Nhiều lúc, chúng tôi tự hỏi rằng giữa lịch sử văn hóa vùng đất mà mình đang sống đối với ngòi bút của mình có mối ràng buộc thiêng liêng bí ẩn nào để khiến những trang viết ngày hôm nay cứ chập chờn hồn vía về một thời gian đã xa, xa tít đến nghìn trùng.
|
Tác phẩm Huyền tích kinh xưa |
Ngàn xưa không phải là một khái niệm tôn giáo, nhưng nó tích chứa trong đó niềm tín ngưỡng về cốt cách và tâm khảm của thời gian, sự dung thông huyền nhiệm giữa đất nước và công dân, giữa cộng đồng và cá thể, giữa vĩnh hằng và hữu hạn, giữa dân tộc và đời người, giữa ức triệu và một hai, những bùng vỡ và kết tinh của các giá trị bền vững, cao và sâu, đẹp và sáng, hừng hực cuồng say và nhẹ nhàng thấm đượm…
Điều mà sử sách thường gọi là bốn ngàn năm dòng giống Lạc Hồng sẽ nối tiếp mãi để lần lượt hàm chứa trong đó từng ba vạn sáu ngàn ngày của mỗi chúng ta. Có lẽ chính lòng yêu mến lịch sử văn hóa đến quặn lòng, đã khiến chúng tôi tìm về cái hồn Việt ngàn năm của mảnh đất mà mình đang sống, nhận mặt nhân dân qua luống cày, qua bến sông, qua cả huyền ảo mây trời để nghe âm vang ấm cúng của bọc trứng Tiên Rồng, của năm mươi người con lên non, năm mươi người con xuống biển.
Chúng tôi ăn hạt cơm của đồng lúa Bình Định hào hoa và dầu dãi, tắm gội mưa nắng của miền Trung gian lao và sầu mộng, và nghe trong đó tất cả sự gập ghềnh và thao thiết Việt Nam, sự thâm trầm và sâu sắc Việt Nam, sự thử thách và bao dung Việt Nam. Trên những nẻo đường hòa điệu và sinh sôi trong hành trình lịch sử văn hóa Việt, chúng ta có Bình Định, trong Bình Định, chúng ta có An Nhơn.
Ai là người Bình Định mà chẳng từng có chút âm vang của tiếng ru hời, của những huyền tích mang mang thiên cổ, những tiếng ru và huyền tích gói trong lòng nó bóng dáng những điện các rêu phong và xiết bao trường đoạn của mảnh đất, con người. Ai là người Bình Định yêu mến lịch sử và văn hóa mà không cảm khái về vùng đất mình đang sống từng đọng bóng những kinh thành tráng lệ và bên cạnh nó là tầng tầng lớp lớp những gia sản hữu thể lẫn vô thể, đến nỗi những hồi niệm chói chang bất chấp cả những làn rêu mờ, những ký ức hiên ngang hiện tồn trên từng mảnh đá gầy, sự đĩnh đạc thế tộc lan tỏa qua một mùi rượu ấm…
Cuộc hành trình phong sương của tiếng Việt, từ chữ Nôm đến chữ La tinh, có sự đóng góp không nhỏ của Bình Định. Ấy là việc Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản nhà nước. Ấy là việc các nhân sĩ bản địa đồng sáng tạo cùng những trí giả Tây phương trong đó chủ trì là Alechxandre de Rhode hoàn chỉnh dần những ký tự để ra đời từ điển Việt - Bồ - La.
An Nhơn giữa lòng Bình Định, người là ai? Chúng tôi đau đáu câu hỏi ấy và cố gắng nhặt nhạnh, kiếm tìm, từ gương mặt Việt Nam nói chung, gương mặt Bình Định nói riêng, từng hơi thở, từng chút âm thanh, từng giọt ánh sáng của xứ sở núi sông, thành quách, chùa tháp diệu vợi mà chúng tôi gọi chung là "vùng thành Hoàng Đế", cụm từ gợi những ký ức huy hoàng và phong ba của lịch sử, một trong những danh xưng của vùng đất mà ấn tượng của nó có thể nói là xuyên tuế nguyệt.
Di sản văn hóa Chiêm đô, Tây Sơn đô hiện nay còn tồn tại rất tập trung trên đất Bình Định, đặc biệt là An Nhơn, trong đó sừng sững thành trì, đền tháp, phù điêu, tượng đá hoặc các bảo vật hoàng cung… Thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn tọa lạc trên khu vực thành Đồ Bàn mở rộng, gần đây đang được khai quật khảo cổ, chuẩn bị cho hội thảo khoa học và xúc tiến trùng tu. Mảnh đất này từng in dấu chân bao nhiêu vua chúa, tướng lĩnh, nho sĩ, mỹ nhân của các triều đại phong kiến Đại Việt, đặc biệt là sự kiện 1306, Huyền Trân công chúa lên kiệu hoa về làm hoàng hậu Chăm Pa và sự kiện 1471, vua Lê Thánh Tông đề thơ ở dải giang sơn gấm vóc hữu tình.
