"Văn học tuổi hai mươi" và cuộc hành trình của những người trẻ
8:5', 6/10/ 2005 (GMT+7)

8 tập sách đạt giải thưởng cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần III do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ và Báo Tuổi Trẻ phát động đã ra mắt bạn đọc Quy Nhơn.

Một số tác phẩm đạt giải cao cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần III.

Trước hết, những người tham gia cuộc vận động là những tác giả trẻ. Hầu hết họ đều đang tuổi đôi mươi như Phan Việt, Trần Thị Hồng Hạnh mới 27 tuổi đời. Có người là nhà báo nhưng cũng có người đang làm công việc không gắn với chuyện viết lách vẫn viết như một duyên nghiệp không dễ từ bỏ: Dương Thụy đang làm việc cho một tập đoàn dược phẩm, Trương Anh Quốc là kỹ sư điện còn Phan Việt thì hiện đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ... Có tác giả như Phong Điệp, Thu Trân từng đoạt giải Văn học tuổi 20 các lần trước.

Số lượng tác phẩm dự giải, theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, là gặt hái đầu tiên. Điều đó nói lên rằng: "Trong tình hình khó khăn của văn hóa đọc trước sự tấn công của nhiều phương tiện thông tin nghe nhìn khác, nhưng văn học không mất đi mà ngày càng phát triển mạnh mẽ, không gì thay thế được" như nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận xét.

Nhưng cái gặt hái đáng kể nhất hẳn nhiên phải nói là văn chương. Bài học đầu tiên (Trần Thị Hồng Hạnh), tác phẩm đoạt giải nhất, qua những va vấp đầu đời của một cô giáo mới ra trường, nói lên nỗi băn khoăn, day dứt của tầng lớp trí thức trẻ nói chung, với những khát khao đóng góp của họ. Và nếu Bài học đầu tiên giản dị về câu chữ, miên man suy tưởng thì Phù phiếm truyện (Phan Việt), giải nhì, là sự bứt phá trong phong cách và sâu sắc trong tư tưởng. Đây là một cây bút nhiều hứa hẹn bởi trong tác giả nữ trẻ này không chỉ hàm dưỡng ngồn ngộn chất liệu sống mà cả vốn trí thức.

Cũng phải nói thêm, trên thực tế, thời gian qua, không ít cây bút trẻ nổi đình nổi đám một thời gian rồi sau đó, dần… mất hút cũng có nguyên nhân một phần là do tiềm lực vốn sống của những cây bút này còn cạn. Có thể kể vài người trong số này là Nguyên Hương sau Quà muộn (giải nhất Văn học tuổi 20 lần đầu năm 1995), tuy đến nay đã ra hơn mười đầu sách hay tác giả của Những ngọn đèn không tắt nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (giải nhất Văn học tuổi 20 lần 2 năm 2000) vẫn hút hồn người đọc ở chất Nam bộ dạt dào, nhưng để nói rằng họ đã vươn lên, trở thành tâm điểm của những bứt phá trong văn trẻ hôm nay thì vẫn chưa hẳn.

Ta tìm thấy trong tập sách này, từ những câu chuyện vụn vặt, đơn sơ của đời sống, đến những nghĩ ngợi thật sâu về cuộc sống, về con người. Từ câu chuyện của những thủy thủ lênh đênh trên biển, thân phận của những con người vì nghèo khổ mà phải bỏ xứ ra đi, trôi dạt trong cuộc đời, đến chuyện một ông già nặn tò he và cô gái trẻ, hay những cô gái làm việc cho các công ty nước ngoài trong các cao ốc… Và hẳn nhiên, từ những câu chuyện, đôi khi có vẻ tầm phào như thế, lại hé mở phần nào chiều sâu tâm tư tình cảm, những trăn trở, ước mơ và hoài bão của những người trẻ.

Nhưng một khi đây là những cây bút trẻ, lại viết về những người trẻ, thì hẳn người đọc không thể tự bằng lòng với những thu lượm ấy. Bởi trong khái niệm cây bút trẻ đã bao hàm phần nào ước muốn về những bước đột phá trong cách viết, trong cách nhìn nhận cuộc sống. Vậy mà, ngay tác phẩm đạt giải cao nhất: Bài học đầu tiên kỹ thuật chững chạc nhưng không mới. Cách nhìn nhận vừa nghiêm túc, vừa giễu cợt, có phần hơi tinh quái của tác giả này hầu như ta cũng bắt gặp ở nhiều cây bút trẻ khác, nhưng cách viết lại có phần khá "cổ truyền" nên tạo ấn tượng như… già trước tuổi. Cảm giác về tính chân thật trong cách viết, tưởng như tác giả đưa vẹn nguyên một mảng đời sống vào tác phẩm, còn bắt nguồn từ lý do tác giả của nó cũng từng là nhà giáo, nhưng khi đụng đến những mảng khác của cuộc sống, liệu tác giả có chững chạc, sâu sắc được như vậy không. Hành trình của những người trẻ của Dương Thụy (giải ba) cũng tạo cho người đọc cảm giác như vậy. Và độc giả không khỏi đặt ra câu hỏi về độ bền của cây bút trẻ.

. Lê Viết Thọ

 

8 cuốn sách đạt giải Văn học tuổi 20 lần III:

Bài học đầu tiên (giải 1) của Trần Thị Hồng Hạnh, dày 140 trang, giá 21.000đ.

Phù phiếm truyện (giải 2) của Phan Việt, dày 210 trang, giá 29.000đ.

Sóng biển rì rào (giải 2) của Trương Anh Quốc, dày 140 trang, giá 22.000đ.

Ngũ tử cướp cái (giải 3) của Trần Quốc Toàn, dày 150 trang, giá 22.000đ.

Hành trình của những người trẻ (giải 3) của Dương Thụy, dày 116 trang, giá 18.000đ.

Ngã ba (giải 4) của Nguyễn Thị Việt Nga, dày 314 trang, giá 40.000đ.

Lạc chốn thị thành (giải 4) của Phong Điệp, dày 300 trang, giá 39.000đ.

Bốn người nhẹ như chiếc lá (giải 4) của Thu Trân, dày 160 trang, giá 23.000đ.

8 cuốn sách này hiện đang bán tại các quầy sách thuộc Công ty Sách - Thiết bị Bình Định tại Quy Nhơn.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một bản Truyện Kiều cổ có niên đại Minh Mệnh thứ 15  (05/10/2005)
Phù Mỹ: Hội thi "Thôn nữ giỏi giang - duyên dáng" lần thứ nhất  (05/10/2005)
Đậm đà hương vị dân gian  (04/10/2005)
Phát hiện gần 1.400 bài đăng báo của Ngô Tất Tố  (04/10/2005)
Phường Nguyễn Văn Cừ đoạt giải nhất   (04/10/2005)
Bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị (*)  (04/10/2005)
Lối cũ ta về…  (03/10/2005)
Làng Trung Tín I đoạt giải nhất  (03/10/2005)
Những kỷ niệm cuối đời của nhà thơ Vũ Đình Liên với Bình Định  (02/10/2005)
Về một bài thơ tình giản dị  (30/09/2005)
Họa sĩ Lan Hương: Yêu quê hương qua từng nét vẽ  (30/09/2005)
Ở ngôi nhà số 12 Bến Chợ  (29/09/2005)
Đã tỏa sáng đêm tháng 7 ở thành Đồ Bàn  (28/09/2005)
Con số 10 trong bài ca dao "Mười cái trứng" (*)  (27/09/2005)
GS Hoàng Chương - cánh chim không mỏi  (27/09/2005)