Giữ hồn trống trận Tây Sơn
14:4', 7/10/ 2005 (GMT+7)

Trống trận Tây Sơn là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc cổ truyền. Hơn thế, đây là một giá trị tinh thần mà qua bao biến động lịch sử, người dân đất Tây Sơn còn giữ được đến ngày nay.

* Người giữ hồn trống

 

Chị Nguyễn Thị Thuận đang thao diễn trên dàn 12 trống.

Từ lúc 6, 7 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Thuận đã lắng lòng mình cùng với tiếng trống của những ngày lễ ở đình Kiên Mỹ, nơi thờ Tây Sơn tam kiệt (nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Chẳng là cụ Nguyễn Đào, cha chị, là người phụ trách nhạc lễ của ngôi đình này. Để rồi, những buổi trưa vắng, những lúc rảnh, chị lại lấy lon sữa bò, chén ăn cơm ra tập đánh thử. Người cha, thấy vậy, dồn hết tinh túy nghề cho người con gái nhỏ.

10 tuổi, cô bé Thuận đã đánh thông thạo dàn 12 trống. Chị Thuận tâm sự: "Cũng có những lúc khó khăn, có lúc, người ta mời đi nơi này nơi khác làm việc, có thể là sẽ sung sướng hơn, nhưng cứ nhớ lại lời cha dặn: con phải giữ được truyền thống này, mà mình không thể dứt. Rồi gắn bó, rồi trụ lại với nghề cho đến tận bây giờ".

Vậy là chị Thuận đã thành truyền nhân đời thứ 9 của một dòng họ truyền thống nhạc võ, có từ thời Tây Sơn.

Gìn giữ cho một truyền thống, những ngày sau giải phóng, chị Thuận tham gia phong trào văn nghệ của xã để lấy công điểm, nuôi người mẹ già bị lòa. Sau này, chị gặp anh Dương Thanh Sơn, chồng chị bây giờ. Nghề thợ nề của anh Sơn nuôi sống gia đình, và chị có thời gian trau chuốt cho tiếng trống.

Năm 1979, Bảo tàng Quang Trung được thành lập, tiếng trống trận Tây Sơn từ đây ngày ngày lại vang lên, níu chân du khách khi đến Bình Định.

Bây giờ, ngồi trong nhà diễn võ của Bảo tàng Quang Trung, xem và nghe chị Thuận đánh trống, ta như nghe có tiếng quân đi, tiếng voi thét, tiếng binh khí, rồi tiếng hò vang dội ba quân, có cả cái rộn rã lòng người ca khúc khải hoàn. Những thanh âm ấy rần rật chảy vào tâm hồn người nghe. Khi biểu diễn, đôi tay chị Thuận như múa trên những mặt trống. Cùng với những thanh âm, lúc nhặt khi xuất quân, lúc dồn dập khi công thành, mà người đánh cứ nhẹ nhàng như thể đang thi triển một bài võ đã luyện thật nhuần. Chỉ có đôi mắt, khuôn mặt như sáng lên theo từng nhịp trống.

* Hồn thiêng sông núi

Linh hồn nhạc võ Tây Sơn là 12 chiếc trống, hẳn là tượng trưng cho thập nhị địa chi, lại dựng thành dàn 3 hàng từ lớn đến nhỏ. Bốn trống lớn, đường kính khoảng 40 phân, sau đó là bốn trống 30 phân rồi 4 trống khoảng 10 phân. Người cử trống dùng hai roi (dùi) trống, dài khoảng 30 phân, đánh bằng cả hai đầu, trên cả mặt trống lẫn tang trống.

Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi; xuất trận, xung trận - công thành, ca khúc khải hoàn và điều đặc biệt nhất là không hề có hồi lui quân như trống trận các triều đại khác. Điều này cũng thật dễ hiểu vì trong cuộc đời cầm quân của mình, Quang Trung chưa một lần phải lùi bước trước kẻ thù.

