La Hữu Vang thuộc thế hệ nhạc sĩ thành danh từ những năm tháng tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở Sài Gòn. Ông còn được biết bởi những đóng góp tích cực cho sự phát triển của âm nhạc Bình Định...
|
Nhạc sĩ La Hữu Vang thời còn tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". |
Nhạc sĩ La Hữu Vang (tên thật là Trần Đình Giác) sinh năm 1935 tại thôn Tùng Giản - xã Phước Hòa ( huyện Tuy Phước). Vốn đam mê âm nhạc từ nhỏ nên năm 23 tuổi, Hữu Vang quyết định theo học khoa Sáng tác sư phạm tại "Viện Âm nhạc Quốc gia và Kịch nghệ Sài Gòn". Học xong, Hữu Vang trở về giảng dạy âm nhạc tại An Nhơn, vùng đất mà anh đã gắn bó cuộc đời cho đến tận bây giờ.
Năm 1968, trước việc bắt lính của địch, La Hữu Vang đành phải từ bỏ việc dạy nhạc để trốn vào Sài Gòn. Dẫu đang trốn lính nhưng chỉ vì thích phong trào quá nên Hữu Vang vẫn thường xuyên ôm đàn lên sân khấu hát, anh đã tích cực tham gia "Hát cho đồng bào tôi nghe" cùng với các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh… Chính trong giai đoạn này, Hữu Vang đã cho ra đời những ca khúc "nằm lòng" của biết bao thế hệ sinh viên thời ấy như "Tổ quốc ơi, ta đã nghe" "Không ai ngăn nổi lời ca"... Đặc biệt, La Hữu Vang đã từng giành được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi âm nhạc của UNESSCO với ca khúc "Dòng sử xanh" - mang nội dung ca ngợi truyền thống lịch sử, tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Sau giải phóng, khi được giao phụ trách phong trào văn nghệ quần chúng của huyện An Nhơn, La Hữu Vang đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình với tất cả tâm huyết của người nhạc sĩ. Đề tài sáng tác của Hữu Vang cũng trở nên đa dạng hơn với những bài hát về vẻ đẹp của quê hương Bình Định trong thời kỳ đổi mới, về sự hy sinh thầm lặng của những người thương binh liệt sĩ…
Nhiều ca khúc của La Hữu Vang đã được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam như "Âm vang tiếng trống quê hương" (ca sĩ Đức Lân), "Tháng bảy và những cơn mưa" (ca sĩ Tấn Minh), "Những con đường quê ta đó" (NSND Thanh Hoa). Những năm tháng sau này, La Hữu Vang bắt đầu chiêm nghiệm về đề tài tình yêu đôi lứa, những tình khúc như: "Khúc ru xưa", "Như cơn mưa xuân"… đã chinh phục được rất nhiều người nghe. Tình yêu trong những bài hát của Hữu Vang là những gì đẹp nhất, sâu lắng nhất, nhưng cũng mong manh nhất. Chính sự mong manh đó đã đem tới cho con người khát vọng về tình yêu, giúp cho họ biết trân trọng và giữ gìn tình yêu hơn.
Dù đã ở đoạn cuối cuộc đời một con người, La Hữu Vang vẫn còn rất nhiều nhiệt huyết đối với âm nhạc. Ông tâm sự: "Đối với người nhạc sĩ nếu không còn sáng tác thì cũng coi như không còn tồn tại. Ở độ tuổi như tôi tuy sáng tác có khó khăn hơn, nhưng bù lại tác phẩm ra đời sẽ có độ chín chắn và sâu sắc hơn. Là một nhạc sĩ thuộc thế hệ đi trước, tôi mong sao mình còn có thể đóng góp một chút gì đó trong việc giữ gìn bản sắc âm nhạc Việt Nam trước xu hướng phát triển xô bồ của nhạc trẻ hiện nay…".
. Hoài Thu |