Muốn ổn định phải có biên giới vững chắc
15:22', 3/3/ 2013 (GMT+7)

Trung tướng Võ Trọng Việt

Đầu tháng 3 này, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng sẽ trình Quân ủy trung ương cho ý kiến về dự thảo đề án chiến lược xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

 

Trung tướng Võ Trọng Việt (ủy viên Trung ương Đảng, tư lệnh Bộ đội biên phòng) cho biết như trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống bộ đội biên phòng (3.3.1959 – 3.3.2013).

 

Ông Võ Trọng Việt nói:

 

- Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước luôn coi trọng.

 

Đến nay chúng ta đã có được một đường biên giới trên bộ rạch ròi với các nước láng giềng, cụ thể là với Trung Quốc, với Lào, còn với Campuchia thì chúng ta phấn đấu hoàn thành trong năm 2013, như vậy là rất thuận lợi.

 

Nếu như trong thời chiến biên giới là nơi phòng thủ đất nước, thì trong thời bình biên giới là cửa ngõ, là nơi giao thương để phát triển kinh tế, để tiến hành các công việc liên quan đến đối ngoại nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.

 

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và quyết sách, nhưng một chiến lược tổng thể về biên giới thì chưa có.

 

Từ sự cần thiết phải có một chiến lược như vậy, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng trực tiếp chuẩn bị xây dựng chiến lược.

 

* Đâu là những nội dung chính của chiến lược, thưa trung tướng?

 

- Đất nước muốn ổn định thì phải có biên giới vững chắc. Quan điểm chung là xâu chuỗi tất cả chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước về biên giới ở tầm cao hơn, rộng hơn, dài hơi hơn.

 

Thông qua chiến lược để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị về biên giới quốc gia. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực cả vật chất và tinh thần để đầu tư xây dựng và phát triển khu vực biên giới.

 

"Đột phá quan trọng thứ nhất là chuyển nhận thức, trách nhiệm; thứ hai là tạo hành động để mọi cấp mọi ngành hướng về biên giới. Được như vậy biên giới nước ta sẽ mãi vững bền".

 

Trung tướng Võ Trọng Việt

Cha ông ta nói “rừng vàng biển bạc”, như vậy chúng ta phải làm thế nào để có những quyết sách phù hợp nhất. Chẳng hạn như vừa qua chúng ta đầu tư làm hệ thống đường tuần tra biên giới, đường lên biên giới, đưa dân lên để dần khép kín biên giới... Đó là những quyết sách nằm trong chiến lược để vừa phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, vừa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia.

 

Việc gắn chặt quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế phòng thủ bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh khu vực biên giới, cũng như tạo ra cửa ngõ để phát triển giao lưu với các nước cũng là nội dung quan trọng. Một vấn đề nữa là xây dựng hệ thống chính trị có thực lực ở vùng biên giới.

 

* So với những cơ chế, chính sách đã có thì chiến lược đề ra nội dung mới nào có thể được xem là khâu đột phá?

 

- Chiến lược sẽ mở ra nhiều cơ chế, chính sách để vừa xây dựng vừa thu hút nguồn lực tốt hơn nhằm quản lý và bảo vệ biên giới. Cũng như trước đây với chiến lược biển, qua đó chúng ta có nhận thức đầy đủ hơn, trách nhiệm hơn và quyết tâm hơn, với những việc cụ thể như chủ trương hiện đại hóa hải quân, không quân, rồi những chính sách đầu tư để phát triển đội tàu đánh bắt hải sản... Bên cạnh chiến lược biển, chúng ta cần có chiến lược về biên giới trên đất liền để tạo nên sức mạnh to lớn tương tự như vậy.

 

Chiến lược cũng sẽ đưa ra những dự báo xa hơn, với các giải pháp đồng bộ hơn. Tôi nói ví dụ vấn đề xây dựng cơ sở chính trị, lâu nay mình đã làm nhưng có lúc có nơi còn chưa quyết liệt và chưa đồng bộ, vậy nên cán bộ vùng sâu vùng xa thiếu, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, không ngang bằng các nơi khác.

 

Có chiến lược thì chúng ta sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn nữa, trước hết là đào tạo con người, nhất là cán bộ dân tộc. Cùng với đó là đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, hiện nay chúng ta mới tập trung vào 62 huyện nghèo trong khi nhiều nơi khác cũng cần đầu tư.