"Quy Nhơn thang mộc địa - Khu Hoãn ỷ khôi thạc" (Quy Nhơn là đất tắm gội của vua, vùng trọng yếu phải dựa vào bậc anh tài nắm giữ), mấy dòng thơ thời Tây Sơn của danh thần Phan Huy Ích như xác tín một vị thế trong truyền thống. Sự phát tích và lập thân của các anh hùng và thi nhân xứ sở này có liên quan đến mạch đập của truyền thống với sự va đập, hội ngộ giữa các dòng văn hóa và thời thế, cảnh huống.
Phía tây nam thành Đồ Bàn là thành Cha và phía đông nam là thành Thị Nại. Đây là một thương cảng quan trọng, biểu thị cái nhìn hướng biển từ xa xưa mà theo thư tịch cổ thì từ thế kỷ VII - X, nhiều thuyền buôn từ Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư, Srivijaya đều có ghé đến. Thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc cũng từng tiếp các doanh nhân phương Tây đến kinh thành Hoàng Đế qua cảng Thị Nại.
Thuở sơ khai, tỉnh Bình Định hiện nay đã trải qua các tên gọi là phủ Hoài Nhân rồi phủ Quy Nhơn, bao gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Huyện An Nhơn được thành lập vào thế kỷ XIX, là đất tập trung của các di sản văn hóa Bình Định, nơi tọa lạc của thành Cha, thành Đồ Bàn, phủ thành Quy Nhơn, thành Hoàng Đế, thành Bình Định, xứ sở mà người Bình Định thường dùng các mỹ từ để mệnh danh: "Đất Vua", "Kinh Xưa", "Bàn Thành", "Bình Thành". Cùng với dải đất thân yêu từ Bình Đê đến Cù Mông, mảnh đất này là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử văn hóa lớn.
Thời hiện đại, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và công cuộc xây dựng huyện nhà từ sau giải phóng đến nay, mảnh đất An Nhơn không ngừng lập nên nhiều thành tích, phát triển mọi mặt, xứng đáng với truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương Bình Định anh hùng.
Từ năm 1999, Huyện ủy, UBND huyện An Nhơn đã quyết định đầu tư thực hiện một công trình văn hóa chí của huyện nhà và mời chúng tôi thực hiện. Tinh thần nung nấu sáng tạo của chúng tôi đã gặp gỡ ý tưởng của những người lãnh đạo huyện nhà, cả hai thúc đẩy việc thâm nhập thực tế, lần giở những pho thư tịch cổ khắp bốn phương trời, ngõ hầu ký họa chân dung của một vùng đất vang bóng. Chúng tôi đã đăng ký công trình này và được Hội đồng khoa học của Hội Văn nghệ Dân gian đưa vào danh mục công trình tài trợ sáng tạo của Chính phủ năm 2003.
Năm 2004, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Khoa học Xã hội công bố lần đầu với tên gọi Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế. Ban Thường vụ Huyện ủy An Nhơn đã quyết định xuất bản công trình với tên gọi Huyền tích Kinh xưa - Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế trên cơ sở công trình Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế có bổ sung một vài đề mục để người đọc hình dung đầy đủ hơn về một vùng đất nhiều huyền tích trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Công trình Huyền tích Kinh xưa - Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế được xuất bản nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện An Nhơn nhiệm kỳ 2005-2010. Trong điều kiện thời gian cấp bách, các thủ tục xuất bản và việc in ấn đã được sự giúp đỡ chí tình của nhiều đơn vị và cá nhân các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương cũng như địa phương. Chúng tôi xin chân thành cám ơn Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Vụ Văn nghệ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Cục Xuất bản Bộ VHTT, Cục Bản quyền tác giả Bộ VHTT, Viện Nghiên cứu văn hóa, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Huyện ủy, UBND huyện An Nhơn đã tích cực giúp đỡ để công trình kịp thời ra mắt kịp thời phục vụ những đại biểu trong Đại hội Đảng bộ huyện nhà cũng như độc giả An Nhơn, Bình Định và những ai yêu mến xứ sở này.
Ngoái lại cả một đoạn đường thực hiện đã trôi qua, từ 1999 đến nay, chúng tôi muốn nói lời tri ân với tất cả, trong đó đặc biệt là những vùng quê mà hằng tháng hằng năm in dấu chân lặn lội của mình, những người dân từ bậc bô lão cho đến người tóc xanh, đã nhiệt tình hướng dẫn và cung cấp những tư liệu sống mà họ được các thế hệ cha ông lưu truyền. Tấm lòng của mảnh đất con người xứ sở này đã cho chúng tôi niềm cảm hứng bất tận và những gì chúng tôi thể hiện ra chỉ được xem là hữu hạn. Hồn sông núi nơi đây mãi còn là nguồn mạch dồi dào mà bút mực của một thời đoạn không thể gói ghém hết, kính mong được sự lượng thứ. Chúng tôi xin trân trọng đa tạ.
Thành Hoàng Đế, cuối Thu 2005
. Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang |