Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng:
Người Việt hại người Việt
15:50', 4/3/ 2013 (GMT+7)

Có đến 90% hàng hóa bị tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy là hàng TQ. Gần đây hàng TQ đi đường vòng qua Campuchia vào các tỉnh phía nam rồi vào TP.HCM

Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa phần lớn do chính một bộ phận không nhỏ người Việt sang tận Trung Quốc để lấy hàng giá rẻ, hàng nhái, hàng dỏm về bán kiếm lợi.

 

Hướng dẫn từng cen ti mét

Trên mạng internet hiện đang lưu truyền khá nhiều bài viết hướng dẫn cách đi đánh hàng ở Trung Quốc (TQ). Có bài viết dài tới gần... 3.000 chữ chia sẻ kinh nghiệm, cách thức “đánh hàng” ở Quảng Châu (TQ), được xem như “cẩm nang” của dân trong nghề này bởi hướng dẫn cụ thể, cặn kẽ từ những việc đơn giản nhất như chuẩn bị hộ chiếu ra sao, ăn ở đi lại thế nào, mua hàng gì ở đâu, những số điện thoại, trả giá, đóng gói, vận chuyển hàng về nước...

Còn trên một trang trang web chỉ cách làm giàu, một người tên Phước mở hẳn dịch vụ hướng dẫn đi lấy hàng tại Quảng Châu, với cam kết: “…Dù ở đâu cũng đảm bảo công ty mình đưa hàng về đến trước cổng nhà bạn không thiếu 1 món dù là cái kẹp tóc nho nhỏ. Công ty cam đoan là mất 1 sẽ đền 10 mà”.

Không có một con số chính thức nào về số người Việt sang Quảng Châu “đánh hàng”, nhưng dân trong nghề cho biết chỉ tính riêng lực lượng “tai” (thông dịch kiêm hướng dẫn viên cho người Việt tại Quảng Châu) vào lúc cao điểm lên đến cả ngàn người. Vậy mà theo Cường, số người trực tiếp đi đánh hàng đã giảm nhiều so với trước vì khách có thể trực tiếp đặt hàng qua mạng. Các đầu mối làm dịch vụ sẽ chuyển hàng về tận nơi với giá cả phải chăng, mua càng nhiều giá càng rẻ.

Theo chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng (TP.HCM), do nguyên vật liệu sản xuất cơ bản của nước ta đều phải nhập khẩu nên giá cao, khó cạnh tranh. Vì thế, nhiều doanh nghiệp VN sang TQ đặt gia công hàng hóa đưa về nước dán mác, tem nhãn rồi bán.

“Đơn cử có những mặt hàng vật liệu xây dựng, đến 90% được đặt gia công tại TQ, chúng ta chỉ làm mỗi việc là đưa về VN bán”, ông Dũng nói và nhận định: "Tất cả do chính các doanh nhân trong nước, họ sang TQ kiếm hàng nào rẻ nhất mua về VN bán chứ không phải hàng TQ tất cả đều xấu. Các nước khác vẫn đặt hàng từ TQ nhưng họ kiểm soát được chất lượng nên không có vấn đề gì. Còn chúng ta sang TQ kiếm hàng thiệt rẻ về lập lờ nhãn mác, chất lượng để bán. Có cả việc doanh nhân VN qua TQ đặt gia công hàng nhưng vẫn để “Made in Vietnam”, loại hàng thường nhập “lụi”.

 

Chèn ép hàng Việt

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM nhận định có nhiều nguồn hàng nhập lậu vào TP.HCM, trong đó phần lớn hàng giả, hàng nhái nhập lậu xuất xứ TQ, như quần áo, đồng hồ, kính mắt, túi xách, gas, mực in vi tính, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, điện tử, phụ tùng xe máy...

Chỉ riêng tháng 2.2013, QLTT TP.HCM đã tạm giữ gần 132.000 đơn vị sản phẩm, hơn 3.700 m vải, gần 23 tấn hàng nhập lậu, hàng cấm kinh doanh, hàng giả… “Có đến 90% hàng hóa bị tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy là hàng TQ. Gần đây hàng TQ đi đường vòng qua Campuchia vào các tỉnh phía nam rồi vào TP.HCM”, một cán bộ QLTT nhận xét.

