Liên hoan (LH) các làng, khu phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Bình Định lần II-2005, vừa diễn ra tại Hội trường Quang Trung (Quy Nhơn) trong những ngày cuối tháng 9, thực sự là một "bữa ăn tinh thần" bổ ích cho người tham gia và người xem, với những "món ăn" đậm đà hương vị dân gian…
|
Các thiếu nữ Ba na ở làng văn hóa Hà Ri (Vĩnh Thạnh) bên sản phẩm bánh Ép của mình tại Liên hoan.
|
* "Cùng tìm hiểu, cùng trả lời"
Về tham dự LH, các đội có dịp được cùng nhau tìm hiểu về chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước qua phần thi "Cùng tìm hiểu, cùng trả lời". Tất cả câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra đều liên quan đến những vấn đề về xây dựng cuộc sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường; về các thủ tục cưới xin, tang lễ, hội hè theo nếp sống mới. Hầu hết các đơn vị đã thể hiện sự hiểu biết vấn đề và trả lời chính xác và đầy thuyết phục, nhất là các thành viên từ các làng văn hóa ở các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh.
Ở phần thi "Tình làng nghĩa xóm", tình huống do các đơn vị đưa ra thể hiện những mâu thuẫn đa dạng và phức tạp phát sinh trong sinh hoạt, lao động sản xuất, kể cả những chuyện nhỏ nhặt trong quan hệ con người. Từ cách nghĩ "láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", các đơn vị đã đưa ra những hướng xử lý vấn đề phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc cũng như những quy định về xây dựng làng văn hóa. Có những trả lời rất xuất sắc như chuyện con gà và xử lý tình huống cây dừa của làng Gia Chiểu II (Hoài Ân), chuyện tình làng nghĩa xóm và xử lý tình huống của làng Trinh Vân Bắc (Phù Mỹ). Khi làng văn hóa Đak Đâm (Vân Canh) trả lời và xử lý tình huống của khu phố 8 - phường Lê Lợi (Quy Nhơn) và ngược lại, người xem đều cảm thấy thật thú vị; các đội đều tìm được tiếng nói chung thông qua cách giải quyết trên nền tảng xây dựng cuộc sống văn hóa.
* "Cùng nhau thi tài"
Một trong những nét mới đáng ghi nhận của LH lần này là sự xuất hiện của phần thi "Làng vui chơi - làng ca hát". Ở phần thi này, Ban tổ chức LH đã mạnh dạn đưa vào hai loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian là hò lao động và thi làm các loại bánh đặc sản Bình Định.
Ở phần hò lao động, các đơn vị đã khai thác được các điệu hò dân gian ở nhiều vùng trong tỉnh như: hò khoan, hò kéo lưới, hò giã gạo, hò đêm trăng, hò đối đáp. Không chỉ thể hiện các điệu hò truyền thống theo lời cổ, một số đơn vị đã đầu tư biên soạn lời mới phù hợp với không khí thi đua lao động và nhịp điệu dựng xây của quê hương. Cũng ở nội dung này, thay cho những điệu hò, các làng văn hóa miền núi đã đem đến cho LH những thanh âm cồng chiêng vang vọng, những điệu múa đặc sắc thể hiện các hoạt động trong sản xuất và lễ hội đồng bào dân tộc thiểu số.
Ấn tượng và sôi động nhất trong LH chính là phần thi làm các loại bánh truyền thống. Các đội không chỉ thể hiện tài năng giã bột, gói, nấu bánh mà còn trình bày rất đẹp sản phẩm của mình.
Ở các huyện đồng bằng thì làm bánh ít lá gai còn ở các huyện miền núi có các loại bánh đặc sản của đồng bào dân tộc. Đó là loại bánh làm bằng nếp, gần giống như bánh ú của người Kinh, dân tộc H’rê gọi là bánh Benhmaonep. Hay như bánh ép của người Ba na.
Già làng Đinh K’Răng, 77 tuổi, người dân tộc Ba na đến từ làng văn hóa Hà Ri (Vĩnh Thạnh) cho biết: "Vào những dịp lễ tết, giỗ chạp, người Ba na không thể thiếu bánh ép. Bánh ép được làm từ gạo nếp, gói bằng lá dong hay lá chuối, buộc bằng lạt giang. Khi buộc bánh thì phải buộc thành đôi với nhau với ước muốn cầu mong cho mọi việc trong tương lai được song toàn, bình an và hạnh phúc".
Chất dân gian còn được thể hiện đậm nét ở phần thi "Giải mã vùng" với nội dung giới thiệu một cách khái quát nguồn gốc, thành tích phát triển kinh tế - văn hóa ở địa phương mình. Các đơn vị đã sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đa dạng như: hát Tuồng, bài chòi, hát đối... tạo sự sinh động, cuốn hút người xem.
* Một sân chơi ý nghĩa
So với LH lần thứ I-2002, LH lần II-2005 đã có sự tiến bộ vượt trội trong công tác tổ chức, số lượng đơn vị tham gia, nội dung chương trình biểu diễn. Đặc biệt, có sự góp mặt của 3 làng văn hóa đại diện cho các đồng bào dân tộc anh em Ba na, Chăm H’roi, H’rê.
Chị Vũ Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện An Lão, nhận xét: "Tôi thấy tổ chức LH như thế này rất hay. Bà con vùng cao nhờ đó mà có điều kiện giao lưu văn hóa, trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa. Riêng bản thân tôi cũng rút ra được nhiều điều rất bổ ích".
. Hoài Thu |