Nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn
15:58', 7/3/ 2013 (GMT+7)

Ngày 7.3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố một báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 và những khuyến nghị chính sách cho giai đoạn trung hạn 2013-2015 với một loạt nhận định đáng chú ý.

 

Nhìn lại mức tăng trưởng 5,03% của năm 2012, mức thấp nhất trong vòng hơn một thập niên qua, Ủy ban Kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn ngày một hiện hữu: tăng trưởng suy giảm có tác động làm gia tăng nợ xấu và đến lượt mình, nợ xấu gia tăng sẽ làm tắc nghẽn dòng tín dụng nuôi dưỡng nền kinh tế thực và qua đó sẽ có tác động làm tăng trưởng tiếp tục suy giảm.

“Chi phí đánh đổi” ngày càng cao

Qua phân tích số liệu, Ủy ban Kinh tế nhận định rằng có sự suy giảm nhất định của “tăng trưởng kinh tế tiềm năng” giai đoạn 2008-2012, tạo nên ràng buộc ngày càng chặt chẽ hơn đối với khả năng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Nếu muốn tăng trưởng cao hơn mức tiềm năng thì cái giá phải trả sẽ cao hơn, hay nói một cách khác là chi phí đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2008-2012.

 

Trước xu hướng như vậy, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao việc Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức hợp lý hơn cũng góp một phần giúp hạ thấp đáng kể mức lạm phát thực tế trong chu kỳ kinh doanh, đồng thời, với những tuyên bố công khai của Chính phủ về nỗ lực cam kết chống lạm phát và đặt ưu tiên hàng đầu mục tiêu ổn định vĩ mô từ đầu năm 2012, đã làm lạm phát kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có xu hướng giảm tốc rõ rệt.

Tuy nhiên, theo ủy ban này, rủi ro lớn nhất của nền kinh tế năm 2013 là lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, có liên quan đến một số chính sách. Chẳng hạn như lương tối thiểu tăng kể từ ngày 1.1.2013, mức lương tối thiểu theo 4 vùng sẽ tăng theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Mức lương tối thiểu tăng một mặt nâng cao thu nhập người dân, làm tăng nhu cầu tiêu dùng; tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, tiền lương tăng sẽ như một cú sốc tiêu cực tác động lên các doanh nghiệp. Cho dù có tác động lên mặt cầu hay mặt cung, và dù mức tăng không nhiều song tăng lương sẽ tạo áp lực tăng giá, do có thể gây ra lạm phát tâm lý.

Tăng giá điện mặc dù chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong chi phí của hoạt động sản xuất và trong chi phí sinh hoạt của người dân, nhưng tác động nhiều vòng của việc tăng giá điện đến lạm phát và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể là không nhỏ, chưa nói đến tác động tâm lý... Vì vậy, Ủy ban Kinh tế nhận định “chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 khoảng 8% là một mục tiêu khá tham vọng”.

Cần tiếp tục giảm thuế và phí


Về những khuyến nghị chính sách cho năm 2013, theo Ủy ban Kinh tế, giải quyết nợ xấu hiện đang là một trong những điểm nóng chính sách lớn của năm 2013, bên cạnh những giải pháp thông dụng, cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm doanh nghiệp hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.

Ưu tiên hàng đầu trong giải quyết nợ xấu, Ủy ban Kinh tế cho rằng phải hướng đến ngành thủy sản, bởi vì đây là ngành của Việt Nam được thừa nhận rộng rãi là có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngành này cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông thôn, và chi phí để giải quyết nợ xấu không quá lớn.

Có thể chỉ cần có cơ chế khuyến khích phù hợp là có thể giúp cho ngành chế biến thuỷ sản thực hiện hiệu quả quá trình sàng lọc và tái cơ cấu như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn; tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn; mua lại nợ cho doanh nghiệp kết hợp với việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành.

Đối với nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, cần có những thông điệp rõ ràng hơn. Đối với lĩnh vực năng lượng, các giải pháp để giải quyết nợ xấu đối với ngành điện cần áp dụng bao gồm tái cơ cấu mạnh mẽ đối với EVN, xóa bỏ đầu tư ngoài ngành...

Một số khuyến nghị chính sách khác là tiếp tục xem xét hoãn và tiến đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là với các mặt hàng có mức độ tồn kho lớn và có tỷ lệ sản xuất nội địa cao: Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng khuyến cáo giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế VAT phù hợp cho từng loại, để tránh “rò rỉ” ra hàng ngoại nhập, hay “kích cầu hộ nước ngoài”.

Khuyến nghị chính sách cho giai đoạn 2013-2015, Ủy ban Kinh tế nhắc lại yêu cầu xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tăng tiết kiệm, góp phần cho sự phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong trung và dài hạn.

Ủy ban này còn nhấn mạnh về việc tăng cường chi cho an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo, tăng cường hỗ trợ tạo việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức.

Giải pháp này vừa bảo đảm mục tiêu công bằng và tăng trưởng có lợi cho người nghèo; vừa bảo đảm hiệu quả vì người nghèo và người thu nhập thấp thường có xu hướng chi tiêu cho tiêu dùng các hàng hóa nội địa, qua đó giúp ngăn chặn bớt đà thu hẹp sức mua của thị trường trong nước và góp phần giảm bớt lượng tồn kho của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này cần tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội để tránh “rò rỉ” trong khâu thực hiện.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mỹ công nhận DN xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá  (07/03/2013)
Phải xử nghiêm kẻ sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả  (07/03/2013)
Xử phạt xe ‘không chính chủ’ từ 15.4  (07/03/2013)
Hủy toàn bộ các trang sách in cờ Trung Quốc  (06/03/2013)
“Sáp nhập một số trường đại học để tránh manh mún”  (06/03/2013)
Đà Nẵng sẽ báo cáo Bộ Chính trị vụ 'thất thu hơn 3.400 tỷ'  (06/03/2013)
Vụ nhà hàng không phục vụ người Việt: Sẽ xử lý nghiêm nhà hàng Cát Vàng  (06/03/2013)
Dừng dự án 1,35 tỷ USD tại Vân Phong  (06/03/2013)
Dịp 8.3, giá hoa hồng Đà Lạt đã tăng gấp 3-4 lần  (06/03/2013)
Kiểm điểm một Vụ trưởng vì nói dân “quen hít khí trời”!  (06/03/2013)
Tăng tuổi nghỉ hưu: Những ý kiến khác nhau  (06/03/2013)
Lợi nhuận buồn của các ngân hàng cổ phần  (06/03/2013)
Làm điều dưỡng viên tại Đức: Lương tháng 1.800 - 2.000 EUR  (05/03/2013)
“2013 sẽ mở ra trang sử mới của Hải quân Việt Nam”  (05/03/2013)
Cảnh sát biển Việt Nam đuổi 28 tàu cá xâm phạm  (05/03/2013)