Theo ông Ngô Đình Dũng, hàng TQ nhập lậu đã, đang và sẽ khiến nhà nước thất thu lớn về thuế. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng điều đau lòng là hàng dỏm của TQ chiếm thị phần rất lớn và khiến nhiều hàng hóa trong nước khốn đốn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Sài Gòn 3, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, bức xúc: “Hàng TQ tràn ngập thị trường VN là chuyện từ khá lâu rồi, đa số nhập lậu, giả nhãn hiệu.

Do lượng hàng tồn của TQ rất lớn nên họ tìm mọi cách đẩy vào VN bằng nhiều con đường với giá rất rẻ. Họ đánh vào tâm lý thích hàng giá rẻ của một bộ phận không nhỏ người dân, gây ảnh hưởng đến sản xuất hàng nội địa, làm cho hàng nội địa tiêu thụ rất chậm.

Trong năm 2012, cũng vì hàng TQ quá nhiều đã khiến sức tiêu thụ hàng nội địa giảm từ 20 - 30% so năm trước”. Còn bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, phân tích: “Hễ bán hàng không được thì TQ lại đẩy sang nước ta.

Hàng đẩy qua VN có chung một đặc điểm là giá rẻ và chất lượng rất tệ trong khi chúng ta gần như không có hàng rào kỹ thuật nào để ngăn chặn. Cái túi của người dân VN chỉ có chừng đó, dung lượng thị trường có chừng đó, hàng TQ giá rẻ nên tiêu thụ tốt thì thị phần cho hàng VN tất yếu bị thu hẹp”...

 

Nhập siêu từ TQ tăng mạnh

Trong khi hàng hóa TQ nhập lậu, đi theo đường tiểu ngạch không kiểm soát được thì ở đường chính ngạch, nhập siêu từ TQ liên tục tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2012 VN đã nhập siêu từ TQ trên 16,397 tỉ USD, tăng hơn 2,9 tỉ USD so với năm 2011 (13,467 tỉ USD). Còn xét theo nhập siêu trong giai đoạn 2001 - 2010, nhập siêu từ TQ chiếm 23,2% trong tổng nhập siêu từ các nước mà VN có nhập siêu.

VN nhập khẩu từ TQ 42 nhóm mặt hàng các loại, ngay cả những mặt hàng lâu nay VN có lợi thế thì kim ngạch cũng đang tăng mạnh. Như, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng điện gia dụng và linh kiện, nguyên phụ liệu dược phẩm, hàng rau quả, sản phẩm từ giấy, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc...

 

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường quà tặng 8.3: Nhiều dịch vụ mới lạ  (04/03/2013)
Thu nhập đầu người của Việt Nam đạt 10.000 USD trong thập kỷ tới?  (04/03/2013)
Dự kiến 9.3, phát hành cuốn Những điều cần biết tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013  (04/03/2013)
Để cấp thêm 6 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  (04/03/2013)
Đánh thuế tiền tiết kiệm: Ý tưởng lạ lùng, bất khả thi  (03/03/2013)
Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân vươn khơi  (03/03/2013)
Muốn ổn định phải có biên giới vững chắc  (03/03/2013)
Dự thảo nghị định xử phạt: Từ 1.7, tịch thu xe đua, thu bằng 24 tháng  (03/03/2013)
1 vạn người tham gia hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng  (03/03/2013)
Nhiều doanh nghiệp thép ngừng hoạt động  (03/03/2013)
'Bệnh lạ' ở Quảng Ngãi tái xuất   (02/03/2013)
Tăng tuổi nghỉ hưu - Cân nhắc kỹ từng đối tượng  (02/03/2013)
Nhà thu nhập thấp vắng người ở  (02/03/2013)
Việc sửa đổi Hiến pháp cần quán triệt đến từng người dân   (02/03/2013)
Phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2013  (01/03/2013)