Nền thơ ca Việt Nam vốn rất dồi dào những bài thơ tình yêu đôi lứa. Giữa muôn sắc màu, giữa muôn cung bậc, những bài thơ viết về người vợ của các thi sĩ xưa nay lập thành một vẻ đẹp riêng. Không thật đầy đủ nhưng những bài thơ được nói tới dưới đây sẽ giúp cho ta thấy được giá trị của tình cảm vợ chồng…
1. Có lẽ, Nguyễn Trãi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết về đề tài này. Trong Quốc âm thi tập, người đọc bắt gặp bài thơ sau đây:
Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoài ấy dầu còn áo lẻ
Cả lòng mượn lấy đắp hơi cùng
Nguyễn Trãi viết bài thơ này lúc đang ẩn dật tại Côn Sơn. Khi đó "khách lầu hồng " - bà Nguyễn Thị Lộ, vợ ông - đang làm việc tại kinh thành Thăng Long, trong cung vua. Hẳn là Nguyễn Trãi đang rất cô đơn, đang rất khao khát tình vợ. Lời thơ " đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng " thật tha thiết và cũng không kém phần khắc khoải. Nhà thơ Xuân Diệu đã thật có lý khi gọi đây là bài thơ "kêu gọi tình yêu ".
Bài thơ này giúp cho người đời sau thêm cảm thông với cảnh ngộ ẩn dật cũng như nhu cầu hạnh phúc của thi nhân trong đời sống vợ chồng.
2. Các nhà thơ trung đại ít viết về người vợ. Nhưng điều đó không có nghĩa thơ ca trung đại hiếm những bài thơ hay. Chúng tôi muốn đề cập tới bài thơ Thương vợ của nhà thơ Tú Xương. Đây là bài thơ được ca ngợi rất nhiều trong thời đại của chúng ta.
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước lúc đò đông…
Bài thơ đường luật 8 câu 56 chữ này đã khắc họa được một cách sinh động hình ảnh người vợ hiền sớm hôm tần tảo, quanh năm thân cò lặn lội buôn bán để có thể "nuôi đủ năm con với một chồng ". Gánh nặng gia đình đặt trọn lên đôi vai của bà Tú. Nhà thơ Tú Xương hiểu rõ điều đó lắm nên giọng thơ Thương vợ là chân thành, đề cao.
Là con người trào phúng nhưng Thương vợ được viết ra không nhằm mục đích gây cười. Bài thơ là sản phẩm của một cảm xúc nghiêm chỉnh và tràn đầy, một tâm sự thực của nhà thơ. Rõ ràng, Tú Xương rất yêu vợ, thương vợ nhưng biết mình không làm được gì thiết thực. Cho nên, ông chỉ biết ngậm ngùi và than thở thay cho vợ: "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không".
3. Văn học kháng chiến chống Pháp đã trình ra một dòng thi ca tràn đầy tinh thần cách mạng. Bên những bài thơ về tình yêu quê hương, tình đồng đội chiến đấu hi sinh, người đọc đã hết sức ấn tượng với tác phẩm Nhớ vợ của một tác giả người Thái tên là Cầm Vĩnh Ui. Bài thơ độc đáo về cách nói, về thái độ, tình cảm của người lính (dân tộc) giữa thời điểm cuộc chiến tranh hết sức ác liệt.
Tôi nhớ vợ tôi lắm
Cho tôi về hai ngày
Người lính không giấu diếm nỗi nhớ vợ của mình với thủ trưởng đơn vị. Anh ta đề nghị được cho về thăm nhà hai ngày. Mục đích về thăm vợ là để đánh giặc được tốt hơn:
Tôi sẽ bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ
...
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng.
Thủ trưởng (và người đọc thơ) dễ suy luận theo lối này: về thăm nhà, đường sá xa xôi, rồi nhiều chuyện khác nữa, khi trở lại đơn vị, người lính có thể đánh giặc thiếu hiệu quả. Những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột trên kia đã làm vỡ ra một điều thật giản dị mà hết sức đúng đắn: người lính kháng chiến không thể thiếu tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng. Chính người vợ làm nên một phần sức mạnh chiến đấu của họ. Cái riêng, cái chung được người lính suy nghĩ và giải quyết hết sức hài hòa. Chính vì thế, ý thơ tuy có phần đột ngột mà vẫn tự nhiên, tạo cho bài thơ một vẻ đẹp độc đáo. Nhớ vợ đã góp phần quan trọng vào việc làm phong phú mảng thơ ca tình yêu của người Việt.
