|
Viết câu đối Tết (Hà Nội 1940) - ảnh: Võ An Ninh (ảnh tư liệu của TTO) |
Dạo ấy, nhận được thư người anh con bà dì ruột của tôi từ TP Hồ Chí Minh gửi ra: "Ông Đồ" sắp ra Quy Nhơn, năm nay cụ đã bảy mươi sáu tuổi rồi, đi lại khó khăn. Anh biết em phần bận công tác cơ quan, phần phải chăm sóc dì đau yếu nhưng em cố gắng giúp ông cụ sống những ngày ở Quy Nhơn cho thật có ý nghĩa nhé! Bôđơle Liên (1) trở lại quê hương nhà Tây Sơn lần này là để tưởng nhớ cảnh cũ người xưa và gặp gỡ khách làng văn thành Đồ Bàn đấy!".
Anh tôi quý "Ông Đồ" như vậy vì anh là con rể của nhà nhiếp ảnh nghệ thuật Trần Văn Lưu, người đã cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà thơ Vũ Đình Liên kết bạn nghệ sĩ, lập nên "lầu tình bạn Lưu - Liên - Phái" tại nhà ông - số 11 Hàng Bông, Hà Nội. Căn gác nhà này là một biểu tượng tình bạn văn chương - nghệ thuật đầy ý nghĩa trong những thập niên cuối thế kỷ XX, thể hiện đời sống tâm linh của ba nghệ sĩ nổi tiếng đất Hà Thành. Mối quan hệ đưa chân "Ông Đồ" tới nhà tôi ở Quy Nhơn vào một ngày đầu thu năm 1988 là như thế.
Mới nhận được thư anh mấy ngày thì một buổi trưa, bác xích lô đã chở "Ông Đồ" tới tận cổng nhà. Đúng như ông đã viết trong bài thơ tặng Hội Văn nghệ Nghĩa Bình một ngày sau:
Hôm qua trong Phú Khánh
Hôm nay ra Nghĩa Bình
Ngẩng nhìn ngọn Đại Lĩnh
Cù Mông, đèo xuống nhanh
Thế là trong một tuần lễ, "Ông Đồ" đã sống với gia đình tôi như một người cha. Tôi bận việc cơ quan (Trường ĐHSP Quy Nhơn) nên hàng ngày phải nhờ hai thầy giáo Đào Quốc Toàn và Nguyễn Đăng Vũ đưa ông đi gặp gỡ các cơ quan văn hóa, văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình thời bấy giờ. Thời gian buổi tối, đêm thì mời ông nói chuyện với sinh viên, đêm thì mời ông tâm sự thân mật với các thầy cô giáo Khoa Văn ĐHSP Quy Nhơn.
Để tưởng nhớ một nhà thơ thuộc lớp nhà thơ mới đầu tiên đã qua đời, tôi thành kính ghi lại những hiểu biết về sự nghiệp thơ ca của ông qua nhiều đêm ông trò chuyện với chúng tôi bên biển Quy Nhơn.
Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh năm 1913 ở Hà Nội. Ông bén duyên với thơ trên các báo Phong Hóa, Loa, Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa khi phong trào thơ Mới mới ra đời. Bài thơ đầu tiên Đứa trẻ ăn mày của ông được in trên báo năm 1932. Rồi từ năm 1934 đến 1936, ông đã cùng hai ông Lưu Trọng Lư và Đỗ Đức Vượng hăng hái diễn thuyết cổ vũ cho thơ Mới. Tuy vậy, trước năm 1945, ông sáng tác không nhiều, chỉ có khoảng trên 20 bài đăng rải rác trên các báo mà thôi. Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: "Hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ" (2).
Về lòng thương người, ông xót thương trước cảnh đời của những kẻ đói rét, những người đàn bà sa cơ, những em bé mồ côi nức nở trong cơn mê…
Tôi muốn nguồn thơ muôn năm không hết
Để ca ru nỗi đau khổ khôn cùng
(Hối hận)
Những hình ảnh "thân tàn ma dại" trong thơ ông làm ta nhớ tới Thúy Kiều và Đạm Tiên trong Truyện Kiều, nhớ tới những người khốn khổ trong thơ văn Victo-Huygô. Kỷ niệm 100 năm ngày mất đại văn hào Victo-Huygô năm 1985 ở Hà Nội, ông tỏ lòng thương xót Phăng-tin và xúc động thốt lên câu Kiều "đau đớn thay phận đàn bà".
