Trong khi cả nước sôi nổi cảm xúc, suy tư về Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, về những vẻ đẹp của lối sống những năm tháng đã qua thì Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định cho xuất bản quyển sách Bình Định người đương thời (của các tác giả: Quang Khanh, Lê Viết Thọ, Quỳnh Hoa, Thu Hà) vào dịp chào mừng 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là một sáng kiến của Hội Nhà báo Bình Định, sự cố gắng của các tác giả cuốn sách và là một quyển sách có ý nghĩa tư tưởng và ý nghĩa văn hóa.
Những con người được đưa vào tập sách là những con người bình thường đang sống, đang làm việc quanh ta. Một ông giám đốc sở vừa là người lãnh đạo chung, vừa là tác giả của nhiều tập thơ, tập kịch. Một ông giám đốc năng nổ, quyết đoán, giàu tình nghĩa đã đưa công ty lên thành Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Một bà mẹ nông dân nghèo nuôi 8 con mình và 10 đứa con nuôi nên người vì yêu thương. Một giáo viên nghèo với chiếc thuyền đơn sơ trên bến sông Hà Thanh, nối nghiệp cha, gieo những con chữ đầu tiên cho đám trẻ nghèo với ước mong chúng sẽ nên người...
Họ ở đủ thứ ngành nghề, lứa tuổi. Cũng có thể họ còn có những khuyết điểm, hạn chế nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm: là những con người biết yêu, biết nghĩ, biết cố gắng hết mình làm việc cho mọi người, cho đất nước.
Các tác giả đã cố gắng tìm hiểu con người, cuộc sống để đưa những chân dung, những vẻ đẹp ấy vào bài viết của mình một cách chân thành và cảm động. Con người ở bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào biết yêu thương nhau mà hành động, biết hướng về cái đẹp để sống, đó là ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống.
Để thể hiện nội dung tư tưởng ấy, các tác giả đã chọn lối viết đối thoại trực tiếp và xây dựng những chân dung. Viết về bà mẹ nghèo, tảo tần mưa nắng nuôi 18 đứa con, khi chúng vào đời, bà chỉ dặn: "Nếu sống thoải mái thì ở, còn khổ quá thì cứ về với má, má nuôi. Không sao hết!". Còn lời lẽ nào nói hết sự nhân hậu bao dung ấy.
Viết về vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, tác giả đưa ra một câu chuyện có tính chất nghề nghiệp. Giữa bao nhiêu công việc bề bộn, có giờ phút nào rảnh rang trước thì hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, giờ đổi mới hơn là xe máy, đi về tận các miền quê xóm vắng để tìm hiểu cuộc sống rồi viết nên Huyền tích kinh xưa. Giữa bao nhiêu công việc bề bộn, nhà thơ đã rèn luyện cho mình những giây phút thảnh thơi trong tâm hồn để sáng tác nên những câu thơ hiếm có trong thơ ca Việt Nam hiện đại: Câu thơ mưa gió bọt bèo/ dìu nhau qua mọi vương triều phế hưng; hoặc Mai kia cát bụi nhập nhòa/ Có ai còn nhận ai là cố tri...
Ông cha ta từng dạy "Trăm nghe không bằng một thấy". Bác Hồ từng mong mỏi các nhà văn nên viết về những người thật việc thật. Những người thật việc thật trong Bình Định người đương thời là những vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta hôm nay. Nó có sức cổ động, khuyến khích con người hướng về cái đẹp, để sống trong hoàn cảnh xã hội hiện tại và lâu dài vẫn thế. Nó cũng là thành quả tốt đẹp trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân những con người ấy.
|