Cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Bình Định lần thứ V - năm 2005 do Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh tổ chức đã kết thúc. 60 tác phẩm được chọn lựa từ 294 tác phẩm của 21 tác giả đã tham gia triển lãm tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh từ ngày 19-10.
|
Tác phẩm: Già làng (giải nhì). Tác giả: Hậu Đình Tường |
Điều có thể nhận ra ngay là cuộc thi lần thứ V này đã có sự vượt trội về số lượng so với cuộc thi lần trước. Cuộc thi lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 294 tác phẩm, trong khi cuộc thi lần thứ IV chỉ có khoảng 220 tác phẩm tham gia. Điều này cho thấy những bước phát triển tuy tiệm tiến nhưng khá chắc chắn của phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật Bình Định, cũng như niềm đam mê, lòng nhiệt thành chưa bao giờ vơi cạn trong mỗi người cầm máy tỉnh Bình Định.
Cái được thứ hai là chất lượng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Định, thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét: "Qua mỗi cuộc thi, chất lượng tác phẩm của anh em được nâng dần. Không chỉ là chuyện tay nghề, mà cả sự đầu tư, từ ý tưởng đến chuyện theo đuổi đề tài, chọn lựa khoảnh khắc bấm máy đến việc ứng dụng phầm mềm trong xử lý ảnh, nên màu sắc, độ sắc nét của ảnh đã tốt hơn".
Mặt bằng chung đã được nâng cao điều này vừa cho thấy sự nỗ lực tự thân của bản thân mỗi người cầm máy, đồng thời, cũng chính là kết quả bước đầu từ sự đầu tư của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Nhiếp ảnh đã tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác ở miền núi, miền biển, các công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Trong các tác phẩm đạt giải tại cuộc thi lần này, có những tác phẩm là kết quả từ những chuyến đi như vậy.
Điều đặc biệt đáng chú ý khác là trong cuộc thi này, có địa phương như Phù Cát trước đây vốn là huyện "trắng" về phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng lần này cũng có 2 tác giả dự thi. Đây cũng là tín hiệu vui về sự phát triển, lan tỏa của phong trào.
Các tác phẩm đạt giải cao, đều là những tác phẩm có sự đầu tư. Hoàng hôn trên công trường của Ngọc Lối (giải nhất) đi trúng mạch chủ đề cuộc thi là công nghiệp hóa, xử lý bố cục theo lối cổ điển, tuy vẫn còn đôi chút khiếm khuyết khi phóng ảnh. Già làng của Hậu Đình Tường không những đẹp về tạo hình, kỹ thuật thể hiện, mà còn khái quát được chủ đề tư tưởng qua nụ cười rạng rỡ của nhân vật. Gió bay của Trà Thanh đẹp và cô đọng về cảm xúc. Niềm vui trên lưng của Ngọc Tuấn đẹp trong khoảnh khắc bấm máy, chỉ tiếc là chưa đầu tư chọn tên tác phẩm. Bên cạnh những tác phẩm đạt giải, trong 60 tác phẩm lọt vào dự triển lãm cũng có những tác phẩm khá đạt.
Tuy nhiên, từ cuộc thi này cũng cho thấy lực lượng nhiếp ảnh Bình Định tuy khá đều tay nhưng chưa có sự đột phá, thiếu vắng những tác phẩm thật sự nổi trội. Đây cũng là khẳng định của ông Lương Chính Hữu, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Tất nhiên, hạn chế này cũng là hạn chế chung, thể hiện từ các lần thi trước, nhưng để vượt qua, đòi hỏi sự nỗ lực tự thân của mỗi nghệ sĩ, từ niềm đam mê, dấn thân của mỗi người sáng tạo trong ý nghĩa đích thực của từ này.
. Khải Nhân |