Chất kết dính trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm:
Vẫn còn là một ẩn số !
7:26', 21/10/ 2005 (GMT+7)

Việc thất truyền kỹ thuật xây dựng tháp Chăm đã dẫn đến không ít khó khăn trong công tác trùng tu tôn tạo di tích Champa trong những năm qua. Trong kỹ thuật xây tháp có rất nhiều giả thuyết về chất kết dính, nhưng vẫn chưa có giả thuyết nào được các nhà khoa học chấp nhận là có cơ sở đáng tin cậy nhất. Do vậy, chất kết dính trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn là một bài toán khó chưa được giải đáp hoàn chỉnh.

 

Việc trùng tu tháp Dương Long cũng sử dụng kỹ thuật "khối xây mài chập". Ảnh: ĐTĐ

 

Tháp Chăm là loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, công nghệ xây dựng tháp Chăm là sự kết hợp chặt chẽ giữa vật liệu gạch, chất kết dính, kết cấu với kiến trúc điêu khắc. Quy trình xây dựng rất tuần tự, bài bản, khâu trước quyết định khâu sau. Đặc biệt là chất kết dính, cho đến nay vẫn đang còn là vấn đề nghiên cứu, tranh luận của các nhà khoa học.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài bỏ nhiều công sức để khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp, tiếp cận với nhiều góc độ: Lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật và mỗi tác giả đã đưa ra một giả thuyết khác nhau về kỹ thuật xây dựng tháp.

Theo "Người Chăm xưa và nay" của Jeanne Leuba (1928) thì tháp Chăm xây dựng bằng gạch chưa nung, sau đó mới dùng lửa để nung toàn bộ. Giả thuyết nung toàn bộ khối tháp sau khi được xây bằng gạch chưa nung có nhiều ý kiến bác bỏ bởi vì: Sự không đồng nhất về độ chín của các lớp gạch ở phần vỏ và ruột tháp, nhiệt độ cao sẽ làm mũn các cấu trúc bằng đá sa thạch, và gạch mộc khi chất lên nhau với một khối lượng lớn như vậy sẽ bị biến dạng ở các lớp bên dưới do tải trọng quá lớn.

Nhà nghiên cứu J.Y.Claeys trong bài thuyết trình năm 1939 và Parmentier trong "Nghệ thuật kiến trúc Hin dou ở Ấn Độ và Viễn Đông" (1948) lại cho rằng chất kết dính trong xây dựng tháp Chăm là một hỗn hợp keo thực vật trộn với bột gạch.

Còn theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh "Suy nghĩ về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm" (Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989) cho rằng người Chăm dùng mủ xương rồng trộn với nước rồi lấy nước đó trộn mật mía làm chất kết dính xây tháp. Trước đây, cư dân tại đảo Phú Quý - tỉnh Bình Thuận cũng thường sử dụng thân cây của một loại xương rồng mọc trên đảo đem ngâm trong nước để tạo thành dung dịch chất kết dính trong xây dựng. Lại có ý kiến cho rằng người Chăm sử dụng dầu rái trong quá trình xây dựng tháp.

Để bảo tồn di sản quý giá của dân tộc, trong những năm qua các cơ quan chức năng trung ương đã phối hợp với các địa phương tiến hành trùng tu bảo tồn các đền tháp Chăm. Năm 1984, Xí nghiệp Tu bổ di tích Trung ương phối hợp với các chuyên gia Ba Lan tiến hành trùng tu tháp Po Klong Garai (Phan Rang - Ninh Thuận), chất kết dính được sử dụng ở đây là xi măng với kỹ thuật phối màu và mạch xây mỏng giống như kỹ thuật xây tháp xưa.

Ở Bình Định, từ năm 1991 - 1995 trùng tu tháp Đôi và từ năm 1997 - 2004 trùng tu tháp Bánh Ít cũng được áp dụng kỹ thuật này. Riêng lớp gạch áo trước khi xây được mài đều và phẳng nên lớp hồ kết dính rất mỏng, thoáng nhìn như kỹ thuật mài chập.