 

Có cơ chế chính sách để ưu tiên cho người dân ở vùng sâu vùng xa yên tâm sinh sống, gắn bó cả cuộc đời với biên giới. Tóm lại, đột phá quan trọng thứ nhất là chuyển nhận thức, trách nhiệm; thứ hai là tạo hành động để mọi cấp mọi ngành hướng về biên giới. Được như vậy biên giới nước ta sẽ mãi vững bền.

 

* Chủ trương đưa dân lên biên giới đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách đồng bộ và khả thi thì người dân mới yên tâm?

 

- Như tôi đã nói là hiện nay chúng ta đã đầu tư xây dựng đường lên biên giới, đường tuần tra biên giới, đây là những nền tảng rất quan trọng để mở mang đất đai.

 

Thực tế cho thấy nhiều nơi phân bổ dân cư không đồng đều, có nơi quá chật chội, chúng ta đưa dân lên biên giới để lao động sản xuất, năm nay lên làm tốt thì sang năm có ăn, sang năm thứ hai đảm bảo tương đối và từ năm thứ ba là tự túc được, năm thứ tư, thứ năm làm khá giả lên.

 

Vậy thì chúng ta phải quyết tâm đầu tư, sao cho đảm bảo người dân lên biên giới có cuộc sống tốt hơn, nếu dồn sức và đoàn kết thống nhất thì tôi nghĩ rằng biên giới sẽ sớm được khép kín về cơ bản.

 

Sức mạnh bảo vệ biên giới là của toàn dân, trực tiếp người dân ở biên giới mà có cuộc sống yên ấm, phấn khởi và tin tưởng thì mọi hành vi xâm phạm biên giới sẽ được xử lý kịp thời ngay.

 

* Trong chiến lược này, lực lượng bộ đội biên phòng có vai trò như thế nào?

 

- Kể từ ngày thành lập đến nay, vượt qua bao gian khó, thử thách cả trong thời chiến cũng như thời bình, bộ đội biên phòng đã luôn nỗ lực để xứng đáng là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

 

Với phương châm “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người dân biên giới, bộ đội biên phòng gắn bó với nhân dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân để từ đó đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước, quân đội những chủ trương, quyết sách phù hợp nhất, làm thế nào sớm khép kín biên giới, làm thế nào có nhiều chính sách ưu tiên cho biên giới, làm thế nào để biên giới thật sự trở thành bức tường thành vững chãi của lãnh thổ quốc gia chở che cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.

 

Thưa trung tướng, sau khi đăng loạt bài “Tháng 2 trên đỉnh Pò Hèn”, báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Tháng 3 biên giới” bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bạn đọc, là tư lệnh bộ đội biên phòng, ông có cảm nghĩ gì về chương trình?

 

- Tôi thấy việc này rất cần thiết, khi mỗi người ở mọi miền Tổ quốc có trách nhiệm và chung tay vì biên giới thì người dân và các chiến sĩ ở biên giới sẽ ấm lòng hơn.

 

Chính vì thấy hậu phương bao la, ý thức trách nhiệm của những người ở tiền tiêu sẽ lớn lên, và đó chính là sức mạnh to lớn cho đất nước bình yên.

 

Tôi cho rằng những việc làm hướng về biên giới, hải đảo dù đã được triển khai hay mới chỉ là khởi đầu đều cần được làm liên tục, lâu dài hơn nữa.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dự thảo nghị định xử phạt: Từ 1.7, tịch thu xe đua, thu bằng 24 tháng  (03/03/2013)
1 vạn người tham gia hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng  (03/03/2013)
Nhiều doanh nghiệp thép ngừng hoạt động  (03/03/2013)
'Bệnh lạ' ở Quảng Ngãi tái xuất   (02/03/2013)
Tăng tuổi nghỉ hưu - Cân nhắc kỹ từng đối tượng  (02/03/2013)
Nhà thu nhập thấp vắng người ở  (02/03/2013)
Việc sửa đổi Hiến pháp cần quán triệt đến từng người dân   (02/03/2013)
Phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2013  (01/03/2013)
3.000 tỷ đồng hỗ trợ gia đình sinh toàn con gái  (01/03/2013)
Giá cả hàng hóa tháng 3 sẽ không có biến động lớn  (01/03/2013)
Hôm nay, bắt đầu thu phí ATM: Nhiều ngân hàng chưa thu  (01/03/2013)
Vàng sẽ khó giảm lâu?  (01/03/2013)
Cần cái nhìn tổng thể về các dự án bauxite Tây Nguyên  (01/03/2013)
70% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả  (28/02/2013)
"Có thể sớm cấm mua nhà, ôtô bằng tiền mặt"  (28/02/2013)