Có người gọi họ là nghệ nhân, nhưng họ tự gọi mình chỉ là những thợ "vá lại thời gian". Bởi gần như tất cả các tháp Chăm ở Bình Định đã được trùng tu, chống xuống cấp, đều nhờ bàn tay của họ. Nhóm thợ ấy gồm chừng 30 người, thuộc Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị Bình Định...
|
Những ngọn tháp Chàm cổ kính dãi dầu qua mưa nắng, đang đợi bàn tay người trùng tu.
|
* Duyên nợ... "vá" tháp
Ông Lý Văn Huân, năm nay 63 tuổi, nguyên là đội trưởng của đội chuyên làm cái nghề "vá lại thời gian" cho cổ tháp ấy. Gặp chúng tôi trong những ngày khởi công tháp Cánh Tiên, ông tự hào nói: "Không hiểu tại sao mà tôi như có duyên nợ gì với các tháp Chàm ấy cậu ạ. Hầu như các tháp Chàm ở tỉnh mình đều có bàn tay tôi góp sức".
Chẳng là năm 1984, ông Huân bắt đầu nhận làm hợp đồng làm gia cố cấp thiết tháp Đôi với các chuyên gia Ba Lan. Đến năm 1987, dự án trùng tu tháp Đôi tiến hành nhưng ông Huân đang bận việc khác nên không nhận làm. Dự án được giao cho một nhóm khác. Nhưng mới làm được một nửa thì bên thi công không hiểu vì lẽ gì đó không tiếp tục, vậy là ông Huân lại đành đứng ra làm nốt phần còn lại, nhưng cũng chưa hoàn chỉnh. Sang năm 1991, dự án trùng tu tháp Đôi tiếp tục, cũng lại đội của ông Huân bắt tay làm. Mãi đến năm 1997 mới hoàn thành.
Sang năm 1998, đội trùng tu này lại tiếp tục đảm nhận việc trùng tu tháp Bánh Ít. Năm 2004 vừa hoàn thành thì đến năm 2005, đội lại bập vào thực hiện dự án trùng tu tháp Cánh Tiên. Đó là chưa kể đến việc tham gia gia cố, chống xuống cấp cấp thiết các tháp như Phú Lốc, Bình Lâm, Thủ Thiện.
Ông Huân nói: "Càng làm càng thấy mê cậu ạ! Chỉ riêng chuyện những viên gạch thôi, kích cỡ khác nhau, cái to, cái nhỏ, các chi tiết lại phức tạp, mà sao người xưa xây dựng tài, khéo đến như vậy. Rồi những cửa giả giật cấp nhìn vào rất cân đối, rồi kỹ thuật thoát nước trên đỉnh tháp, chân tháp...".
* Hồi sinh nhưng không làm tháp trẻ
Một đội trùng tu tháp trung bình khoảng 30 người, trong đó, nòng cốt là 5 thợ có kỹ thuật cao, chủ yếu là thợ bậc 5,5 - 6/7. Hầu hết họ từng là thợ nề, nhưng đã gắn với nghiệp "vá" tháp từ những ngày đầu nên tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Những ngày đầu trở lại trùng tu tháp Đôi, bộ giàn giáo chuyên dụng của các chuyên gia Ba Lan cho mượn thì đã được chuyển ra làm tháp Chiên Đàn. Vậy là những người thợ này lại phải mày mò làm ra chiếc giàn giáo bằng gỗ để đáp ứng yêu cầu thi công.
Yêu cầu quan trọng nhất với người làm nghề này? Nghe tôi hỏi vậy, ông Huân nói: "Cái chính là sự cần cù, chịu khó, tỷ mỷ và nhẫn nại. Anh có tin là những ngày đầu mới bập vào cái nghề này, cả tốp thợ như vậy mà cả ngày trời loay hoay mới đặt được một viên gạch hay không? Rồi các chi tiết, đều phải thật cẩn trọng, gia công lại từng viên gạch thế nào cho phù hợp với vị trí đó, chỉ cần anh nôn nóng một tí thôi là toi cơm. Cái quan trọng thứ hai là không được tùy tiện sáng tác thêm ra. Cái gì không biết chắc thì cương quyết không làm, nếu không sẽ làm mất đi tính nguyên gốc".
Người làm nghề xây dựng bình thường, có thể dựa vào bản vẽ thiết kế mà làm. Nhưng với thợ sửa tháp, thiết kế không bao giờ là hoàn chỉnh. Căn cứ vào thiết kế đã đành, nhưng trên thực tế, đôi khi người thiết kế lại không khảo sát đến nơi đến chốn nên rất hay gặp phát sinh. Khi đó, nguyên tắc chung là làm theo nguyên gốc và dựa vào phép đối xứng qua trục, qua đường phân giác, qua phép biến đổi của đồng dạng để trùng tu sau khi hỏi ý kiến phía thiết kế. Yêu cầu tối ưu là làm cho tháp già nhưng không chết. Trùng tu là hồi sinh, không phải là làm cho tháp "trẻ" ra.
Còn anh Đoàn Đình Khải, người Tuy Phước, đã làm nghề mài gạch phục vụ cho việc trùng tu từ đận trùng tu tháp Đôi, cho biết: mỗi ngày anh chỉ mài được đúng… 7 viên gạch, mà đó phải là những viên "tuyển", tương đối bằng phẳng. Còn về sau, có ngày thợ như anh Khải cũng chỉ mài được 5, 6 viên. Mà việc mài thì nhìn qua có vẻ rất đơn giản. Chỉ là lấy hai viên gạch chập vào nhau, xoa thêm lớp cát tô lên phía trên, dấp tí nước và mài... Có vậy tôi mới hiểu, nguyên nhân vì sao mỗi dự án trùng tu tháp kinh phí chỉ 2, 3 tỉ, vậy mà cũng kéo đến cả mấy năm trời tỷ mẩn. Rồi ông Huân tâm sự: "Anh em hầu hết là thợ giỏi, Công ty cũng rất quan tâm ưu tiên nên nói thật là thu nhập so với thợ nề nói chung cũng tạm ổn".
* Tiếp bước duyên nợ tháp
Ông Huân đã bắt đầu nghỉ hưu từ 3 năm nay. Thôi làm đội trưởng, Đội Thi công Cơ giới chuyên trùng tu tháp hiện do anh Nguyễn Văn Tòng làm Đội trưởng. Vậy nhưng cái duyên với tháp cổ của ông Huân chưa dứt. Hiện ông vẫn là cố vấn kỹ thuật cho đội. Ngày lại ngày, ông vẫn cưỡi chiếc xe máy lặn lội từ Quy Nhơn lên xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn), leo lên giàn giáo để chỉ dẫn anh em trùng tu tháp Cánh Tiên.
"Đôi chân tôi dạo này leo lên giàn giáo đã thấy hơi run. Chắc cũng chỉ làm xong được tháp Cánh Tiên này là phải nghỉ thôi. Những anh em trẻ sau này cũng đã bắt đầu nhập tâm, đã thấy say với nghề này rồi đấy, chỉ cần thêm chút thời gian nữa, thì tôi đã thấy yên tâm vì đã có những người tiếp bước trong duyên nợ với tháp"- ông Huân nói.
Nhìn mái đầu đã bạc của ông Huân, tôi lại thấy tiếc và nghĩ đến những ngọn tháp Chàm cổ kính dãi dầu qua mưa nắng, đang đợi bàn tay trùng tu của những người như ông.
. Lê Viết Thọ |