Trong quá trình trùng tu tháp Po Klong Garai các chuyên gia Ba Lan đã đem mẫu kết dính giữa hai viên gạch về Ba Lan và sử dụng các phương pháp phân tích hiện đại như nhiễu xạ Rơgen, nhiệt vi phân, quang trắc phổ hồng ngoại để phân tích chất kết dính và không phát hiện ra dấu vết chất kết dính có nguồn gốc hữu cơ, nhưng lại phát hiện có khoáng thạch anh (SiO2) và Ilit như các mẫu lấy từ giữa viên gạch.

Các thông số hóa học của lớp vữa kết dính đồng nhất với các thông số hóa học của lớp gạch nên đã kết luận "Tháp được xây dựng từ những viên gạch nung sẵn gắn với nhau bằng một màng mỏng dung dịch đất sét đóng vai trò kết dính (vữa đất sét) sau đó toàn bộ được nung lại".

Năm 1999, Trung tâm triển khai và tư vấn xây dựng Miền Trung - Viện khoa học công nghệ xây dựng đã tiến hành trùng tu tháp Bình Thạnh và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Chất kết dính lần này được sử dụng trong việc trùng tu tháp là nhựa cây ô dước. Một loại thực vật có nhựa có độ kết dính cao, được phân bố trên một diện rộng từ miền Trung đến Nam bộ và Tây Nguyên.

Trong 2 năm 2004  và 2005 Viện khoa học công nghệ xây dựng đã giúp tỉnh Bình Định khảo sát, đo đạc thiết kế và lập dự án trùng tu cụm tháp Dương Long và tháp Cánh Tiên. Hiện nay tháp Cánh Tiên đang tiến hành thi công với chất liệu kết dính trong trùng tu lần này là nhựa cây bời lời (bồ lời), một loại cây có nhiều ở khu vực Trung Trung bộ là loại thực vật có nhựa và có độ kết dính cao giống như cây ô dước.

Vậy nhựa cây ô dước và nhựa cây bời lời có phải là chất kết dính mà người Chăm xưa đã sử dụng để xây dựng đền tháp hay không? Có lẽ đây là vấn đề mà các nhà khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu. Chất kết dính trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm bằng nhựa cây ô dước và nhựa cây bời lời đã được sử dụng trùng tu tháp Bình Thạnh (Tây Ninh) và đang sử dụng trùng tu tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long (Bình Định) có đảm bảo được độ bền cho kiến trúc hay không còn phải đợi đến nhiều năm sau, đến thế hệ con cháu mới kiểm chứng được.

Thực tế trùng tu di tích ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã chỉ ra rằng sử dụng và áp dụng khoa học công nghệ một cách phù hợp với các mục tiêu văn hóa là phương tiện tốt nhất để bảo tồn tối đa các giá trị chân xác của di tích, kéo dài tuổi thọ cho di tích, để di tích phát huy được giá trị vốn có của nó. Những người làm công tác bảo tồn cần làm chủ khoa học công nghệ và sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu phục vụ nhiệm vụ bảo tồn. Mọi sự sai sót trong quá trình trùng tu di tích trong một chừng mực nào đó đồng nghĩa với việc hủy hoại di sản.

. Nguyễn Thanh Quang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhạc sĩ La Hữu Vang: "Tổ quốc ơi, ta đã nghe"  (21/10/2005)
Mặt bằng chung đã được nâng lên  (20/10/2005)
Nhà văn dấn thân, kịch tác gia đại thụ  (20/10/2005)
Chỉ định thầu công trình trùng tu tháp Dương Long  (20/10/2005)
Trao giải cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định lần thứ V-2005  (19/10/2005)
"Ngón tay vàng" ngày càng hấp dẫn  (18/10/2005)
Hồi sinh cho cổ tháp  (18/10/2005)
Hình ảnh hai đứa trẻ  (18/10/2005)
Những câu thơ tặng vợ  (17/10/2005)
Bình Định đoạt 1 giải đồng, 3 giải A và 1 giải B  (16/10/2005)
Phim Hàn Mặc Tử - nhân duyên và nhân vật  (16/10/2005)
Nhạn quá trường không  (14/10/2005)
Ngân vang những sắc màu văn hóa  (14/10/2005)
Thơ Phạm Vân Hiền, Thái Nhơn  (14/10/2005)
"Phụ nữ muôn năm" Bộ phim vui đề cao phụ nữ  (14/10/2005)