi dịp Tết đều thấy rõ trách nhiệm giữ vững chủ quyền biển đảo của mình. “Sẽ là nói quá nếu bảo rằng chúng tôi ra khơi chỉ vì bảo vệ chủ quyền.
Mục đích mưu sinh là điều không phủ nhận nhưng nếu chỉ mưu sinh thôi mà phải xa vợ, xa con trong dịp Tết thì chẳng mấy người chịu đi”- anh Phương bộc bạch. Theo anh, những năm trước, việc tìm lao động ra khơi dịp Tết rất khó khăn dù trả công cao hơn nhiều so với ngày thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không chỉ ngư dân mà những người làm nông cũng đăng ký ra khơi đón Tết.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry khẳng định lực lượng biên phòng rất trân trọng những chuyến ra khơi vào dịp Tết của ngư dân nên thường làm thủ tục nhanh gọn để bà con có thể ra khơi sớm, vừa đánh bắt vừa thể hiện chủ quyền biển đảo của mình. |
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát hành chính Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng 352 Phú Yên, cho biết hơn một nửa số tàu ở cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa đã ra khơi đón Tết trên biển. Dù giá cá ngừ loại 1 hiện chỉ 140.000 đồng/kg nhưng cá đầu mùa chất lượng thịt tốt, sản lượng đánh bắt lại cao nên hầu hết tàu ra khơi trong dịp này đều có lãi.
Trung tá Huỳnh Văn Đính, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, nói trong dịp Tết, lực lượng biên phòng sẽ trực 24/24 giờ, tất cả các máy bộ đàm sẽ mở liên tục để ngư dân liên hệ và kịp thời hỗ trợ bà con trong tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi muốn nói với ngư dân rằng bà con cứ yên tâm ra khơi bám biển. Chúng tôi luôn sát cánh với bà con” - trung tá Đính khẳng định.
Sáng 5.2, tàu cá PY-96262-TS của ông Trần Văn Đi (TP Tuy Hòa) cập bến. “Chưa đầy 1 tháng nhưng chuyến biển này chúng tôi câu được hơn 70 con cá, lãi cũng khá nên tranh thủ bán để chia tiền cho vợ con ở nhà ăn Tết, còn anh em chúng tôi phải ra khơi tiếp vào tối 6-2” - ông Đi nói.
Từ Trường Sa, thuyền trưởng Võ Văn Dinh trên tàu PY-92285-TS (TP Tuy Hòa) cũng cho biết đón giao thừa trên biển là dịp rất đặc biệt đối với ngư dân. Tranh thủ thả câu từ chiều trước, đến khoảng 22 giờ là tất cả đều được nghỉ, tắm rửa để đón giao thừa. “Khi kim đồng hồ chuẩn bị chỉ 0 giờ, chúng tôi cho nổ máy, quay mũi tàu về hướng đất liền, mở đài và im lặng nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Có những Tết, một số tàu hẹn nhau neo cùng một chỗ để đón giao thừa. Giờ khắc ấy thật thiêng liêng”- anh Dinh tâm sự.
Chiều 5.2, tàu PY-92614-TS của anh Trần Văn Đức (TP Tuy Hòa) cũng rời bến. Những người vợ đưa chồng ra tận bến tàu trong cái nhìn trìu mến. Lẫn trong tiếng máy tàu, anh Đức phấn khích bên máy bộ đàm trò chuyện với những người bạn ngoài khơi: “Chờ đấy, mình đang ra. Gặp nhau giao thừa nhé!”.
. Theo NLĐO |