Cảm giác đầu tiên của tôi khi cầm trên tay hai tập "Bình Định những năm tháng chiến tranh" của Thu Hoài là… ngại. Mà không ngại sao được khi công việc cứ cuốn đi như nước chảy qua cầu mà phải đọc đến cả một bộ nhật ký chiến tranh gồm hai tập với cả ngàn rưỡi trang sách chữ in nhỏ li ti như kiến bò. Thế nhưng, may thay đó chỉ là cảm giác ban đầu.
Không biết tự bao giờ, trong tôi hằn sâu một ý niệm: đã là viết ký về chiến tranh thì lúc nào cũng ngập tràn súng nổ ùng oàng, chết chóc và thù hận. Nhưng với những trang sách của Thu Hoài trong bộ nhật ký dài hơi này thì lại dâng đầy tình người và tình yêu. Điều đó được thể hiện ngay từ những trang đầu tiên của câu chuyện Ông lão và cô gái.
Ấy là chuyện về mối tình của cô gái giao liên tên Ngát ở Bình Khê cứ chiều chiều chèo đò đưa cán bộ, du kích qua sông Kôn. Cô yêu một anh cán bộ hoạt động ở Vĩnh Thạnh tên là Nhành. Một chiều tối Ngát chèo đò đưa Nhành qua sông đi làm nhiệm vụ nhưng anh đã không quay về vào sáng hôm sau như thường lệ. Anh bị quân giặc bắt khi đang nằm dưới hầm bí mật, bị chúng tra tấn dã man và đưa đi đâu mất tích. Tất cả đều nói là anh đã bị địch thủ tiêu. Chỉ có mỗi Ngát, người con gái đang yêu, là cho rằng người yêu mình không thể chết nên sáng nào cô cũng ra bờ sông ngóng đợi anh về.
Và quả nhiên, tình yêu của những người lính trong chiến tranh đã thắng. Mùa thu năm 73, khi có dịp quay lại Bình Khê, tác giả Thu Hoài đã gặp lại cô du kích Ngát cùng người chồng của cô chính là anh cán bộ Nhành ấy bằng xương bằng thịt trong căn chòi cũ bên bờ sông Kôn.
Cứ thế, tình yêu, lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tinh thần chiến đấu xả thân vì hòa bình cho quê hương xứ sở của người dân Bình Định hiện lên vằng vặc trong mỗi trang viết của Thu Hoài. Như đã nói, Bình Định những năm tháng chiến tranh là nhật ký, là ghi chép theo trình tự thời gian, không hư cấu, tưởng tượng, thấy gì ghi nấy. Nó là thực tại đương thời của những năm tháng quân và dân Bình Định cùng cả nước đứng lên đánh Mỹ, diệt ngụy để giải phóng quê hương.
Và cũng vì thế, Bình Định những năm tháng chiến tranh ngồn ngộn chất sống, ngồn ngộn sự hy sinh và mất mát như một bản trường ca bi tráng. Dù là nhật ký nhưng nó đã chứa đựng đầy đủ chất liệu cho một bộ tiểu thuyết dài hơi về một thời kỳ vẻ vang của đất và người Bình Định.
Bạn đọc sẽ gặp ở đây hình ảnh của những cán bộ đảng viên mà tên tuổi đã nổi danh trên các chiến trường Bình Định không chỉ là trong quá khứ. Đó là liệt sĩ Biên Cương, người từng làm Bí thư Thị ủy Quy Nhơn mà tên anh ngày nay được đặt cho một con đường của thành phố Quy Nhơn.
Đó là cô du kích Cảnh ở Điện Bàn, bị sa vào tay giặc nhưng một lòng trung kiên với cách mạng, nhất quyết không khai nơi có hầm bí mật và những đồng chí của mình nên bị chúng dã man chặt đứt cả hai cánh tay trở thành "Thần vệ nữ" - một bức tượng nổi tiếng của Mê lô.
Đó là Trần Thị Thanh Lịch người con gái kiên trung, làm y tá cứu chữa cho thương binh, bị giặc bắt quyết không khai nửa lời, bị bọn Phòng nhì và ty cảnh sát Hoài Nhơn tra tấn dã man, ba lần bị cưa chân khiến cả Đảng bộ và nhân dân Hoài Châu, Hoài Nhơn xúc động và khâm phục.
Và đó còn là người nữ biệt động thành Quy Nhơn Huỳnh Thị Ngọc, từng làm Bí thư Thị đoàn Quy Nhơn hồi năm 1971, lãnh đạo chi đoàn Trần Văn Ơn đánh những trận xuất quỷ nhập thần, làm trọng thương tỉnh trưởng, giết chết phó tỉnh trưởng Bình Định, bị địch bắt tra tấn dã man rồi đưa vào giam ở nhà tù Sài Gòn, sau này được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hiện tại đang sống bình dị giữa đời thường ở thành phố Quy Nhơn.
Những trang viết của Bình Định những năm tháng chiến tranh cứ hiển hiện như sự sống, như cỏ cây phải mọc và hoa lá phải khoe sắc dưới ánh mặt trời. Vì thế mà Bình Định những năm tháng chiến tranh như là những vỉa quặng lộ thiên về một bản anh hùng ca giữ nước tuy chưa được trau chuốt nhưng ngập tràn sự lấp lánh của những giá trị nhân bản cao cả. Đó là truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua hai cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
. Hà Tùng Sơn
|