Mảnh đất Tây Sơn anh hùng xưa nay là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào của bao văn nhân, nghệ sĩ. Trong hệ thống đó, chúng tôi muốn nói tới nhà văn Hà Ân với những truyện ngắn nhỏ xinh cho lứa tuổi nhi đồng.
Trong văn học cho thiếu nhi, Hà Ân là một cây bút chuyên viết truyện lịch sử. Ông được biết tới nhiều qua bộ ba truyện lịch sử về cuộc kháng chiến oanh liệt của nhà Trần: Trăng nước Chương Dương, Bên bờ Thiên Mạc và Trên sông truyền hịch.
Trên hành trình trở về quá khứ, tìm kiếm những giá trị lịch sử, nhà văn đã thực sự có được những say mê khi tắm mình trong dòng truyền thuyết Tây Sơn. Chính từ những câu chuyện dân gian, Hà Ân đã viết được một xê-ri truyện: Cái chum vàng, Võ gà, Đường qua núi Thơm, Bầy ngựa thần, Lưỡi gươm thiêng, Cuộc gặp gỡ của những người ngang ngược, Ở ngã tư đường, Về rừng và Lúc dựng cờ.
Xê-ri này đã mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những cảm xúc thích thú, tự hào về mảnh đất Tây Sơn huyền thoại…
Là những tác phẩm có quy mô nhỏ nên mỗi truyện của nhà văn thường giới hạn trong việc trần thuật một sự việc có tính chất tiêu biểu, có khả năng làm nổi bật vẻ đẹp anh hùng của nhân vật. Hầu hết, chuyện đời, chuyện người đều diễn ra trong bối cảnh trước lúc dựng cờ. Cho nên, mạch cảm hứng của Hà Ân trong hệ thống truyện về đề tài Tây Sơn này là chinh phục và hội tụ.
Trước hết, ngòi bút Hà Ân khắc họa cho các em chân dung những người thủ lĩnh Tây Sơn. Mỗi người một vẻ, nhưng họ như "ba cây chụm lại" vững vàng và giàu sức cảm hóa những tấm lòng trong thiên hạ. Nguyễn Nhạc được trời trao cho lưỡi gươm thiêng để đánh chúa Nguyễn (Lưỡi gươm thiêng), Nguyễn Lữ thích xem chọi gà mà sáng tạo nên được bài võ Gà thật độc đáo, lợi hại (Võ Gà). Song ấn tượng nhất vẫn là chuyện Nguyễn Huệ chinh phục bầy ngựa thần ở đèo Mang. Tương truyền, đàn ngựa này rất dữ, rất thính. "Chúng dám đánh lại cả cọp. Con đầu đàn thì thật ma mãnh. Nó canh chừng cho cả đàn, hễ có một chút nguy biến, nó hí lên một hơi dài, thế là cả đàn theo nó phi như giông như bão, đi đâu không ai biết". Sau nhiều ngày nghiên cứu đặc tính bầy ngựa, vừa dùng trí, vừa dùng tình, cuối cùng Nguyễn Huệ đã chinh phục được con ngựa đầu đàn. Thành công của Nguyễn Huệ đã khiến người Ba Na rất khâm phục. Không ngần ngại, họ quyết định ủng hộ phong trào Tây Sơn. "Chừng nào ra quân, người Ba Na xin góp một trăm tay nỏ, năm trăm tay giáo và một trăm thớt voi chiến" (Bầy ngựa thần).
Thật thú vị, câu chuyện chinh phục bầy ngựa núi đã trở thành câu chuyện chinh phục tấm lòng người dân Ba Na.
Các tướng lĩnh của phong trào Tây Sơn như Nguyễn Văn Tuyết, Trần Quang Diệu… cũng là đề tài sôi nổi trong nhiều truyện của Hà Ân. Mỗi người trước khi trở thành anh hùng đều có những trang đời, những số phận hết sức đặc biệt. Nguyễn Văn Tuyết làm "đầu gấu" ở chợ Tuy Viễn, Võ Văn Dũng làm tướng cướp đón khách bộ hành qua đường… Lịch sử đã tạo cơ hội cho những người tài gặp nhau, để rồi cùng nhau rời bỏ cuộc sống hiện tại, tìm tới ngọn cờ Tây Sơn tụ nghĩa.
Các em hẳn sẽ thích thú khi chứng kiến cuộc kỳ ngộ giữa siêu đao Võ Văn Dũng với đại đao Trần Quang Diệu (Ở ngã tư đường), chuyện Ngô Văn Sở cùng Bùi Thị Xuân đi tìm Nguyễn Văn Tuyết để kết bạn lại gặp tráng sĩ diệt hổ Trần Quang Diệu... Đúng là, những cuộc kỳ ngộ như thế cho thấy nội lực vận động của lịch sử. Rồi đây, trên những nẻo đường chinh chiến, chính những con người này sẽ góp phần làm cho lịch sử đổi dòng, xã hội sang trang. Nhưng trước hết, là sự đổi thay thân phận của chính họ.
Một ví dụ về Nguyễn Văn Tuyết trong truyện Cuộc gặp gỡ của những người ngang ngược. Nguyễn Văn Tuyết vốn ngang ngược, chuyên hoành hành ở chợ Tuy Viễn. Ai đến kiếm ăn ở chợ Tuy Viễn đều phải xin phép, nộp tiền cho Tuyết. Kẻ ngang ngược này cuối cùng đã bị một người ngang ngược hơn - ông Chảng ngang trời cảm hóa. Cuộc đổi đời của Nguyễn Văn Tuyết bắt đầu từ đây. "Bốn năm sau, khi quân Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Văn Tuyết là một trong những người cầm đầu. Vợ ông chính là cô gái múa đôi kiếm bán thuốc ở chợ Tuy Viễn đó. Còn cụ Chảng ngang trời tuy đã già và sức có sút nhưng cụ vẫn nhận dạy võ cho các nghĩa quân Tây Sơn".
Không phải là tất cả nhưng những tác phẩm của Hà Ân đã điểm được vào những nét đặc sắc nhất của mảnh đất, con người Tây Sơn lịch sử. Đọc Hà Ân, các em như được tắm mình trong không khí huyền thoại. Giữa không khí thực hư đó, sự thật lịch sử đẹp đẽ vẫn hiển hiện, ngời chói. Khi những tình huống sự việc gay cấn trôi qua, điều mãi mãi đọng lại ở bạn đọc lại chính là lẽ sống cao đẹp trọng nghĩa, khinh tài.
Tôi muốn khép lại bài viết này bằng nhận xét, không phải ngẫu nhiên hệ thống truyện về Tây Sơn của Hà Ân lại bắt đầu bằng tác phẩm Cái chum vàng. Đó là chuyện gia đình Nguyễn Huệ đã gìn giữ và trả lại cái chum vàng cho chủ nó với một thái độ rất rõ ràng: "Nhà này không coi trọng vàng bạc, nhà này không dùng nó làm giàu". Vâng, đó là một triết lí sống cao đẹp, một định hướng để những người anh hùng trẻ tuổi vào đời, lập thân…
. Lê Nhật Ký
|