|
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: TTDBKTTV) |
Tối 21.2, áp thấp nhiệt đới cách đảo Huyền Trân (thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 180km về phía Đông Nam.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Hồi 19h ngày 21.2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,9 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Huyền Trân (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km. Đến 19h ngày 22.02, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5,7 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 370km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh, nên vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam, khoảng ngày 22.2 sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Ở Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, giật cấp 7.
Ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ đêm 22.2 có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
. Theo VOV |