Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn:
"Phục hồi tuồng cổ trên góc nhìn mới"
14:8', 1/11/ 2005 (GMT+7)

Vừa qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã quyết định dựng lại vở "Diễn Võ Đình" - một trong những vở tuồng cổ hay nhất của hậu tổ Đào Tấn. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn về vở tuồng này.

 

Một cảnh trong vở tuồng "Trời Nam" của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Xin ông hãy cho biết ý nghĩa của việc Nhà hát Tuồng dựng lại một số vở tuồng của Đào Tấn trong đó có "Diễn Võ Đình"?

- Có thể nói cái tên Nhà hát Tuồng Đào Tấn gắn liền với hậu tổ Đào Tấn, chính vì vậy việc phục dựng lại các vở tuồng của cụ vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của chúng tôi đối với người đã có công khai sáng ra môn nghệ thuật này. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã đi vào khai thác khá nhiều vở tuồng của Đào Tấn, riêng đối với "Diễn Võ Đình" thì do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên mãi đến hôm nay mới có thể dựng lại được.

Hạn chế của chúng tôi khi khai thác vở tuồng này là không có nhiều tư liệu về nó nhưng khó khăn càng làm cho Nhà hát quyết tâm thực hiện hơn. Chúng tôi đã ra tận Đà Nẵng để tìm kiếm tư liệu từ các bậc thầy ngoài đó và thông báo rộng rãi ở Bình Định ai biết về vở tuồng thì tham gia đóng góp ý kiến cùng với nhà hát…

Cho đến lúc này, "Diễn Võ Đình" đã bắt đầu được tiến hành dàn dựng lại trên sân khấu, đây là một nỗ lực rất lớn của tập thể chúng tôi.

* Tại sao Nhà hát không chọn những vở tuồng khác của Đào Tấn để dựng lại mà mất nhiều công sức với "Diễn Võ Đình" như thế ?

- Ngoài những ý nghĩa như đã nói ở trên, sỡ dĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn đầu tư nhiều công sức cho "Diễn Võ Đình" là còn bởi những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật của nó. So với các vở khác của Đào Tấn như "Hộ Sanh Đàn", "Trầm Hương Các", "Sơn Hậu"… thì "Diễn Võ Đình" có kết cấu và thể loại hoàn toàn mới lạ, nó thuộc thể loại tuồng Văn với kết cấu mở.

"Diễn Võ Đình" ra đời từ 1889 - 1993, sau sự kiện Hàm Nghi xuất bôn rồi bị bắt và nghĩa quân Phan Đình Phùng đang trong giai đoạn tan rã, lúc này Đào Tấn đang làm Tổng đốc ở An Tĩnh lần thứ nhất. Chính vì vậy trong "Diễn Võ Đình", thông qua nhân vật trung tâm là tráng sĩ Triệu Khánh Sanh, Đào Tấn đã cho thấy tâm trạng bế tắc của một người làm quan trước thời cuộc lịch sử đảo điên lúc bấy giờ. Tâm trạng bế tắc này thể hiện bằng cách kết thúc đột ngột không có hậu ở cuối vở tuồng, đây cũng là một điểm khác biệt so với các vở tuồng truyền thống khác.

* "Diễn Võ Đình" có nhiều giá trị như thế, vậy việc dựng lại vở tuồng này sẽ theo hướng giữ nguyên gốc của nó hay là có sự cách tân theo quan điểm hiện đại?

- Với tư cách là một đạo diễn, quan niệm của tôi khi dựng lại các vở tuồng cổ nói chung và "Diễn Võ Đình" nói riêng là khai thác để bảo tồn những gì mà các cụ ngày xưa đã để lại. Bên cạnh đó, phải biết trau chuốt và nâng lên những giá trị văn hóa đó một cách khoa học theo quan điểm hiện đại. Quan điểm nghệ thuật của nhà hát chúng tôi là phải biết chắt lọc tinh hoa cổ để làm cái mới và chắt lọc tinh hoa mới để bổ sung cho cái cổ. Những mặt tinh hoa trong tuồng cổ thì chúng ta phải giữ lại, nhưng những mặt còn hạn chế thì ta phải mạnh dạn đổi mới để hoàn thiện hơn.

Trên cơ sở đó, trong quá trình dựng lại "Diễn Võ Đình" chúng tôi sẽ có một số thay đổi so với kịch bản gốc, sự thay đổi này không phải là thêm bớt một cách tùy tiện theo ý đồ chủ quan mà đó chính là sự chia sẻ và tiếp nối tư tưởng của tác giả theo cách nhìn mới của người hôm nay.

* Xin cảm ơn ông !

  • Hoài Thu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẻ đẹp đích thực của cái tôi trữ tình trong Tống biệt hành  (01/11/2005)
Chuyện làm phim của phim Đặng Nhật Minh  (31/10/2005)
Thức với hồn thơ  (30/10/2005)
Những vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay  (28/10/2005)
Resort - Hài hòa và dấu ấn  (28/10/2005)
Nghệ sĩ Minh Hoàng: "Hô Bài chòi từ khi biết hát"  (28/10/2005)
Quang Dũng: Tôi rất tự tin với con đường âm nhạc mình đang đi  (27/10/2005)
Cụ Giản Chi: Một học giả, một nghệ sĩ  (26/10/2005)
Những ký ức tươi nguyên của một thời chiến trận  (25/10/2005)
Phục hồi vở Diễn Võ Đình của Đào Tấn  (25/10/2005)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tìm nét mới cho những phòng trưng bày  (25/10/2005)
Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật Thúy Vân   (24/10/2005)
Tây Sơn huyền thoại   (23/10/2005)
Thơ Hà Giao, Nguyễn Đình Lương  (21/10/2005)
Vẫn còn là một ẩn số !  (21/10/2005)