Sau vài ngày trì hoãn, cuối cùng, hôm 13-10, giải Nobel Văn học năm 2005 cũng đã được công bố trao cho Harold Pinter, nhà viết kịch người Anh, tác giả của những vở kịch "xuất phát từ những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt hằng ngày nhưng có khả năng dồn đẩy người đọc vào một không gian ngột ngạt, bức bối".
* Khôi phục những yếu tố cơ bản của kịch
|
Harold Pinter |
Harold Pinter được đánh giá là một trong những kịch tác gia đương đại xuất sắc của Anh trong nửa sau thế kỷ 20. Phong cách kịch của ông, một phong cách sân khấu hiếm hoi với đầy những quãng lặng, đã được những người trong nghề gọi là "Pinteresque" (chất Pinter).
Trong hơn 30 tác phẩm kịch của Pinter, nổi tiếng nhất là The Room (Căn phòng), The Birthday Party (Tiệc sinh nhật), The Caretaker (Nhân viên bảo vệ), tính kịch được nổi bật lên bằng những xung đột đỉnh cao cùng những trò trốn tìm trong ngữ nghĩa từ những cuộc đối thoại. Tối tăm và đầy bất hạnh, những nhân vật sân khấu của Pinter mang những nỗi sợ hãi trong lòng và những mong mỏi, tội lỗi và những khát khao tình dục, khó khăn đối diện với những cuộc đời xác thực mà họ gây dựng để tồn tại. Thường giam mình trong một căn phòng, họ tổ chức cuộc sống của mình như một trò chơi tối tăm và hành động của họ thường mâu thuẫn với lời nói. Dần dần, những lớp lang được bóc tách, để lộ ra sự trần trụi của nhân vật.
Hẳn bởi vậy mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá: "Ông đã khôi phục sân khấu trở lại những yếu tố cơ bản của nó: một không gian khép kín và những đối thoại bất ngờ, nơi người ta phó thác người này cho người kia và cho những mẩu vụn vặt của sự vờ vĩnh". Và "trong một tác phẩm tiêu biểu của Pinter, chúng ta gặp những nhân vật tự vệ trước sự xâm phạm của người khác hoặc trước sự thôi thúc của bản thân bằng cách kìm nén cảm xúc một cách mãnh liệt".
* Một nhà văn đa tài, dấn thân
Không chỉ là một kịch tác gia, một nhân vật khổng lồ của sân khấu kịch Anh nửa cuối thế kỷ XX, Pinter còn là một đạo diễn, diễn viên thành đạt. Ông cũng là nhà soạn kịch cho điện ảnh và phim truyền hình.
Đến nay, Nobel Văn học đã được trao cho 102 tác giả (tính cả giải thưởng đã bị nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre khước từ năm 1964). Sau Nobel Văn học 2001 được trao cho V.S. Naipaul, Pinter là nhà văn tiếp theo của Anh nhận được giải thưởng danh giá này. |
Nhiều người cho rằng, Pinter giành được giải Nobel một phần vì những đóng góp của ông đối với các hoạt động chính trị - xã hội. Pinter được coi như là một "chiến sĩ" của phong trào nhân quyền. Ông đã phẫn nộ trước cuộc đảo chính do Mỹ hỗ trợ ở Chi lê vào năm 1973, phê phán cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Mới đây, ông lại thẳng thắn và công khai chỉ trích những chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq... Cả những vở kịch của ông cũng bao hàm nội dung chính trị một cách gián tiếp. Pinter phản đối cuộc chiến tranh Iraq bằng những tập thơ xuất bản công khai, trong đó, ông gọi Thủ tướng Anh Tony Blair là "một thằng ngốc biết lừa dối" còn Bush là "kẻ giết người hàng loạt".
Trước khi chạm tới vinh dự là người Anh thứ 10 đạt giải Nobel Văn học, Pinter đã là chủ nhân của những giải thưởng cao quý khác như: Giải thưởng Shakespeare, Giải thưởng Văn học châu Âu, Giải thưởng Văn học Anh David Cohen...
* Xuất thân khiêm nhường
Harold Pinter sinh ngày 10-10-1930 tại London. Ông là con trai của một người thợ may Do Thái. Thế chiến II nổ ra, Pinter 9 tuổi, gia đình ông rời khỏi London. Pinter vẫn thường nói, những trải nghiệm trong chiến tranh đã để lại những ký ức không bao giờ phai nhạt trong ông. Trở lại London năm 12 tuổi, Harold Pinter theo học tại Trường Trung học Back Hackney. Trong thời gian học tập tại đây, Pinter tham gia đóng các vai Macbeth và Romeo trong các vở kịch của Shakespeare. Những vai diễn này đã dẫn đường cho Pinter đến với kịch.
Năm 1948, ông được nhận vào Viện Hàn lâm nghệ thuật kịch Hoàng gia. Năm 1950, Pinter xuất bản những bài thơ đầu tiên. Năm 1951, ông theo học tại Trường Ngôn ngữ và Nghệ thuật kịch đồng thời tham gia đoàn kịch Anew McMaster - một đoàn kịch nói nổi tiếng với những vở kịch của Shakespeare. Pinter lưu diễn theo đoàn suốt từ 1954 đến 1957 với nghệ danh David Baron.
. Khải Nhân
(Tổng hợp từ TTVH, TT) |