Nếu hồi xuất quân, mở bằng ba hồi trống đổ dõng dạc, như biểu dương lực lượng, rồi tiếng trống lúc dồn dập, khi khoan thai như diễn tả cảnh tiến quân nhanh, chậm, rồi tất cả các nhạc khí khác của dàn nhạc võ bặt đi để dành cho tiếng trống khoan thai, như cái yên lắng của quân lính lúc bí mật áp sát mục tiêu, chuẩn bị công thành. Khí thế dồn dập, ấy là lúc hãm thành, nhịp trống nhặt hẳn lên. Kết là khúc khải hoàn vui tươi, sôi nổi. Điều thú vị là trong hồi này, hội đủ cả 12 tiếng của 12 trống.

* Và giữ nhịp cho trống

Đến Bảo tàng Quang Trung, hẳn nhiên, ai cũng muốn một lần xem chị Thuận đánh trống. Nhưng tiếp bước chị Thuận, còn có anh Dương Mạnh Hùng, cô bé Hoàng Mai. Hoàng Mai, cô gái có vóc dáng bé nhỏ, mảnh mai, cũng đã yêu tiếng trống ngay từ nhỏ, trong không gian thiêng của Bảo tàng Quang Trung trong những lần theo mẹ vốn cũng làm việc trong Bảo tàng. Để rồi từ chỗ biểu diễn võ thuật (Mai học võ từ nhỏ), Mai được anh Nguyễn Xuân Hổ, người phụ trách đội nhạc của Bảo tàng, truyền thụ tinh hoa nghề trống.

Còn như chị Thuận, nay cũng đang tích cực truyền nghề lại cho con gái là Dương Thị Hương, 23 tuổi. "Tôi dành dụm, nay một ít, sau một ít mới sắm được dàn trống để tại nhà, cũng đủ 12 trống. Cái chính là để dạy cho con gái và mấy đứa trẻ trong xóm yêu tiếng trống. Đến nay, con bé cũng tạm học xong ba hồi trống, có điều vẫn chưa điêu luyện lắm và còn phải tập nhiều" - chị Thuận nói.

Nhìn chị Thuận, nhìn cô bé Hoàng Mai, tôi lại nhớ đến lớp lớp những nghệ nhân như Văn Bá Anh, tay trống bậc thầy của nghệ thuật hát bội Bình Định, cũng là người đã từng biểu diễn bài trống trận Tây Sơn. Đến anh Đức Dậu, quê tận Hà Tây, hiện đang làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn rất mê và đã học để biểu diễn khá thành công trống trận Tây Sơn.

Tuy nhiên, để giữ hồn trống trận Tây Sơn một cách đầy đủ đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu, thống nhất về bài bản.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Huỳnh Kim Bửu, Từ Dạ Linh   (07/10/2005)
Album mới: Chat với Mozart   (07/10/2005)
"Văn học tuổi hai mươi" và cuộc hành trình của những người trẻ  (06/10/2005)
Một bản Truyện Kiều cổ có niên đại Minh Mệnh thứ 15  (05/10/2005)
Phù Mỹ: Hội thi "Thôn nữ giỏi giang - duyên dáng" lần thứ nhất  (05/10/2005)
Đậm đà hương vị dân gian  (04/10/2005)
Phát hiện gần 1.400 bài đăng báo của Ngô Tất Tố  (04/10/2005)
Phường Nguyễn Văn Cừ đoạt giải nhất   (04/10/2005)
Bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị (*)  (04/10/2005)
Lối cũ ta về…  (03/10/2005)
Làng Trung Tín I đoạt giải nhất  (03/10/2005)
Những kỷ niệm cuối đời của nhà thơ Vũ Đình Liên với Bình Định  (02/10/2005)
Về một bài thơ tình giản dị  (30/09/2005)
Họa sĩ Lan Hương: Yêu quê hương qua từng nét vẽ  (30/09/2005)
Ở ngôi nhà số 12 Bến Chợ  (29/09/2005)