Vẻ đẹp đích thực của cái tôi trữ tình trong Tống biệt hành
8:12', 1/11/ 2005 (GMT+7)

Lặng lẽ và sang trọng, Thâm Tâm xuất hiện trong phong trào Thơ Mới như cái cầu nối vừa kế thừa, vừa đoạn tuyệt với cả một nền thi ca cổ điển. Bài thơ bất hủ của ông, Tống biệt hành, không phải như Hoài Thanh nói, "làm sống lại không khí riêng của nhiều bài thơ cổ", mà chỉ mượn chiếc áo của thi ca cổ để bao bọc cho nội dung trữ tình của cái tôi hiện đại giữa buổi giao thời.

                                Ảnh minh họa

Mặc dù Thâm Tâm dành một phần của bài thơ gán cho Ly khách khẩu khí chinh phu một thời: "Chí nhớn chưa về bàn tay không…", nhưng cái hình ảnh ấy thật mỉa mai như tái diễn một vở tuồng trên sân khấu cuộc đời. Tôi cứ nghĩ, đó chỉ là lời nhại của Thâm Tâm trong phút ngẫu hứng thử ném Ly khách sang giới tuyến bên kia của thời trung cổ để tái hiện cái chí cao siêu đến đoạn tình của người xưa: "Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Nếu đặt trong cuộc sống hiện đại, cái khẩu khí này chẳng khác nào lời giận dỗi của một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang.

Sự thật, những gì cổ kính của Tống biệt hành chỉ là sự tưởng niệm một nền văn chương điển phạm đã đi qua. Thể thơ, đề tài, hình ảnh, hình tượng và ngôn ngữ thơ như là sự vay mượn cái đã có để khơi sâu vào cái chưa có. Không khó lắm khi nhận ra sự đối lập triệt để giữa cổ điển và hiện đại trong mấy câu thơ hay nhất của bài thơ:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Dòng sông, bóng chiều đã từng được dàn dựng như một bức tranh chung cho mọi cuộc phân ly trong bút pháp lấy cảnh ngụ tình cổ điển, ở đây đã được Thâm Tâm phủ định một cách dứt khoát để tạo ra một bối cảnh mới cho cuộc phân ly của con người hiện đại.

Không đưa qua sông, dòng sông biến mất, không gian trở thành vô định. Bóng chiều không sắc màu, thời gian cũng trở nên vô nghĩa. Dù nhà thơ cố gắng xua tan mối hoài nghi: "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy", cái con người mang lý tưởng "đầu đội trời chân đạp đất" một thời, nhưng ám ảnh về một cái tôi bé nhỏ giữa cõi hư vô vẫn hiện diện. Nó hiện diện qua hình ảnh mẹ già với sự sống ngắn ngủi, qua hai chị như sen cuối mùa tàn tạ, qua em nhỏ ngây thơ bé bỏng để rồi kết tinh lại thành những thân phận mong manh: "chiếc lá bay", "hạt bụi", "hơi rượu say".

Ly khách buồn với nỗi buồn thăm thẳm từ "chiều hôm trước", đến "sáng hôm nay" vì cảm nhận sâu sắc cái kiếp người bé nhỏ mong manh ấy. Hơn nữa bản thân Ly khách hôm nay ra đi đã biết về đâu. Con đường tự do của cái tôi cá nhân trong buổi giao thời chưa định hình một cách rõ nét, tất cả đều mịt mờ, hư ảo. Rốt cuộc Ly khách cũng chỉ là "chiếc lá bay", "hạt bụi", "hơi rượu say" bé nhỏ và mong manh trên hành trình phiêu lưu ấy.

Vẻ đẹp của Tống biệt hành không nằm trong ảo tưởng về một con người mang vóc dáng khổng lồ giữa đất trời chật hẹp mà nằm ở chiều sâu vô hạn trong tâm hồn của cái tôi bé nhỏ giữa cõi hư vô. Trong khi tạo ra khoảng không cho cõi hư vô, những gì thuộc về ngoại cảnh đã được nhà thơ chuyển hóa vào tâm cảnh. Trái tim chứa đựng cả một dòng sông mênh mang con sóng và ánh mắt mơ màng mang cả chân trời hoàng hôn ly biệt.

Cái tôi bé nhỏ nhưng tâm hồn như chứa đựng tất cả mọi chiều kích lớn lao của đất trời, thâu nhận mọi vẻ đẹp của nhân gian. Ly khách sẽ ra đi không phải với tư thế "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" mà đi với cả một tâm hồn lớn, trái tim và ánh mắt nhạy cảm của mình như hướng tất cả vào tình người, vào nỗi đau nhân thế.

Tống biệt hành, một cuộc chia ly thường tình nhưng chứa đựng trong nó cả một vũ trụ biệt ly. Không còn dè dặt nép mình vào thiên nhiên, Thâm Tâm tạo ra một cái tôi độc lập với tất cả vẻ đẹp lớn lao của tâm hồn. Thâm Tâm viết bài thơ này như đi trên chiếc cầu chênh vênh giữa hai nền văn hóa cũ và mới, cuối cùng tạo ra một bứt phá ngoạn mục để tiến đến điểm hẹn của thi ca hiện đại. Tống biệt hành cổ nhưng mới hơn tất cả những bài thơ mới hiện thời.

  • Châu Minh Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện làm phim của phim Đặng Nhật Minh  (31/10/2005)
Thức với hồn thơ  (30/10/2005)
Những vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay  (28/10/2005)
Resort - Hài hòa và dấu ấn  (28/10/2005)
Nghệ sĩ Minh Hoàng: "Hô Bài chòi từ khi biết hát"  (28/10/2005)
Quang Dũng: Tôi rất tự tin với con đường âm nhạc mình đang đi  (27/10/2005)
Cụ Giản Chi: Một học giả, một nghệ sĩ  (26/10/2005)
Những ký ức tươi nguyên của một thời chiến trận  (25/10/2005)
Phục hồi vở Diễn Võ Đình của Đào Tấn  (25/10/2005)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tìm nét mới cho những phòng trưng bày  (25/10/2005)
Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật Thúy Vân   (24/10/2005)
Tây Sơn huyền thoại   (23/10/2005)
Thơ Hà Giao, Nguyễn Đình Lương  (21/10/2005)
Vẫn còn là một ẩn số !  (21/10/2005)
Nhạc sĩ La Hữu Vang: "Tổ quốc ơi, ta đã nghe"  (21/10/2005)