(Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam)
Nói là hai đứa trẻ nhưng trong truyện ngắn còn những đứa trẻ khác. Những đứa nhẩn nha chơi đùa ven phố, những đứa trẻ bươi bới nhặt nhạnh nơi những đống rác của phiên chợ tàn. Nhà văn đi sâu vào hình ảnh của hai đứa trẻ Liên và An. Hai đứa trẻ vốn con một gia đình viên chức ở Hà Nội. Vì người cha mất việc nên trôi dạt về phố huyện.
Hai đứa trẻ đặc biệt là Liên có một tâm hồn nhạy cảm, mộng mơ những gì đến với Liên không trôi qua một cách vô tình. Trong cái "giờ khắc của ngày tàn" "tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ bay vào" rồi đọng lại trong đôi mắt buồn của Liên. Ngồi ở cửa hàng xén nhỏ xíu của mình khi hàng phố lên đèn, Liên nhận ra đó là đèn của nhà ai "đèn hoa kỳ leo lét trong nhà ông Cửu, đèn dậy sáng xanh trong hiệu khách...". Liên nhận ra "mùi âm ẩm bốc lên hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá..." mà nghĩ "là mùi riêng của đất quê hương này".
Nhìn những mảnh đời của phố huyện, Liên có một cảm xúc suy nghĩ riêng. Với những quan sát thật tinh tế cảnh mẹ con chị Tý dọn hàng mỗi tối để rồi Liên suy nghĩ "Chị Tý chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối". Một vòng đời lẩn quẩn lặp đi lặp lại mỗi ngày đều đều chậm chậm như tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ. Cảnh gia đình bác Xẩm tồn tại trên một chiếc chiếu ven thềm "thằng con bò ra đất ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong đất bên đường". Đứa nhỏ như trườn ra khỏi chu vi sống ấy, nhưng lại gặp mảnh đất phố huyện. Cuộc sống nghèo khổ, tăm tối, âm u cứ tiếp tục nối nhau như một dòng chảy không ngừng.
Nhìn những đứa trẻ nhà nghèo bươi bới, nhặt nhạnh "thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng bỏ lại", Liên "động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng"... Cảnh chị em Liên ngắm bầu trời đêm mùa hạ như một đoạn thơ "...Một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát... Bầu trời ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh lẫn với những vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất len vào những cành cây...".
Cảnh Liên ngồi dưới gốc cây bàng quạt cho em ngủ "qua kẽ lá của cành bàng ngàn sao lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy, rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một...". Những câu văn được diễn tả bằng cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ như giấc mộng. Quá khứ đã lùi lại ở phía sau, Hà Nội chỉ còn lại một quầng sáng xa xa với màu nước xanh đỏ của cốc xirô mà Liên được uống ở bờ Hồ ngày ấy.
Ngày mai là hình ảnh con tàu đêm từ Hà Nội chạy về qua phố huyện. Con tàu quen thuộc với chị em Liên đến mức họ có thể phân biệt con tàu đêm nay khác con tàu đêm trước thế nào. Thế nhưng đêm nào họ cũng hồi hộp, nô nức đợi tàu như chờ đợi một người thân xa nhau lâu lắm.
Nhà văn đã đặt hình ảnh hai đứa trẻ có tâm hồn trong trẻo, đầy xúc cảm vào bức tranh hiu hắt, mỏi mòn nơi phố huyện để bày tỏ niềm xúc cảm thương yêu lo lắng. Liệu những tâm hồn trong trắng ngây thơ ấy có bị tan vỡ vì môi trường sống ấy không ?
Liệu những mảnh đời mỏi mòn quẩn quanh của bác Xẩm, chị Tý... có phải là tương lai sẽ đến của những đứa trẻ ấy không? Để rồi nhà văn hy vọng một không khí sáng sủa nào đó có thể làm thay đổi ít nhiều cho không khí sống mỏi mòn của phố huyện.
Dù nhà văn có thể không biết làm thế nào để có sự thay đổi ấy, nhưng vẫn cứ ước mong, hy vọng. Niềm mong ước và những vấn đề đặt ra như sự bày tỏ tha thiết sâu sắc, thấm thía của tinh thần nhân ái của nhà văn dành cho số phận con người.
. Trương Tham |