. Truyện ngắn của Ngọc Diệp
Tuột chiếc cặp khỏi vai, tôi cất tiếng lanh lảnh: "Chào ông bà, chào mẹ, con đi học về !". Mẹ đang chăm chú đọc thư, khi ngẩng lên trong mắt ngân ngấn nước. Ông nội đi từ vườn vào, rổ khế vàng ruộm trên tay, hỏi ngay: "Thế nào, Tết này cha thằng Hiếu có về không?". Giọng mẹ buồn buồn: "Không ạ. Nhưng nhà con bảo, cuối tháng Chạp đơn vị sẽ hành quân qua đây". Bà nội từ trong buồng nói vọng ra: "Rõ khổ, bộ đội thời nào chẳng thế!".
Bà thường bảo: "Nhà này có nòi… vận tải". Ông là chiến sĩ lái xe Trường Sơn những năm đánh Mỹ, ra khỏi chiến tranh với vết thương ở chân trái và rất nhiều huân, huy chương lấp lánh trên ngực. Từng lái những chiếc xe tải to kềnh chở ngồn ngộn hàng xông pha dưới mưa bom bão đạn, có lần ông suýt bị "luộc chín" trong ca bin. Ngưỡng mộ ông, tôi đâm thuộc lòng bài thơ "Tiểu đội xe không kính" cùng bao bài hát về các cô-chú bộ đội, thanh niên xung phong "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Nối nghiệp ông, cha tôi đầu quân vào một đơn vị vận tải đóng quân ở miền Trung, quanh năm làm bạn với vô lăng, nay đây mai đó. Chuyện cha làm quen với mẹ rất… buồn cười. Trong một chuyến nghỉ phép, được bác ruột nhờ đi họp phụ huynh cho con gái đầu lòng học lớp 1A trường Kim Đồng, vừa tới trường, gặp một cô gái áo xanh đang bước vội vã, cha tôi liền gọi: "Đồng chí ơi, cho tôi hỏi…". Khi cô gái quay lại, thay vì hỏi lớp 1A ở đâu, cha tôi bỗng… lạc đề: "Đồng chí tên gì thế?". Cô gái không đáp, quay đi, tiếng cười khúc khích sau lưng. Thế rồi trời xui đất khiến thế nào, cha tôi lại vào họp đúng lớp cô gái áo xanh làm chủ nhiệm. Cả buổi ngồi nghe như nuốt từng lời, thế mà khi bác hỏi cô giáo nhận xét về cháu thế nào, cha tôi chỉ biết… cười trừ. Sau lần ấy, thư đi rồi thư lại, một năm sau, cha nghỉ phép làm đám cưới. Năm sau nữa tôi cất tiếng khóc chào đời. Đó là một ngày hè năm 1994, cha đang bước vào giai đoạn cao điểm vận tải, hết chuyến hàng này lại chuyến hàng khác. Lúc tôi biết bò, cha mới về. Cứ nhìn bộ mặt lạ hoắc, sạm đen, râu ria lún phún là tôi khóc òa lên. Mỗi lần bồng con, cha phải giấu mặt đi nơi khác.
Hai năm trước, cha tôi được về phép Tết. Đó là cái tết đặc biệt của cả gia đình. Tất bật nhất là mẹ. Hết giờ dạy, mẹ đạp xe ra chợ tha về đủ thứ: Lá dong, đậu xanh, gừng, dừa, cà chua… gói bánh, làm mứt. Mẹ còn nhờ chú Út mua hẳn một nhành đào Nhật Tân. Hai cha con tôi bỏ cả một tối gài bưu thiếp, chăng đèn màu làm dáng cho cành đào lộng lẫy hơn. Suốt ba ngày xuân, cành đào làm căn nhà bừng sáng. Hôm nào cũng có các bác hàng xóm đến chơi, hỏi chuyện "trong ấy". Đêm 30, điện giăng sáng rực hiên. Bên ấm trà, chi hội Cựu chiến binh của ông nội "ôn cố tri tân". Cha tôi bận trông nồi bánh chưng. Bà và mẹ lo mâm cơm cúng tất niên. Tôi diện quần áo mới, miệng hát líu lo, lăng xăng chạy ra chạy vào không biết mệt. Nghe cha bảo, không giờ đêm nay là thời khắc chuyển giao năm mới, con sẽ thêm một tuổi, lớn thêm một ít, ngoan hơn một ít; tôi hạ quyết tâm thức đến giao thừa. Nhưng mới hơn 23 giờ mắt đã díu lại. Sáng ra, diện lễ phục trắng tinh, cha gọi tôi dậy đi chúc tết họ hàng. Đi bên cha tôi thấy mình oách lắm, ai gặp cũng chào "hai cha con nhà lính".
Tết năm ngoái vắng cha. Năm nay cha lại không về. Bà thở dài. Mẹ mấy đêm liền trằn trọc. Tôi mang bài ra học nhưng đầu óc cứ lạc tận đẩu tận đâu. Hay là viết thư bảo cha về? Không được. Ông nói "quân lệnh như sơn", việc quân chứ có phải chơi đâu. Sáng nay, mẹ thức dậy sớm, nét mặt rạng ngời: "Năm nay nhà ta ăn Tết sớm!". Nhìn nét mặt ngơ ngác của tôi, mẹ giảng giải: "Nhà mình chuẩn bị bánh mứt ăn tết với đơn vị của cha". Rồi mẹ tất bật đạp xe ra chợ mua mua, sắm sắm. Đêm đến điện lại thắp sáng hiên. Cả nhà cặm cụi gọt gừng, đảo mứt, nấu bánh chưng…, mệt mà vui. Cha điện về, sáng mai đơn vị sẽ hành quân qua. Mẹ tíu tít lo gói ghém bánh mứt, hoa quả thật đẹp. Đoạn đường từ nhà đến nơi đoàn xe chạy chừng 7 cây số. Ông chở bà, mẹ chở tôi cọc cạnh đạp xe từ lúc tờ mờ sáng. Chờ mãi chừng 3 giờ sau mới nghe tiếng còi bấm toe toe. Cha tôi nhảy xuống trước tiên, nhấc bổng tôi lên, phủ lên mặt cậu con trai cả một trận mưa hôn. Đồng đội của cha cũng ùa đến. Cha tự hào giới thiệu tôi với mọi người:
- "Tác phẩm" của đợt phép năm 1993 đấy!
Bác Chính, Trung đoàn trưởng, ngắm tôi cười cả mắt lẫn miệng:
- Xem nào, "tác phẩm" giống "tác giả" như lột!
Bố nhảy lên ca bin lấy giò lan dúi vào tay mẹ, nói thầm điều gì đó, làm gò má mẹ đỏ như trái bồ quân. Ông bà nội đứng giữa một rừng quân phục xanh cùng những lời hỏi han tíu tít. Chuyện râm ran một lúc, đoàn xe lại hối hả lên đường, đám bụi mịt mù lưu luyến cuốn theo sau. Nhìn vào mắt mẹ, mắt ông bà, tôi thấy như có ngọn lửa đang lung linh sáng. Trời ấm dần. Lòng phơi phới, tôi nói như reo: Năm nay nhà mình lại sắm đào Nhật Tân, mẹ nhé!
. N.D |