Thức với hồn thơ
10:18', 30/10/ 2005 (GMT+7)

(Đọc tập thơ "Nắng tím" của Hà Giao, NXB Đà Nẵng, 2005)

Đã vào tuổi 68 lại vừa trải qua một cơn bệnh trọng, thế mà vào dịp giữa năm 2005 này, anh Hà Giao cho ra mắt tập thơ "Nắng tím".

Người ta đã có "nắng xanh","nắng vàng". Vì sao anh nhìn ra "nắng tím"? Anh tâm sự với nhà thơ Lê Văn Ngăn, rằng "tím là gam màu của lòng yêu thương, là sắc độ của vinh quang xen lẫn niềm mất mát vì cuộc chiến đấu cho một lý tưởng nhân văn".

"Nắng tím" là tập sáng tác thứ ba của Hà Giao. Trước đó, anh đã có "Giọt mưa" (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 1995), "Tấm áo vỏ cây" (trường ca, NXB Văn học, 1996) và 1/3 tập thơ "Từ Krông Bung" in chung với Xuân Mai, Nguyễn Anh Hộ ở NXB Đà Nẵng năm 2003.

Điều dễ dàng nhận thấy ở "Nắng tím" là một giọng thơ chất phác thực thà, như "Anh thật thà uống/ Thật thà say/ Thật thà muốn hóa con trai Nùng"; một thoáng ưu tư dằn vặt trước cuộc sống, một chút nghĩ suy triết lý và nhiều nỗi buồn đau về sự mất mát hy sinh của gia đình, của bản thân và bạn bè trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

"Đêm nằm nghe sóng biển/ ngày cơm trắng cá ngon/ trên mâm không muối ớt/ sao cay xót lòng con" (Nhớ mẹ).

Anh nhớ người anh trai: "Mười sáu tuổi anh đi bộ đội/ mười tám tuổi anh đã hy sinh". Người anh hy sinh rồi còn bị "Xe tăng giặc chà qua xát lại" không còn mộ chí. May nhờ nhà ngoại cảm tìm giúp "năm mươi ba năm em gặp anh" (Anh tôi).

Trong chiến đấu, đạn thù đã cướp của Hà Giao một con mắt nên anh có "Lời đôi mắt" đầy cảm động: "Nhìn em bằng con mắt trong tim/ Nhìn đời bằng con mắt trong đầu" để rồi vẫn có một niềm tin mà vui sống: "Giữa hai hàng dương liễu đẹp/ có anh đui/ cõng bạn què/ theo dòng đời mải miết cùng đi".

Nhờ nghị lực và niềm vui sống ấy, anh đã lặn lội nhiều ngày tháng trên các vùng núi cao, lên với đồng bào dân tộc để sưu tầm kho tàng văn hóa dân gian rất giàu mà anh có được ngót chục trường ca Bahnar đã xuất bản.

"Những hôm xót ruột đêm dài/ anh thức cùng tiếng chiêng/ nghe các bok hơamom/ kể những Dyông, Prăng Kak…" (Lơpin ơi Lơpin).

Anh cũng đến với nhiều vùng đất nước, như SaPa, Lào Cai để bâng khuâng với "Chiếc ô đỏ", lên mỏm bắc tột cùng của Tổ quốc, với "Đá cao nguyên" Hà Giang và đi chợ tình Khau Vai uống bát rượu ngô. Anh cũng "đi từ quê hương Nguyễn Huệ/ về Mỹ Tho như thể tìm người thân", bởi Mỹ Tho có chiến công Rạch gầm - Xoài Mút đánh tan liên quân Xiêm - Nguyễn của Quang Trung Nguyễn Huệ v.v...

Đi, viết và trải nghiệm. Hà Giao không mấy lúc thanh thản. Anh vẫn canh cánh bên lòng những nỗi buồn, những niềm đau trước những điều bất cập của cuộc sống. "Em cười ra nước mắt/ mía hờn hạ chữ đường…". Hoa mía trắng đẹp đấy, nhưng là sự đẹp phũ phàng "trắng bạc như tình ai" (Hoa trắng). Anh thấy như mình còn mắc nợ nhiều lắm "…thơ tôi in giấy Bãi Bằng/ giấy vẫn tỏa hương/ thơ còn nằm lề cỏ/ thơ chưa tẩm mồ hôi người thợ/ cây bút còn duyên nợ với sông Lô" (Với sông Lô).

Ở "Nắng tím", Hà Giao cố gắng tìm tòi hình thức thể hiện. Thơ lục bát, thơ thất ngôn hay một vài thể khác, nhiều bài anh ngắt dòng để thay đổi nhịp điệu câu thơ. Thơ toàn thanh bằng như Xuân Diệu, Bích Khê đôi lúc đã thể nghiệm mà nổi tiếng là hai câu của Bích Khê: "Ô hay! buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông", Hà Giao cũng có hai bài thể nghiệm như thế. Đó là "Chiều Tam Sơn" và "Chim sâm cầm" làm thay đổi không khí tập thơ.

Trong bài thơ "Mối tình lãng quên", Hà Giao viết: "Những người làm sách/ vẫn ở ngoài trang sách". Hà Giao làm thơ nên cũng ở ngoài thơ. Vì thế, anh mới có "Nắng tím" trao cho bạn đọc.

  • Nguyễn Văn Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay  (28/10/2005)
Resort - Hài hòa và dấu ấn  (28/10/2005)
Nghệ sĩ Minh Hoàng: "Hô Bài chòi từ khi biết hát"  (28/10/2005)
Quang Dũng: Tôi rất tự tin với con đường âm nhạc mình đang đi  (27/10/2005)
Cụ Giản Chi: Một học giả, một nghệ sĩ  (26/10/2005)
Những ký ức tươi nguyên của một thời chiến trận  (25/10/2005)
Phục hồi vở Diễn Võ Đình của Đào Tấn  (25/10/2005)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tìm nét mới cho những phòng trưng bày  (25/10/2005)
Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật Thúy Vân   (24/10/2005)
Tây Sơn huyền thoại   (23/10/2005)
Thơ Hà Giao, Nguyễn Đình Lương  (21/10/2005)
Vẫn còn là một ẩn số !  (21/10/2005)
Nhạc sĩ La Hữu Vang: "Tổ quốc ơi, ta đã nghe"  (21/10/2005)
Mặt bằng chung đã được nâng lên  (20/10/2005)
Nhà văn dấn thân, kịch tác gia đại thụ  (21/10/2005)