|
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn |
Một nhạc sĩ người Bình Định đã hòa mình vào giữa nhịp đập của trái tim đất nước trong những ngày tháng sục sôi đấu tranh của phong trào học sinh - sinh viên các đô thị miền Nam và những tháng ngày bắt tay xây dựng đất nước sau ngày giải phóng. Đó là nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, còn có bút danh là Đoàn Công Nhân, sinh ngày 29-9-1943. Thời trung học, ông học trường La San ở Quy Nhơn. Tại đây, ông bắt đầu được học nhạc. Đậu tú tài, ông được mẹ thưởng cho chiếc radio 4 băng. Qua chiếc đài này, những bài hát cách mạng phát liên tục trên sóng phát thanh miền Bắc đã ngấm vào tâm hồn chàng trai trẻ, khơi gợi, đòi hỏi tâm hồn ấy niềm kiêu hãnh của dân tộc. Ông tập tành sáng tác ca khúc từ đó.
Năm 1966, từ Bình Định, Trần Long Ẩn vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa. Đó cũng là thời kỳ các đô thị miền Nam đang ngùn ngụt với phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Trần Long Ẩn nhanh chóng tham gia phong trào yêu nước của sinh viên miền Nam. Khi ấy, hàng vạn sinh viên, hàng vạn trí thức đang rất cần một giai điệu hùng tráng để họ bừng tỉnh, hiểu được những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Sẵn năng khiếu âm nhạc, cùng với các nhạc sĩ như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh..., Trần Long Ẩn đã thức thâu đêm để sáng tác các bài hát phục vụ cho phong trào.
|
Học sinh, sinh viên xuống đường chống Mỹ - nguồn cảm hứng cho các ca khúc yêu nước của Trần Long Ẩn trước năm 1975. Ảnh TL |
"Người mẹ Bàn Cờ", "Hát trên đường đấu tranh", "Hành khúc thành phố", "Hoa lục bình"... đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Và những bài hát này cùng với các bài hát trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đã kết nối học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thành một khối thống nhất đầy căm hờn. Sài Gòn gọi, Cần Thơ, An Giang, Huế, Đà Nẵng rùng rùng đáp lời.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã đi khắp nơi để cảm nhận và viết về những miền đất, chủ yếu là miền Đông và Tây Nam bộ. Tình đất đỏ miền Đông, ca khúc viết theo phong cách dân ca Nam bộ, ra đời ngay sau những ngày giải phóng. Ca khúc này viết về một vùng đất ông từng có nhiều gắn bó. Tình đất đỏ miền Đông đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976. Về miền Tây, ông lại cảm xúc viết bài Đàn sáo Hậu Giang... Tính ra, ông đã có cả trăm ca khúc khác nhau viết về các miền đất. Còn với Bình Định, quê hương mình, thì ông đã có: Trên quê hương Nguyễn Huệ, Hát về thành phố biển Quy Nhơn.
Những năm gần đây, Trần Long Ẩn bắt tay vào sáng tác thơ giao hưởng với hy vọng thơ giao hưởng sẽ dễ hiểu hóa ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng để được nhiều người hiểu và yêu thích. Mặt trời và ánh lửa là một tác phẩm như vậy. Tác phẩm này có thời lượng hơn 13 phút, trong đó có trích các ca khúc: Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Người mẹ Bàn Cờ và Tình đất đỏ miền Đông.
Ca khúc của Trần Long Ẩn vừa da diết tình cảm vừa phảng phất chất triết lý. Ông từng tâm sự: "Tình yêu là sự sống vĩnh cửu của con người mà tạo hóa đã ban cho con người và muôn loài. Chính tình yêu đó lan tỏa thành sức sống. Dù là tình yêu của mỗi cá nhân, ta cũng thấy nó luôn gắn với xã hội. Khi tôi viết những bài tình ca cho riêng tôi thì tôi để đó chơi hoặc hát cho bạn bè nghe. Còn khi đưa tác phẩm ra xã hội thì tôi phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình và với xã hội".
Cũng chính từ quan niệm như vậy, dấu ấn âm nhạc của ông đọng lại, vẫn là những bài hát mang hơi thở cuộc sống. Một rừng cây, một đời người là một trong những bài hát như vậy. Trách nhiệm xã hội, ý thức công dân - những vấn đề tưởng rất khô khan nhưng được thể hiện dưới hình ảnh vừa cụ thể, vừa giản dị, ca từ trong sáng, đẹp, âm nhạc da diết, như nhắn nhủ, như một tâm sự ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ gian khổ sẽ dành phần ai… Tất cả đã làm cho ca khúc đi vào lòng người thật ngọt ngào.
Bao giờ cũng vậy, âm nhạc của ông vẫn là những lời ca "Xin hát về bạn bè tôi/ những người sống vì mọi người".
. Thạch Trung |