Nằm trong khuôn khổ Hội thi Nghiệp vụ sư phạm - Văn nghệ - Thể thao (NVSP - VN - TT) các trường Sư phạm toàn quốc lần thứ III - 2005", phần thi văn nghệ đã thực sự đem lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho người xem. Hòa quyện trong từng lời ca điệu múa là những sắc màu văn hóa đến từ mọi miền đất nước, tất cả như hội tụ về phố biển Quy Nhơn để cùng nhau ngân vang bài ca "Người giáo viên tương lai"…
|
Tiết mục múa "Cung bậc cao nguyên" của Trường CĐSP Kon Tum.
|
* Rực rỡ sắc màu văn hóa
Hội thi văn nghệ mang chủ đề "Người giáo viên tương lai" đã diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13-10 tại hai địa điểm là Đại học Quy Nhơn và nhà hát Quang Trung, với sự tham gia của 47 trường đại học, cao đẳng, trung học sư phạm trong cả nước. Chương trình biểu diễn văn nghệ của các đội đã thể hiện được truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh nghề giáo cũng như nói lên những ước mơ, tình cảm của tuổi trẻ sinh viên dưới mái trường sư phạm. Đồng thời cũng nêu bật lên được tình yêu đối với quê hương, đất nước, với Đảng và Bác Hồ.
Thông qua lời ca điệu múa, các trường đã vẽ lên những "bức tranh văn hóa" đầy màu sắc mang đậm đặc trưng của địa phương mình. Đó là những sắc thái văn hóa của các dân tộc miền núi phía bắc với những cô gái Hơ Mông nổi bật trong trang phục và những điệu múa truyền thống (CĐSP Bắc Kạn), là tiếng sáo mèo réo rắt trong "Xuân về trên bản Mông" (CĐSP Sơn La)… Đồng bằng bắc bộ xuất hiện với những "liền anh liền chị" đất Kinh Bắc, giọng ca của họ thật trữ tình trong những câu dân ca quan họ "Tình trúc mai" (CĐSP Bắc Ninh). Những chàng trai cô gái Khơme cũng thật rực rỡ trong những tiết mục múa mang đậm dấu ấn phương Nam (CĐSP Sóc Trăng, CĐSP Kiên Giang).
Nhưng tạo được không khí sôi động nhất trong phần thi văn nghệ chính là các đội Tây Nguyên. Trường CĐSP Kon Tum đã dẫn dắt người xem đến với dòng sông Đakbla "Nước chảy ngược dòng mỗi khi hoàng hôn về"; đến với những lễ hội cầu mưa, lễ hội đâm trâu của dân tộc Ba na, Sê Đăng thông qua tiết mục múa "Cung bậc cao nguyên" (do chính nghệ nhân dân tộc ABrôm đạo diễn). Trường CĐSP Đắk Lắk đến từ "Vùng đất của huyền thoại Đam San đi tìm nữ thần mặt trời, nơi có đỉnh núi Chư Giang Sin hùng vĩ" đã giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa núi rừng của mình, qua việc biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc với dàn chiêng Aráp M’ô và kèn Đinh Tút trong tiết mục "Hội buôn mừng ngôi trường mới".
* Ấn tượng và độc đáo
Điểm đáng ghi nhận trong cuộc thi văn nghệ lần này đó chính là có rất nhiều đoàn đã có sự đầu tư về nội dung chương trình rất tốt, những tiết mục độc đáo, gây ấn tượng mạnh đối với ban giám khảo và người xem.
Nếu như các giọng ca sinh viên chưa có nhiều gương mặt nổi trội thì ở phần múa số lượng tiết mục xuất sắc rất nhiều, các tác phẩm đều được dàn dựng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như: "Sắc quê" (CĐSP Hồ Chí Minh), "Tre Việt Nam" (CĐSP Hà Nam), "Một thoáng Tràng An" (CĐSP Hà Nội), "Hoa đất phù sa" (CĐSP Sóc Trăng)… Hoặc tiết mục múa "Hồn đá" (CĐSP Ninh Thuận) đã hoàn toàn chinh phục người xem với cách thể hiện đầy mới lạ. Một số tiết mục múa cũng rất thành công khi mang ý nghĩa giáo dục cao như kịch múa "Người con gái đất Giồng" (CĐSP Kiên Giang) nói về Mai Thị Hồng Hạnh, người con gái anh hùng đất Giồng Riềng.
Nhạc sĩ Chung Thế Nghiệp, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Định, Ủy viên ban giám khảo hội thi văn nghệ, nhận xét: "Hội thi năm nay có rất nhiều tiết mục văn nghệ đạt chất lượng cao, nhất là các tiết mục múa và biểu diễn nhạc cụ. Có tiết mục hết sức độc đáo như song tấu "Đàn chén" của CĐSP Bình Thuận".
|
Tiết mục múa "Hướng tới ngày vui" của Trường CĐSP Sơn La.
|
Riêng Bình Định có hai đội dự thi là ĐH Quy Nhơn và CĐSP Bình Định. ĐH Quy Nhơn tham gia với 6 tiết mục văn nghệ trong đó có hai tiết mục gây chú ý là độc tấu đàn Nguyệt "Tình quân dân" (sinh viên Hoàng Việt) và múa "Hoa xuân đất nước" (biên đạo Thu Hương), nhưng hi vọng giành huy chương vàng còn trông chờ vào đơn ca "Họa my hót trong mưa" của Anh Ánh. CĐSP Bình Định cũng tham gia với 6 tiết mục, với nội dung chương trình bám sát và đáp ứng tốt chủ đề của hội thi.
Khi bài báo này lên mạng thì Hội thi văn nghệ cũng đã gần đến hồi kết thúc. Hơn 200 tiết mục văn nghệ của 47 đội tham dự đã đem về cho phố biển Quy Nhơn những âm vang của "bản hợp ca văn hóa Việt Nam". Tạm biệt những lời ca tiếng hát rộn ràng, tạm biệt những đêm văn nghệ đầy ắp khán giả, bỗng cảm thấy có một chút tiếc nuối, vì chương trình văn nghệ của hai đội chủ nhà còn chưa nổi trội giữa rừng hoa văn nghệ của các trường sư phạm cả nước.
. Hoài Thu |