Trong bài Vũ Đình Liên: Nhà thơ - tình thương, giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã đồng cảm với nhà thơ: "Đêm khuya, tiếng khóc của người đàn bà, của trẻ thơ hòa với "nguồn lệ đau thương" của nhà thơ, thành những bi ca"(3).
|
Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua (Thơ Vũ Đình Liên, ảnh: Đắc Ngọc) - (ảnh tư liệu của hanoi.vnn.vn) |
Về tình hoài cổ, khác với Nguyễn Nhược Pháp cảm nhận ngày xưa qua cô gái cầm nón quai thao theo thầy me đi trẩy hội chùa Hương, khác với Phạm Huy Thông cảm nhận ngày xưa qua hình tượng Hạng Tịch hùng tráng trong Tiếng địch sông Ô, Vũ Đình Liên cảm nhận ngày xưa qua sự nuối tiếc những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị nhạt phai "nay biết tìm đâu" (Hồn xưa), những văn miếu cổ "rêu phủ, lối mòn" (Văn miếu cổ) hay nàng Mỵ Ê cô đơn giữa "cảnh điêu tàn nước non Chiêm" (Tháp Chàm). Nhà thơ theo "Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa", buông hồn theo "mái chèo mơ", theo "tiếng loa xưa" để "tự ngàn năm hồn xưa sực tỉnh". Và tự cảm nhận:
Lòng ta là hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa
(Lòng ta là những hàng thành quách cũ)
Nhưng rồi "Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông Đồ" (4). Bài Ông Đồ được in trong Tinh hoa năm 1936. Ông Đồ là người thuộc lớp nhà nho cũ đáng thương, hàng năm hoa đào nở lại ngồi viết thuê bên đường phố. Trong bức thư gửi tác giả Thi nhân Việt Nam năm 1942, nhà thơ Vũ Đình Liên đã ngỏ lời tâm sự: "Ông chính là di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" (5).
Ông Đồ là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Mới Việt Nam (1932-1945). Chỉ với bài thơ này cũng đủ để nhà thơ lưu danh với đời. Ông vui vui cho chúng tôi biết họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ ba bức tranh Ông Đồ và Fourniau đã dịch bài thơ ra tiếng Pháp. Ông tỏ vẻ tiếc có viết vở kịch về nàng Mỵ Ê trước năm 1945 nhưng bản thảo đã mất trong chiến tranh.
Một đêm, nhân trong bầu không khí thân mật như cha con ngồi tâm sự với nhau, có thầy giáo trẻ lễ phép hỏi:
- Chúng cháu chưa hiểu vì sao sau bài Ông Đồ ra đời một thời gian, thơ bác vắng trên thi đàn thời bấy giờ?
Ông ngẫm nghĩ giây lát rồi đọc cho chúng tôi nghe hai câu thơ cổ:
Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng phá nhân sinh tâm
Và dịch nghĩa:
Để ngâm được một câu thơ năm chữ
Có khi phải bóp nát cả trái tim
Rồi chậm rãi nói:
- Nghiệp văn chương là như vậy đấy, thật khắt khe! Về sau tôi cảm thấy cái "thiên chức" nhà thơ mà mình chưa đạt tới, những điều viết ra chưa thể hiện được cảm hứng, ý thơ của mình nên quả là từ năm 1937 về sau không làm thơ nữa.
Ông tạm gác bút một thời gian trong "buồn và cô đơn", tự thấy "lòng vẫn đục" trong bầu trời thơ "đầy ánh sáng anh linh".
Nặng mang khối hình hài ô nhục
Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!
Sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy học, hoạt động văn nghệ ở Liên khu III rồi lên Việt Bắc. Tới năm 1954 về Hà Nội dạy văn học Pháp, tiếng Pháp ở trường Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Ông viết nhiều sách giáo khoa và là một trong sáu thầy giáo thành lập nhóm Lê Quý Đôn viết lịch sử văn học, dịch các tác phẩm văn học Pháp. Vì vậy, năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Lặng tiếng thơ một thời gian dài, tới những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến khi qua đời, ông lại tiếp tục làm thơ, viết khá nhiều, và chỉ viết riêng cho mình, viết để tặng bạn bè, người thân mà ít công bố trên báo chí. Ông đã dịch bài thơ Những bông hoa tội ác và hàng trăm bài thơ của Bôđơle - nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX, người mở đầu cho thơ tượng trưng Pháp. Bôđơle đã đưa thơ lãng mạn Pháp vào thế giới bên trong đầy bí ẩn của con người và tìm thấy cái đẹp, cái thiên thần trong khổ đau, trong chán chường, tìm thấy những bông hoa ngát hương trong cuộc đời trần tục vô vàn thương đau mà nhà thơ cho đó là cái Ác, nên mới viết bài thơ Những bông hoa tội ác (1857).
