Người Áo Vải là tuyển tập thơ của 43 tác giả xuất thân từ vùng đất Tây Sơn - quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, do NXB Trẻ ấn hành tháng 6-2005, dày gần 150 trang với nhiều sắc thái, tình cảm của những người con xa quê.
Từ những thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn từ thế kỷ trước như Quách Tấn, Nguyễn Hoài Văn… đến những cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ như: Xuân Mai, Đào Hiếu, Hà Giao…, hay thế hệ cầm bút sau 1975 như: Tạ Văn Sĩ, Trần Viết Dũng, Nguyễn Tấn Sĩ, Từ Khánh Phượng… Tất cả, dù ở xa quê hay đang sinh trưởng tại quê nhà, đều có những tình cảm ân tình và không kém phần tự hào về vùng đất của hào khí Tây Sơn:
"Hai trăm năm hoặc hai nghìn năm sau
mấy ai biết họ thầy: Trần, Đào, Trương, Nguyễn
cứ phạm thượng gọi thầy Giáo Hiến
rạng rỡ sư môn nên áo vải cờ đào…"
(Tâm sự gởi thầy giáo Hiến - Trần Viết Dũng)
Điều đáng tiếc ở tập thơ này là phần tiểu sử của các tác giả quá sơ sài, chưa thể hiện hết quá trình hoạt động văn học và những đóng góp cho nền văn học chung.
Dù sao đây cũng là một ấn phẩm tốt, giúp người đọc có điều kiện trong việc tìm hiểu diện mạo thơ ca một vùng đất.
|