4. Trong các nhà thơ đương đại, Nguyễn Duy được xem là nhà thơ "nịnh " vợ nhiều nhất. Ông có chùm ba bài Vợ ơi, Mời vợ uống rượu và Vợ ốm. Điểm chung của các bài thơ này là một niềm tri ân đối với những hy sinh, vất vả của người vợ. Vẻ đẹp của người phụ nữ được ngắm nhìn từ nhiều góc độ, từ nhiều thời điểm khác nhau.
Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
Ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
Đói lả mò về
Cơm đâu
Vợ ơi…
(Vợ ơi)
Ngày Tết, vợ chồng được dịp đoàn tụ để cùng ngẫm chuyện quá khứ, mong ước tương lai. Mượn chén rượu bày tỏ tình cảm cũng như nhờ cái nồng say của rượu để vợ có thể quên đi cay đắng ngày qua.
Mỗi năm tết có một lần
Mời em li rượu tay nâng ngang mày
Kiểu mời "tay nâng ngang mày" thể hiện thái độ trân trọng (và cả kính trọng nữa) của nhà thơ đối với vợ. Nhà thơ không thể không xúc động trước hình ảnh người vợ "Gót chân ăn vẹt bậc thềm/ Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân "(Mời vợ uống rượu).
Có lần, vợ nhà thơ bị ốm, trận ốm kéo dài cả năm. "Vừa một xuân lại một xuân/ Vợ ơi đại hạn đã gần một năm"(Vợ ốm). Tình huống đó khiến nhà thơ cũng lâm vào "đại nạn", phải từ bỏ cuộc sống "thượng giới rong chơi" để vào vai "phăm phăm ngựa thồ", thay vợ việc nhà việc cửa. Chân lý cuộc sống được phát hiện từ những điều nhỏ nhặt thường ngày. Và Nguyễn Duy đã thể hiện cảm nhận của mình qua những câu thơ song hành - đối lập:
Nghìn tay nghìn việc không tên
Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng
Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh xất bất xang bang sao đành
...
Cha con Chúa Chổm loanh quanh
Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Thơ Nguyễn Duy cho ta thêm một lần nữa khẳng định, trong đời sống gia đình người Việt, người phụ nữ mới thực là "nội tướng"!
5. Bên những bài thơ nói trên còn có thể nói tới những bài thơ khác như Phải giành lấy mùa xuân, giành lấy tương lai (Lê Văn Thảo), Cô Tấm ở trong nhà (Phạm Ngọc Cảnh), Tự sự (Văn Lê)… Mỗi nhà thơ, mỗi bài thơ có những cách tiếp cận đề tài riêng. Chung quy, thơ viết về vợ là tình cảm của người chồng dành cho vợ, cảm thông trân trọng những hy sinh vất vả của vợ trong đời sống thời bình cũng như thời chiến. Qua những vần thơ yêu thương đó, chân dung những người vợ hiện lên một cách đẹp đẽ. Người vợ đã thành một nguồn cảm hứng cho thi sĩ nhưng quan trọng hơn, là suối nguồn hạnh phúc của đời họ. Ta mới hiểu vì sao hơn sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi đã làm thơ "kêu gọi tình yêu" và hơn sáu trăm năm sau, con cháu của Ức Trai những lúc cô đơn lại vẫn đi theo lối mòn tình yêu đó:
Đêm huyền ảo một kinh kỳ se lạnh
Một mình ta cô quạnh giữa muôn người
Mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt
Bủn rủn buồn
Ta thầm kêu
Vợ ơi…
(Nguyễn Duy - Vợ ơi).
Tình yêu muôn đời vẫn vậy, khắc khoải, nồng nàn, đắm say, cảm thông… Những con sóng tình cảm đó mãi mãi vẫn vỗ vào trang thơ, hứa hẹn với người đọc sẽ còn có những bài thơ hay viết về vợ…
. Lê Nhật Ký |