Giai đoạn này, nhà thơ Vũ Đình Liên chịu nhiều ảnh hưởng của Bôđơle. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu có nhận xét: "Ông sáng tác vẫn với đề tài "tình thương" song đưa lên chủ đề "huyền thoại", "siêu hình", sự linh ứng bên trong giữa con người với con người, con người với siêu nhiên - "tương ứng" kiểu Bôđơle" (6).
Những bài thơ Người kỹ nữ Cầu Trò (1973), Người đàn bà điên ở ga Lưu Xá (1977) và Xem hàng độn tóc ở Hàng Đào được bạn bè ưa thích đều phảng phất hơi thơ Bôđơle. Riêng bài Người đàn bà điên ở ga Lưu Xá đã được giáo sư Đỗ Đức Hiểu giới thiệu tiếp sau bài viết về chân dung của nhà thơ Vũ Đình Liên in trong Tạp chí Văn học số 4-1993 nhân dịp mừng thọ nhà thơ 80 tuổi.
Một đêm ở Quy Nhơn, với vẻ mặt buồn và với giọng trầm ấm, ông xúc động kể lại với chúng tôi:
Tết năm 1977, ông lên Cù Vân, huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái ăn tết với bà con, bạn bè. Khi tàu tới ga Lưu Xá, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng mười cây số thì gặp một người đàn bà điên quần áo tả tơi.
Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi
Ai vẽ được thiên tài hội họa
Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời
Trong lúc mọi người xung quanh ngoảnh mặt đi trước "đống rác hôi thối" thì ông lại nhìn người điên "mắt không hề mỏi". Tình yêu thương tràn ngập tâm hồn đã dẫn ông đi vào chiều sâu tâm linh con người để thầm tưởng:
Đống rác kia xưa đã là hoa
Khoảnh khắc ấy, nắng mùa đông tràn qua của sổ toa tàu nhuộm vàng cái thân hình tiều tụy, xác xơ. Trước số phận bi thảm của một con người, với một cái nhìn đầy nhân ái, ông nhận ra cái đẹp, cái thiên thần ở cái xác hôi thối kia - Người đàn bà xấu số này một thời đã là bông hoa ngát hương và xưa kia đã có một mối tình đầu trinh khiết. Ông cho cảnh tượng trước mắt mình "đẹp như một bài thơ Hoa Ác".
Thế là một nhà thơ và một người đàn bà điên, kẻ dưới sàn người trên ghế lặng nhìn nhau:
Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt
Nhẹ căm thù như muốn làm duyên
Tàu tới ga cuối, khách xuống xong, chỉ còn người điên ở lại với toa không. Ông lấy trong túi xách ra một góc bánh chưng, một gói mứt sen nhỏ, hai tay nâng quà tết trao tặng người điên. Hai người chia tay nhau không một lời hò hẹn.
Tôi không ngồi nữa chần chừ bước
Như cả chuyến xe nặng trĩu lòng
Và tết ấy ở Thái Nguyên, vui cùng bà con thân thiết sang xuân nhưng ông vẫn để trong góc lòng một nỗi suy tư vì ai đã "làm hoa kia thành đống rác này". Ông tin rồi cuộc đời và lòng người đổi thay, "tình xót nghĩa thương" sẽ trở về.
Một đóa hoa tàn nay trở lại
Thắm hồng trong buổi mới xuân nay
Mười năm sau (1987), ông viết tiếp bài thơ "Lại gặp người đàn bà điên ga Lưu Xá". Vẫn là một mối tình câm lặng. Nhưng lần này, người đàn bà ẩn hiện trong bóng trăng suông. Cái dáng hình mờ mờ trong trăng ấy đã đưa tiễn nhà thơ tới ga cuối cùng rồi chia tay. Không nói một lời.
Về sau chúng tôi biết thêm: bốn năm sau (1992), kể từ ngày ông vào Quy Nhơn lần cuối, ông còn viết tiếp bài thơ "Người điên - Nàng tiên" khi người đàn bà điên ga Lưu Xá tới thăm ông ở gác Hương Lửa phố Bà Triệu, bấy giờ người ấy đã là một cô gái đẹp:
Thịt da trầm tỏa hương bay
Như hồi đôi tám thơ ngây má hồng
Là một nhà thơ, một "ông đồ hiện đại" - Nhà giáo Nhân dân rất trung thực và khiêm tốn, ông bảo chúng tôi: "Cái nghịch lý trong bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá của tôi gần với cảm hứng của Bôđơle khi ông ta viết bài thơ Những bà già còm cõi (Les petites vieilles)".
