Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tìm nét mới cho những phòng trưng bày
7:34', 25/10/ 2005 (GMT+7)

Vừa hoàn thành việc sửa chữa với kinh phí ít ỏi vài trăm triệu đồng, hẳn nhiên, sẽ thật khó để nói đến một diện mạo mới, một sức hấp dẫn mới. Tuy nhiên, trong khả năng của mình, những người làm Bảo tàng hiện đang cố gắng để làm mới lại những phòng trưng bày của mình…

 

                   Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vừa được sửa chữa lại.

 

* Bổ sung hiện vật phong phú hơn

"Muốn làm mới thì phải có không gian mới. Nhưng đây chỉ là một đợt sửa chữa nên về cơ bản, không gian trưng bày không có gì thay đổi. Chúng tôi chỉ cố gắng để hoán đổi các hiện vật trong các phòng bằng những hiện vật mới sưu tầm để phong phú hơn"- ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết.

Cụ thể, trước hết là mảng hiện vật về phong trào nông dân Tây Sơn. Hai đợt khai quật khảo cổ học thành Hoàng Đế đã mang lại nhiều kết quả. Kết quả đáng nói nhất là làm lộ dần diện mạo Tử cấm thành, nhưng không chỉ có vậy. Hàng ngàn hiện vật, từ gốm, sành, sứ các thời, gạch, đá lát nền, đến giáo, đinh sắt, đạn chì, đạn đá và thậm chí cả một hiện vật sử dụng trong cung đình… Những hiện vật này đã làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về phong trào nông dân Tây Sơn, đồng thời cũng làm phong phú thêm sưu tập của Bảo tàng.

Đợt này, một số hiện vật sẽ trình ra công chúng trong phòng trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Rồi những hiện vật là kết quả từ những đợt khảo sát, sưu tầm của cán bộ Bảo tàng về đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Chăm H’roi miền núi Bình Định, về cuộc kháng chiến chống Mỹ… cũng sẽ được giới thiệu, hoán đổi với các hiện vật hiện tại, nhằm đem lại một nét mới cho những phòng trưng bày.

Và như vậy, đến cuối tháng 10 này, khách tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ có cơ hội được khám phá thêm nhiều hiện vật mới được sưu tầm trong những năm gần đây bên cạnh những hiện vật quý hiếm vẫn hiện diện lâu nay.

* Nhưng chưa thể có diện mạo mới

Cần phải nói ngay rằng trong số hơn 12.000 hiện vật Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ, không ít hiện vật, bộ sưu tập rất có giá trị.

Chẳng hạn, đó là bộ sưu tập trống đồng tìm thấy tại Bình Định. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 13 trống đồng thì Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có 9 cái, trong đó, phần lớn là trống đồng Heger loại I. Hay như bộ sưu tập tượng, phù điêu Champa với hàng trăm hiện vật, đủ loại hình dạng, kích cỡ, từ tượng tròn đến phù điêu, lớn nhỏ. Trong đó, có những hiện vật độc đáo như phù điêu hình xe ngựa, tượng voi, sư tử, các thần… Rồi bộ sưu tập gốm Gò Sành Bình Định với hàng ngàn hiện vật. Gốm với nhiều hình dáng, kích cỡ, loại hình, được sưu tầm từ các đợt khai quật khảo cổ học tại Gò Sành, Gò Hời.

Mới nhất là bộ sưu tập mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh khá đa dạng với chum táng, mộ nồi cùng nhiều hiện vật tùy táng đặc trưng như hạt cườm, mã não, dọi xe chỉ, rìu sắt, chĩa bắt cá… Có những hiện vật đã từng được mời "xuất ngoại" góp mặt trong đợt triển lãm dài ngày về văn hóa Việt Nam tại Áo.

Hiện vật quý giá, nhưng trước ngày Bảo tàng được sửa chữa, chúng tôi đã rất đau xót khi thấy có những hiện vật quý như phù điêu Bánh xe mặt trời (thế kỷ XII) lại được đặt dưới đất, nằm ngoài hiên, bên cạnh nhiều hiện vật điêu khắc đá khác. Không thể trách những người làm Bảo tàng vì với một không gian nhỏ hẹp không đủ chỗ trưng bày hết các hiện vật. Và hẳn nhiên, điều không thể khác là Bảo tàng vì thế mà kém sức thu hút với công chúng. Không ít người Quy Nhơn không hề biết đến sự hiện diện của một Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Với lần sửa chữa lần này, chưa có thêm không gian trưng bày mới, hẳn nhiên, sự trưng bày cũng chưa thể có sự thay đổi toàn diện để mang diện mạo mới cho Bảo tàng. 

* Bảo tàng: Để không chỉ thuyết minh một chiều

Để xây mới Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hãy còn một quãng thời gian khá dài. Bởi vậy, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng Bình Định vẫn âm thầm sưu tầm, góp nhặt nhằm làm phong phú thêm hiện vật, các bộ sưu tập, tiến tới đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chẳng hạn, sẽ sưu tầm hoàn thành các bộ sưu tập dân tộc học về văn hóa các tộc người trên đất Bình Định; về các ngành nghề truyền thống trên đất Bình Định; về võ cổ truyền Bình Định gồm các loại binh khí, môn võ, những bài thiệu và hình ảnh về các làng võ, lò võ dân gian; về nghệ thuật hát bội Bình Định…

Mặt khác, Bảo tàng cũng cần có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho công chúng được trải nghiệm, giao tiếp, tự rút ra những kết luận cần thiết, chứ không đơn thuần thuyết minh một chiều như lâu nay. Muốn vậy, hẳn nhiên là phải có sự thay đổi từ trong nhận thức và hành động của những người làm Bảo tàng nhằm làm cho bảo tàng phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện tại. Có vậy, Bảo tàng mới có thêm sức thu hút rộng rãi với công chúng.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật Thúy Vân   (24/10/2005)
Tây Sơn huyền thoại   (23/10/2005)
Thơ Hà Giao, Nguyễn Đình Lương  (21/10/2005)
Vẫn còn là một ẩn số !  (21/10/2005)
Nhạc sĩ La Hữu Vang: "Tổ quốc ơi, ta đã nghe"  (21/10/2005)
Mặt bằng chung đã được nâng lên  (20/10/2005)
Nhà văn dấn thân, kịch tác gia đại thụ  (21/10/2005)
Chỉ định thầu công trình trùng tu tháp Dương Long  (20/10/2005)
Trao giải cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bình Định lần thứ V-2005  (19/10/2005)
"Ngón tay vàng" ngày càng hấp dẫn  (18/10/2005)
Hồi sinh cho cổ tháp  (18/10/2005)
Hình ảnh hai đứa trẻ  (18/10/2005)
Những câu thơ tặng vợ  (17/10/2005)
Bình Định đoạt 1 giải đồng, 3 giải A và 1 giải B  (16/10/2005)
Phim Hàn Mặc Tử - nhân duyên và nhân vật  (16/10/2005)