Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật Thúy Vân
15:35', 24/10/ 2005 (GMT+7)

(Qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều)

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã khái quát ngoại hình của hai chi em Thúy Vân, Thúy Kiều bằng 4 câu thơ đặc sắc:

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười…

(Câu 15-18)

Đối với hai nhân vật chính diện mang lý tưởng của nhà thơ, ở đoạn trích này, Tố Như đã ngợi ca sắc đẹp và tài năng của họ. Như một họa sĩ chân dung bậc thầy, tác giả đã không đi vào những đặc điểm cụ thể mà trước hết nhà thơ đã phác họa ra những nét thanh tú diễm lệ về cốt cách và tinh thần. "Mai cốt cách" - cốt cách thanh mảnh nhưng rắn rỏi như cành mai, "tuyết tinh thần" - tâm hồn trong trắng thanh bạch như tuyết.

Cách miêu tả ấy khiến cho người đọc khó có thể gọi thẳng ra ai là mai, ai là tuyết. Dường như ở đây tác giả đã khéo léo tạo nên một tập mờ, một khoảng trống nghệ thuật buộc người đọc phải theo dõi toàn bộ câu chuyện mới có thể định hình được và với ý thức lý tưởng hóa, chân dung chị em Thúy Kiều được miêu tả với sắc đẹp tuyệt trần.

Lẽ ra, theo lôgic của vấn đề, ngoại hình của Thúy Kiều sẽ được tác giả ưu tiên giới thiệu trước, nhưng đây là chân dung nghệ thuật nên sau khi thông báo "ThúyKiều là chị, em là Thúy Vân", Nguyễn Du lại dùng phép tá khách hình chủ (Mượn khách để hình dung về chủ, nói về chủ), mượn nhan sắc của Thúy Vân để làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da...

(Câu 19-22)

Với Thúy Vân, tác giả đã dùng phương pháp đặc tả với từng chi tiết: "Khuôn trăng đầy đặn" - khuôn mặt tròn trặn như trăng rằm, đầy đặn hạnh phúc, "hoa cười" - khóe miệng cười tươi thắm như hoa, "ngọc thốt" - tiếng nói trong và hay như ngọc, tác phong thái độ đoan trang, "nét ngài nở nang" - lông mày cong đậm như con ngài, "nước tóc" bồng bềnh đến nỗi mây cũng phải thua, màu da trắng đến nỗi tuyết cũng phải nhường…" (Phạm Đan Quế - Thế giới nhân vật Truyện Kiều, NXB Thanh Niên 2005).

Trong bốn câu thơ tả Thúy Vân (cũng như trong những đoạn thơ tả chân dung nhân vật lý tưởng như Kim Trọng, Từ Hải…), Nguyễn Du thường sử dụng những mô típ hình tượng khuôn mẫu quen thuộc, thậm chí công thức (Hoa cười, ngọc thốt, nét ngài...). Đồng thời, tác giả đã đưa một số từ ngữ nôm na nhưng nội hàm đa nghĩa, những từ ngữ đầy đặn, nở nang không chỉ miêu tả khuôn mặt phương phi tròn trịa, nét ngài minh bạch sáng sủa của Thúy Vân.

Ở đây, tác giả như muốn báo hiệu tương lai tốt đẹp và tiền đồ tươi sáng ở nàng Vân, là sự đầy đặn, mỹ mãn của số phận, của cuộc đời nàng. Thiên nhiên và cũng chính là con tạo cũng sẽ chịu thua mái tóc mây và nhường màu da tuyết của nàng.

Nhìn chung, Truyện Kiều đã đi theo khuynh hướng nghệ thuật chính thống nên nghệ thuật phác họa, tuyệt đối hóa, đặc tả, lý tưởng hóa là những thủ pháp đặc trưng. Với những thủ pháp này, nhà thơ đã thể hiện thành công "khuynh hướng tâm lý hóa ngoại hình và hơn thế nữa là khuynh hướng thân phận hóa phẩm cách nhân vật" (Đặng Thanh Lê, Giảng văn Truyện Kiều, NXB GD 1999).

Kết hợp với lớp ngôn ngữ trong sáng, giàu sức gợi, những biện pháp nghệ thuật ấy đã nêu góp phần tạo nên bức chân dung hài hòa, viên mãn của một số phận tĩnh lặng - Thúy Vân.

. Nguyễn Hiểu My

(Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tây Sơn huyền thoại   (23/10/2005)
Thơ Hà Giao, Nguyễn Đình Lương  (21/10/2005)
Vẫn còn là một ẩn số !  (21/10/2005)
Nhạc sĩ La Hữu Vang: "Tổ quốc ơi, ta đã nghe"  (21/10/2005)
Mặt bằng chung đã được nâng lên  (20/10/2005)
Nhà văn dấn thân, kịch tác gia đại thụ  (21/10/2005)
Chỉ định thầu công trình trùng tu tháp Dương Long  (20/10/2005)
Trao giải cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định lần thứ V-2005  (19/10/2005)
"Ngón tay vàng" ngày càng hấp dẫn  (18/10/2005)
Hồi sinh cho cổ tháp  (18/10/2005)
Hình ảnh hai đứa trẻ  (18/10/2005)
Những câu thơ tặng vợ  (17/10/2005)
Bình Định đoạt 1 giải đồng, 3 giải A và 1 giải B  (16/10/2005)
Phim Hàn Mặc Tử - nhân duyên và nhân vật  (16/10/2005)
Nhạn quá trường không  (14/10/2005)