Hãy yêu họ, vì dưới những manh quần rách tả
Những tấm áo mong manh, vẫn là những tâm hồn
Ông còn đọc cho chúng tôi nghe đoạn cuối trong bài Gửi em gái xứ Malabar (À une Malabaraise) của Bôđơđe mà ông đã dịch ra tiếng Việt như muốn chứng minh thêm cho điều ông đang tâm sự.
Thân cứng đờ trong manh áo chật
Em phải lê la trong bùn rãnh chúng tôi
Nhặt miếng bánh thừa hay miếng thịt ôi
Đem bán rảo những hương trời sắc nước
Mắt tư lự ngắm nhìn trong sương mù bẩn đục
Tìm những bóng dừa quê hương xa vắng tự bao giờ
Ông giải thích: ở bài thơ này Bôđơle cũng đã nói lên một nghịch lý. Có cô gái da đen yêu đời, đẹp tuyệt vời đã rời bỏ quê hương là xứ Malabar bên bờ biển tây nam Ấn Độ để tới nước Pháp làm nghề kỹ nữ. Sắc đẹp của cô đã làm cho người nghệ sĩ "trầm tư say đắm", các nàng mỹ nhân da trắng "khát khao thèm thuồng". Thế nhưng cô phải sống giữa bùn nhơ trong cảnh "chen chúc, đau khổ bời bời" trên đất Pháp để đến nỗi thân tàn ma dại, tư lự nhớ những ngày vui xưa mà thương xót cho đời mình. Ông cho biết Bôđơle khi viết bài này đã tưởng nhớ người tình da đen say đắm của ông ở Pari.
Ảnh hưởng của Bôđơle đối với thơ Vũ Đình Liên thật sâu đậm, gây nên hạn chế trong thơ ông. Những bạn bè biết nhiều thơ ông sáng tác sau năm 1945 gọi ông là Bôđơle -Liên, những người yêu thích bài thơ Ông Đồ lại gọi ông một cách thân mật là "Ông Đồ", còn ông thì vui vẻ tự nhận mình là "Ông đồ hiện đại" (lettré moderne).
Một tuần lễ được sống gần gũi ông, chúng tôi hiểu sâu thêm cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ lão thành rất mực tình nghĩa, thủy chung.
Ngày rời Quy Nhơn, ông có để lại cho tôi ba bài thơ chép tay: Một bài tặng Hội Văn nghệ Nghĩa Bình, một bài tặng gia đình tôi và bài thứ ba có nhan đề là Tôi có ba trái tim. Ông bảo: trái tim thứ nhất vấn vương sương khói Tây Hồ đất Thăng Long nơi tôi sinh ra, trái tim thứ hai tỏa ngát hương trầm xin thành kính dâng điện Tây Sơn, trái tim thứ ba ôm ấp bóng dừa Bến Tre quê hương cụ Đồ Chiểu.
Trước khi bắt tay anh em giã từ Bình Định ra xe trở về Bắc, ông đọc cho những người đưa tiễn nghe mấy câu thơ trong bài Tôi có ba trái tim.
… Già lâu và trẻ mãi
Như tim Prô-mê-tê
Chết đi và sống lại
Như là thần Ăng-tê
Không phải tim thần thoại
Chỉ là tim người thôi
Yêu đời nên sống mãi…
Ước vọng là thế, nhưng trái tim chan chứa tình thương của nhà thơ Vũ Đình Liên đã ngừng đập mười năm nay. Theo bóng hình những ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ" bên hè phố khi hoa đào nở năm nao, nhà thơ đã là:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
. Nguyễn Xuân Nhân (Hội VHNT Bình Định)
1. Bôđơle-Liên là cách gọi thân mật của bạn bè vì nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Bôđơle.
2. Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội 2000. tr. 65
3. Đỗ Đức Hiểu - Vũ Đình Liên: Nhà thơ - tình thương. Tạp chí Văn học số 4-1993.Tr. 60
4,5. Hoài Thanh Hoài Chân - Sđd. tr. 66
6. Đỗ Đức Hiểu - Tạp chí đã dẫn. Tr. 61 |